Đường băng trái phép trên đá Chữ Thập sắp hoàn thành

Kiệt Anh |

Theo báo cáo ngày 1-7 và các ảnh chụp vệ tinh ngày 28-6 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đảo nhân tạo đá Chữ Thập đã sắp hoàn thành.

Theo ảnh vệ tinh ngày 28-6, được công bố bởi chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc CSIS vào ngày 1-7, đường băng dài gần 3000 mét trên đảo nhân tạo đá Chữ Thập đã gần như hoàn thành, với bề mặt đã được tráng phủ và đường dành cho xe vận chuyển cũng đã được xây xong.

Theo AMTI, ảnh vệ tinh cũng cho thấy hiện diện trên đá Chữ Thập có hai bãi đáp trực thăng, gần 10 ăng-ten thông tin liên lạc vệ tinh, và một tháp ra-đa.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cho xây dựng hai ngọn hải đăng và một nhà máy xi-măng trên đảo nhân tạo này.

Ảnh vệ tinh hồi tháng 4-2015 chụp đường băng đang được xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập (Ảnh: CSIS)

Ảnh vệ tinh hồi tháng 4-2015 chụp đường băng đang được xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập (Ảnh: CSIS)

Hãng tin The Guardian nhận định, đường băng này đủ lớn để cho các máy bay vận chuyển hạng nặng và máy bay chiến đấu sử dụng.

Đường băng này đang được hoàn thành với tốc độ chóng mặt. Những ảnh vệ tinh chụp vào tháng 4-2015 cho thấy đường băng này chỉ mới hoàng thành khoảng 1/3 tiến độ.

Trước đó ngày 30-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành quá trình xây đắp đảo nhân tạo trên một số thực thể tại Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cũng tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở vật chất, hạ tầng liên quan trên các đảo nhân tạo của quần đảo này theo như đúng kế hoạch.

Ảnh chụp hoạt động xây đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên đá Vành Khăn (Ảnh: Reuters)

Ảnh chụp hoạt động xây đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên đá Vành Khăn (Ảnh: Reuters)

Từ cuối năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã ráo riếc tiến hành những dự án trái phép mà họ gọi “cải tạo đất” trên bảy thực thể tại Trường Sa, nhưng thực chất là xây mới hoàn toàn một hòn đảo nhân tạo từ xuất phát điểm chỉ là các bãi đá và rạn san hô.

Đây là hành vi đi ngược lại với cam kết của Tuyên bố Ứng xử trên Biển Đông (DOC), nhằm thay đổi thực trạng và gây phức tạp tình hình.

Theo một bài bình luận đăng trên tạp chí The Diplomat của giáo sư người Úc, ông Carl Thayer, các dự án này hoàn toàn không tạo ra chủ quyền hợp pháp theo luật quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại