Tham gia hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 20-6 có 100 học giả, nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam.
Phải chơi bằng luật quốc tế
Mở đầu hội thảo, giáo sư Carlyle A. Thayer - Học viện Quốc phòng Úc - nói tranh chấp hiện nay về quyền và chủ quyền trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa chỉ có thể giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam cần tranh thủ mạnh mẽ điểm này trong các trao đổi cấp chính phủ với Trung Quốc.
Cùng quan điểm, giáo sư Jerome A. Cohen, giám đốc Viện luật Mỹ - Á tại Trường đại học Luật New York, cho rằng giờ đây Trung Quốc đang lớn mạnh hơn nhiều về quân sự và đang ngày càng quyết đoán với những yêu sách ở biển Đông, không những chống lại Việt Nam mà cả các nước khác trong khu vực.
Philippines, trong hoàn cảnh giống như Việt Nam hiện nay, đã quyết định đề xuất cơ chế trọng tài để chống lại Trung Quốc trên cơ sở giải quyết tranh chấp theo UNCLOS mà Trung Quốc, Philippines cũng như Việt Nam cam kết tuân thủ.
Giáo sư Jerome A. Cohen nhấn mạnh: “Luật quốc tế luôn là thứ vũ khí phòng vệ có giá trị đối với nước yếu”. Theo giáo sư Jerome A. Cohen, chắc chắn giải pháp hòa bình sẽ phụ thuộc vào ngoại giao nhưng cũng không nên bỏ qua sự trợ giúp mà các thể chế pháp lý quốc tế có thể cung cấp.
Áp lực dư luận quốc tế
Trao đổi bên lề hội thảo về những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp phải khi kiện Trung Quốc ra tòa, giáo sư Erik Franckx - ĐH Tự do Brussels, Bỉ, thành viên tòa trọng tài thường trực - cho biết khi khởi kiện ra tòa án công lý quốc tế (ICJ) bắt buộc phải có hai bên chấp nhận. Trong tình hình hiện nay, khả năng kiện ra tòa này rất khó vì Trung Quốc có thể từ chối.
Ví dụ như Nhật Bản, họ chủ động đưa những vụ việc tranh chấp đảo Senkaku ra tòa công lý nhưng phía Trung Quốc không có phản hồi. Tuy nhiên, giáo sư Erik Franckx cũng nói những cơ chế giải quyết tranh chấp bằng UNCLOS. Trung Quốc cũng tham gia ký UNCLOS nên phải có trách nhiệm thực hiện.
Giáo sư Erik Franckx nhìn nhận Việt Nam và Philippines có thể cùng chọn một vấn đề cần tập trung yêu cầu Trung Quốc định nghĩa, giải thích, chứng minh về đường chín đoạn. Nhưng Việt Nam cần lưu ý là Trung Quốc có những tuyên bố để loại bỏ mình ra khỏi những ràng buộc với các nước, các tổ chức quốc tế. “Kết quả xấu nhất có thể là tòa nói không đủ thẩm quyền xử lý vấn đề của Việt Nam và Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc. Nhưng ít nhất Việt Nam cũng sẵn sàng chứng minh điều này” - giáo sư Erik Franckx nói.
Đề cập việc Trung Quốc một mặt đưa các vấn đề tranh chấp biển Đông ra Liên Hiệp Quốc nhưng mặt khác họ lại phủ nhận vai trò của trọng tài quốc tế, giáo sư Erik bình luận: Trung Quốc muốn thể hiện lòng tin với cộng đồng quốc tế nên đưa vấn đề này ra. Nhưng Trung Quốc lại không muốn có sự can thiệp của bên thứ ba. “Điều đó cho thấy Trung Quốc phải có những phản hồi trước lập luận của Việt Nam và buộc phải biện hộ cho hành động của mình, phải lên tiếng trước áp lực của dư luận quốc tế” - giáo sư Erik nêu rõ.
Theo ông Jerome A. Cohen, Việt Nam vẫn nên đưa ra tòa án quốc tế, coi đây là sự thể hiện cho thế giới thấy mong muốn chân thành về một giải pháp hòa bình, công bằng.