Các chuyên gia vũ khí LHQ thu thập mẫu vật tại ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, nơi vũ khí hóa học bị nghi ngờ đã được sử dụng.
Theo trang tin RT (Nga), từ năm 2002 đến năm 2006, Đức đã xuất khẩu hơn 100 tấn nguyên liệu có thể được sử dụng để pha chế chất khí chết người này.
Tuy nhiên, chính phủ Đức lại nhấn mạnh họ tin rằng “các hóa chất lưỡng dụng” đã không được sử dụng cho mục đích quân sự.
“Giấy phép chuyển giao (hóa chất) được cấp sau khi đã rà soát kỹ lưỡng tất cả các rủi ro tiềm ẩn, kể cả những nguy cơ bị sử dụng sai và bị chuyển hướng với mục đích có thể liên quan đến vũ khí hóa học”, Bộ Kinh tế Đức cho biết trong một tuyên bố nhằm giải đáp yêu cầu chính thức từ Đảng Cánh tả của nước này.
Các hóa chất được cung cấp bao gồm hydro florua, amoni biflorua và sodium florua - tất cả đều được ứng dụng cho hàng trăm mục đích công nghiệp và nông nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, chúng cũng có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí, do đó những hóa chất này bị liệt vào loại “hàng hóa lưỡng dụng”.
Đảng Cánh tả Đức bảy tỏ hoài nghi về việc liệu các quan chức Đức có dám chắc những hóa chất trên không được sử dụng để chế tạo vũ khí hóa học.
“Tôi không thể tin được tất cả. Nước Đức đã cung cấp cho Syria tổng cộng hơn 111 tấn hóa chất có thể được sử dụng để sản xuất khí sarin, và điều đáng lưu úy là lại cho một quốc gia có chương trình vũ khí hóa học”, ông Jan van Aken , một chuyên gia vũ khí của Đảng cánh tả, đồng thời là cựu thanh tra vũ khí LHQ cho biết.
Lô hóa chất đầu tiên được Đức chuyển giao cho Syria trong giai đoạn 2002-2003, dưới thời cầm quyền của chính phủ trung tả của Thủ tướng Gerhard Schroeder. Lần thứ hai là năm 2005-2006, dưới sự lãnh đạo của những người trung hữu đương nhiệm.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định: “Căn cứ vào tất cả những kết quả điều tra theo yêu cầu của tôi, chúng đều được sử dụng cho mục đích dân sự”.
Bà Merkel nói rằng chính phủ Đức đã tiến hành một cuộc điều tra về những lô hàng này và khẳng định không có mối liên quan nào giữa các chất hóa học và vũ khí được sử dụng ở Syria.
Thủ tướng Merkel cũng cho biết việc cấp thêm hóa chất đã bị cấm sau khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào đầu năm 2011 và cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn.
Đức là nước đã ủng hộ nghị quyết của Mỹ kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ với Syria sau vụ tấn công ở ngoại ô Damascus hôm 21/8 mà Washington cho rằng đã làm hơn 1.400 thiệt mạng.
Tuy nhiên, chính phủ Syria đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Damascus cũng cam kết sẽ bàn giao toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình và đã nộp đơn tham gia Công ước cấm vũ khí hóa học quốc tế.