Phó Thủ tướng Gabriel cho rằng mục đích các biện pháp trừng phạt Nga cho tới nay là nhằm đưa Nga trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine.
Vị Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) nói: "Mục đích của trừng phạt không bao giờ nhằm đẩy Nga rơi vào cảnh rối loạn về kinh tế và chính trị...
Những người muốn điều đó sẽ chỉ làm tình hình thêm nguy hiểm cho tất cả chúng ta ở châu Âu."
Ông cho rằng một số thế lực ở châu Âu và Mỹ muốn khuất phục các đối thủ siêu cường trước đây song đó không phải là điều mà Đức và châu Âu mong muốn.
Theo ông, khi Nga không còn là đối tác để giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới, thì đó sẽ là điều "cực kỳ nguy hiểm với toàn thế giới."
Ông Gabriel khẳng định: "Chúng tôi muốn hỗ trợ để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, không phải để khuất phục Nga."
Phó Thủ tướng Gabriel cũng bày tỏ mong muốn Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ trở lại tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G-8 vào mùa Hè này tại Đức.
Cùng ngày, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo có trụ sở tại München, ông Hans-Werner Sinn, cảnh báo nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế Nga có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền công nghiệp Đức cũng như các ngân hàng ở châu Âu.
Ông cho rằng không thể loại bỏ nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Nga và điều đó không chỉ tạo ra nguy cơ cho các ngân hàng của Pháp và Áo vốn có hợp tác chặt chẽ với Nga mà ngành công nghiệp của Đức cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng./.