Quả thật, khi mà những tranh luận đúng-sai, xoay quanh hành động của Snowden còn chưa ngã ngũ, thì báo chí phương Tây những ngày qua đã buộc lòng phải thừa nhận vai trò quan trọng của Snowden.
Báo Độc lập (Nga) ngày 5/2 bình luận rằng với những tài liệu mật có trong tay, Snowden có thể một mình xóa sổ lực lượng quân đội hùng mạnh của nước Mỹ. Theo một Báo cáo mật của Lầu Năm góc, cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden đã lấy trộm khoảng 1,7 triệu tài liệu tình báo có liên quan hầu hết các hoạt động hiện tại của quân đội Mỹ. Và nếu chúng được công bố, không những lính Mỹ ở nước ngoài sẽ gặp nguy hiểm mà còn có thể khiến các hoạt động hiện nay của Mỹ thất bại.
Báo cáo của Lầu Năm góc thừa nhận nếu Snowden tiết lộ các kỹ thuật do thám của Mỹ, điều đó cũng đồng nghĩa việc "phím cho kẻ thù của chúng ta nguồn và phương thức bảo vệ của chúng ta”, cũng như gây tổn hại đến các đồng minh của Mỹ.
Trong khi đó, dẫn lại các phương tiện truyền thông phương Tây, Hãng ITAR-TASS ngày 5/2 công bố Mỹ đã tiến hành các hoạt động do thám Đức kể từ thời ông Gerhard Schroder làm Thủ tướng. Cụ thể, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi không chỉ điện thoại cá nhân của bà Thủ tướng Angela Merkel, mà ngay cả điện thoại của vị Thủ tướng tiền nhiệm Gerhard Schroeder nhất cử nhất động cũng bị theo dõi. Hành vi do thám này liên quan tới lập trường cứng rắn của ông Schroeder xung quanh việc Mỹ tấn công Iraq.
Công ty phát thanh truyền hình NDR và tờ "Süddeutsche Zeitung" của Đức cho biết trong năm 2002, Thủ tướng Schroeder đã "được" đưa vào một danh sách các mục tiêu tiềm năng của hoạt động gián điệp. Bình luận về sự kiện này, cựu Thủ tướng Schroeder cho biết: ông hoàn toàn không có cảm giác bị tình báo Mỹ theo dõi, cho đến khi Snowden bật mí các hoạt động nghe lén của NSA.
Tuy nhiên, ông Schroder khẳng định: "Điều đó chẳng làm tôi ngạc nhiên". Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ James Cole ngày 4/2 thừa nhận nhà chức trách Mỹ đồng thời cũng nghe lén nhiều cuộc điện đàm của các thượng nghị sỹ Mỹ. Tuy nhiên, ông này thực sự dè dặt khi né tránh câu hỏi liệu điện thoại của Tổng thống Barack Obama có bị theo dõi hay không.
Tờ Washington Post dẫn lời người đứng đầu tình báo quân đội Mỹ, Trung tướng Michael Flynn, cho biết Lầu Năm Góc sẽ buộc phải thay đổi rất tốn kém cho các chương trình và nhân viên của họ, vì những tiết lộ của Edward Snowden. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực hoạt động của quân đội Mỹ.
Trước đó, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper đã buộc lòng phải "hạ cố" kêu gọi "kẻ phản bội nước Mỹ" Snowden hãy trả lại những tài liệu chưa công bố. Ông này cũng thừa nhận vụ Snowden đánh cắp 1,7 triệu tài liệu đóng dấu "Tuyệt mật" của NSA là vụ đánh cắp kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ thời đại công nghệ kỹ thuật số.
Trung tướng Hải quân, Phó đô đốc Michael Rogers, người vừa được "ông chủ Nhà Trắng" bổ nhiệm lãnh đạo NSA, thay thế Tướng Lục quân 4 sao Keith Alexander, thì cho biết trong số những tài liệu mà Snowden đánh cắp có cả những thông tin về các biện pháp đối phó mà quân đội Mỹ sử dụng, trước hết nhằm chống lại quân đội Afghanistan.
Hiện chưa rõ, Mỹ sẽ làm gì để đối phó trong trường hợp Snowden tiếp tục nhấn nút vào các "tử huyệt" của họ, chỉ chắc chắn một điều rằng, nếu như không có "người thổi còi", nếu như các hoạt động do thám của Mỹ không được công khai, hẳn quốc gia này sẽ còn leo thang các hành động bí mật do thám, thậm chí là can thiệp công việc nội bộ quốc gia khác. Và đó mới thực sự là vấn đề cộng đồng quốc tế cần thực sự quan tâm.