Nghiên cứu đăng trên tạp chí Luật, Đạo đức và y học cho biết từ năm 2008 đến 2012, có tới 611 “du khách” nước ngoài đến Thụy Sĩ để tìm cái chết nhằm thoát khỏi sự hành hạ, giày vò của bệnh tật. Họ đến từ 31 quốc gia, nhưng phần lớn là công dân Đức và Anh.
Theo nghiên cứu, ở Anh câu nói “đi tới Thụy Sĩ” giờ được ngầm hiểu là đến Thụy Sĩ để thực thi quyền được chết. Trong số 611 trường hợp trên có 58% là nữ giới. Độ tuổi trung bình của họ là 69. Gần 50% mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, phần còn lại bị ung thư, thấp khớp và tim mạch.
Ở Thụy Sĩ có sáu tổ chức ủng hộ quyền được chết thực hiện dịch vụ hỗ trợ khách hàng “chết êm ái”. Hiện luật quản lý quyền được chết vẫn là đề tài gây tranh cãi dữ dội ở rất nhiều quốc gia. Tại Thụy Sĩ, chưa có quy định quản lý rõ ràng vấn đề này.
Do đó nhiều người trên thế giới chọn Thụy Sĩ làm điểm đến để “chết êm ái”. Trong khi đó, ở các nước châu Âu như Anh, Pháp và Ireland, luật pháp nghiêm cấm hành vi hỗ trợ tự sát. Tại Đức, về mặt đạo đức các bác sĩ không được phép hỗ trợ người bệnh tìm đến cái chết.
Ở Mỹ có bốn bang là Oregon, Washington, Montana và Vermont công nhận quyền được chết. Một khảo sát quốc tế tại 12 quốc gia châu Âu cho thấy phần lớn người được hỏi cũng ủng hộ quyền được chết.
Tuy nhiên những người phản đối cho rằng quyền được chết có thể dẫn tới những tác động khó lường trong xã hội. Vấn đề là chính phủ các nước phải cải thiện khả năng chăm sóc người mắc bệnh hiểm nghèo và kinh niên.