Đầu tháng 8 vừa qua, Mỹ tạm ngưng một loạt biện pháp trừng phạt đã áp đặt đối với Iran sau khi đánh giá cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran đạt được tiến bộ. Theo đó, Washington tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm mua các sản phẩm hóa dầu của Iran cũng như lệnh cấm cung cấp đồ phụ tùng cho ngành hàng không dân dụng nước này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Seyed Abbas Araqchi tuyên bố Tehran không chấp nhận việc dỡ bỏ một phần, đồng thời yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt cùng lúc.
Triệt hạ
Cổng thông tin Al-Monitor trích dẫn lời ông Kenneth Katzman, một chuyên gia hàng đầu về lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran, cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể hủy bỏ nhiều lệnh cấm và “hạ màn” đạo luật trừng phạt Iran vào cuối năm 2016, chẳng bao lâu trước khi ông rời khỏi Nhà Trắng.
Suốt một thời gian dài, lệnh trừng phạt mà nhiều chính phủ và tổ chức đa quốc gia áp đặt đối với Iran đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và người dân nước này.
Sau cách mạng Iran năm 1979, Mỹ đã bắt đầu tiến hành các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran và mở rộng vào năm 1995, bao gồm các công ty giao dịch với chính phủ Iran.
Đến năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 1696 trừng phạt Iran sau khi Tehran từ chối ngưng chương trình làm giàu urani mà phương Tây e ngại nước này có ý định phát triển năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân. Phương Tây từng siết chặt lệnh trừng phạt khi cuộc đàm phán với Iran ngưng trệ và được xem như thất bại.
Từ trước đến nay, lệnh trừng phạt Iran được đánh giá là cứng rắn nhất mà cộng đồng thế giới áp đặt với một quốc gia.
Lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào những lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và công nghiệp hóa dầu, xuất khẩu sản phẩm lọc dầu cũng như các hợp đồng làm ăn với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), các giao dịch hoạt động ngân hàng và bảo hiểm (kể cả Ngân hàng Trung ương Iran), vận tải đường thủy, dịch vụ web cho hoạt động thương mại và đăng ký tên miền.
Mỹ cũng áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và gần như cấm vận kinh tế hoàn toàn đối với Tehran, bao gồm lệnh trừng phạt các công ty làm ăn với nước này, cấm mọi mặt hàng nhập khẩu có nguồn gốc Iran. Mỹ trừng phạt các tổ chức tài chính Iran và gần như hoàn toàn cấm bán máy bay hoặc các bộ phận sửa chữa cho các công ty hàng không Iran. Bất cứ ai muốn làm ăn với Iran đều phải có giấy phép của Bộ Tài chính Mỹ.
Đến tháng 6-2011, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Hãng Hàng không Iran Air và Công ty Thủy triều Trung Đông (điều hành 7 cảng ở Iran). Lý do, Iran Air đã cung cấp nguyên liệu cho IRGC - vốn là đối tượng trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, Thủy triều Trung Đông thuộc quyền sở hữu của IRGC và cả hai đều dính dáng đến các hoạt động như vận chuyển vũ khí trái phép.
Tháng 2-2012, Mỹ đóng băng tất cả tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran và các tổ chức tài chính khác của nước này cũng như tài sản của chính phủ Iran ở Mỹ. Mục tiêu của Mỹ là nhắm vào lĩnh vực năng lượng Iran - đem lại khoảng 80% thu nhập của chính phủ - và cố cô lập Tehran khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Tâm lý e ngại
Dù áp đặt chế độ trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn cho phép giao dịch các loại hàng hóa nhân đạo như thực phẩm và dược phẩm.
Thế nhưng, theo báo The Daily Star, nhiều ngân hàng đang cố tránh hỗ trợ tài chính cho bất cứ hợp đồng nào với Iran do bị Mỹ đe dọa giáng một loạt hình phạt vì làm ăn với các quốc gia bị trừng phạt. Ở đây, phải kể đến mức phạt 8,97 tỉ USD đối với Ngân hàng BNP Paribas của Pháp.
Do đó, mới đây, tàu chở dầu thực vật cho Iran đã phải neo đậu mấy tháng ở ngoài vịnh, trong khi các ngân hàng trì hoãn việc thanh toán tiền hàng vì e sợ vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế. Cuối cùng, sự việc cũng giải quyết xong và hàng hóa được bốc dỡ xuống ở Iran nhưng mất mấy tháng trời và chi phí đội lên.
Các nguồn tin vận tải đường thủy phương Tây, giới chức Iran cũng như những nhà cung cấp thực phẩm và dược phẩm cho biết số chuyến hàng dự định chở đến Iran bị trì hoãn hay dừng lại ngày càng tăng. Hậu quả là cuộc sống người dân Iran ngày càng khó khăn. Tháng 5 năm nay, các nguồn tin thương mại và giới chức Iran cho biết hàng trăm ngàn tấn ngũ cốc và đường đã bị mắc kẹt do vướng vào vấn đề thanh toán.
Một quan chức Ngân hàng Trung ương Iran thừa nhận: “Các ngân hàng quốc tế và khu vực ngần ngại giao dịch với Iran. Chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm các ngân hàng đối tác thay thế nhưng chưa gặp may”. Sự thực là các khoản tiền phạt trong 2 năm qua đã khiến nhiều ngân hàng Mỹ e ngại.
Năm 2012, Cơ quan Chỉnh lý New York dọa rút giấy phép hoạt động ngân hàng của Standard Chartered sau khi tổ chức này vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran. Ngoài BNP Paribas mới bị phạt vì giao dịch với Iran, Ngân hàng Commerzbank AG của Đức dự kiến phải nộp khoảng 600-800 triệu USD để giải quyết các cuộc điều tra những phi vụ làm ăn của ngân hàng này với Iran và các quốc gia khác đang bị Mỹ trừng phạt. Nhà chức trách Mỹ cũng đang điều tra các tổ chức tài chính khác, trong đó có UniCredit của Ý và Deutsche Bank của Đức.
Kinh tế Mỹ thiệt hại nặng
Hội đồng Quốc gia Iran - Mỹ (NIAC), cơ quan tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Iran, vừa công bố báo cáo “Kinh tế Mỹ thiệt hại hàng tỉ USD: Cái giá trừng phạt Iran”, với trang bìa in hình những tờ USD mất hút trong một lỗ đen.
Theo tuần báo The Facts, báo cáo nêu rõ: “Từ năm 1995 đến 2012, Mỹ đã mất từ 134,7 tỉ đến 175,3 tỉ USD lợi tức xuất khẩu tiềm năng cho Iran. Trong khoảng thời gian này, không bán hàng cho Iran khiến Mỹ bị mất khoảng 51.043-66.436 cơ hội việc làm. Riêng năm 2008, số cơ hội việc làm bị mất đạt đến mức khoảng 214.657-279.389”.
Ngoài ra, cổng thông tin Al-Monitor cũng xác định: “Nền kinh tế Mỹ đã thiệt hại hơn 135 tỉ USD lợi tức xuất khẩu và hàng trăm ngàn việc làm tiềm năng do lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt chống lại Iran”.