Ông Truong sống ở TP Sunnyvale, bang California. Hôm 23-4, ông chia sẻ một đoạn video ghi lại chuyến hành trình leo núi của mình ở Nepal với hình ảnh một đàn bò.
Kèm theo đoạn video là lời bình luận về môi trường ồn ào và bụi bặm xung quanh. Thông báo cho bạn bè trên mạng xã hội Facebook, ông cho biết mình đang cắm trại ở núi Everest.
Sau khi trận động đất ở Nepal hôm 25-4, cô Michelle Fennessy, một người bạn của Truong vội vã liên lạc với ông trên tài khoản Facebook nhưng không nhận được hồi âm.
Đến ngày 27-4, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận trong số 4 người Mỹ thiệt mạng trong trận lở tuyết có cả tên của người đàn ông gốc Việt này.
Bà Fennessy gặp ông Truong khi ông đang lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chicago.
Trả lời phỏng vấn báo The Times, bà cho biết người bạn cũ rất có khiếu hài hước, thẳng thắn và khả năng giữ bình tĩnh trước những áp lực. "Ông ấy thích đi bè trên sông, dù lượn và “bất cứ điều gì có cảm giác mạo hiểm” - bà kể.
Trên trang Facebook cá nhân của Truong có hình ảnh ông mặc bộ quần áo đua xe và nhảy dù từ máy bay ở độ cao gần 4 km. Tuy nhiên, sở thích đặc biệt của người đàn ông là đi bộ đường dài.
Bà Fennessy nhớ lại người bạn của mình từng có mong muốn leo lên đỉnh Everest – giấc mơ lớn nhất mà ông ấp ủ suốt 10 năm qua.
Khi mẹ ông Truong qua đời cách đây vài năm, ông chuyển từ TP Chicago về TP Sunnyvale để được gần gũi hơn với gia đình và chăm sóc người cha già.
Cả 4 người Mỹ thiệt mạng đều chết trên Everest. Ngoài ông Truong, còn có nhà làm phim Thomas Ely Taplin, 61 tuổi, đến từ bang Colorado.
Trước đây, ông từng làm một bộ phim tài liệu về đỉnh Everest nhưng không ngờ sau này bản thân lại bỏ mạng tại đây. 2 người còn lại là nữ tiến sĩ Marisa Eve Girawong, 29 tuổi, bác sĩ của trại Everest và một giám đốc Google tên Dan Fredinburg, 33 tuổi.
Trại dành cho người leo núi trên Everest tan hoang vì lở tuyết. Ảnh: 6 Summits Challenge
Hôm 28-4, toàn bộ số nhà leo núi bị mắc kẹt trên ngọn Everest đã được trực thăng chuyển đến nơi an toàn. 3 trực thăng được huy động lên Trại 1 (còn gọi là Thung lũng im lặng) và Trại 2 để giải cứu những người gặp nạn.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết ít nhất 17-22 nhà leo núi đã bị giết chết trong trận động đất gây lở tuyết hôm 25-4. Một nửa số lều bạt tại trại dừng chân Everest bị phá hủy.
Ước tính có 350 nhà leo núi người nước ngoài và 700 hướng dẫn viên bản địa có mặt trên ngọn núi 8.850 m lúc thảm họa khủng khiếp xảy ra.
Nhà leo núi Carsten Lillelund Pedersen người Đan Mạch kể rằng nhóm của ông đi xuống từ Trại 2, khi còn cách chân núi khoảng 6.400 m thì buộc phải quay trở lại do tuyết chặn đường. Cuối cùng, cả đội cũng tới được Trại 1 để chờ cứu hộ.
Bất chấp thảm họa tồi tệ vừa diễn ra, ông Pedersen vẫn nuôi ý định lập kỷ lục thế giới bằng cách chinh phục 6 ngọn núi cao hơn 8.000 m trong năm nay.
“Các thiết bị, lều, oxy và nhiên liệu được lưu trữ ở Trạm 2 để chờ cuộc chinh phục kế tiếp dự kiến tổ chức vào cuối mùa hè này” – ông Pedersen cho hay.