Malcolm Moore, phóng viên của báo Anh The Telegraph tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 01.10 đưa ra nhận định về những diễn biến tiếp theo có thể xảy ra tại Hồng Kông.
Trung Quốc sẽ lùi bước?
Không có bất cứ dấu hiệu gì từ Bắc Kinh cho thấy họ muốn lùi bước, thậm chí họ vẫn cho phép các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra mà không cần sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát.
Bản tin thời sự 19 giờ của Trung Quốc mô tả cuộc biểu tình như một nỗ lực để “tống tiền chính quyền Hồng Kông và chính quyền trung ương, buộc họ phải chấp nhận vô số yêu cầu vô lý”.
Những người tổ chức biểu tình đã thừa nhận rằng họ không mong đợi bất kỳ sự nhượng bộ quan trọng nào từ Bắc Kinh trong thời gian ngắn.
Bắc Kinh lo ngại rằng việc nhượng bộ có thể tạo ra một tiền lệ không chỉ ở Hồng Kông mà còn ở cả đại lục. “Nếu chúng ta lùi bước vì ai đó đe dọa tiến hành các hoạt động bất hợp pháp, cực đoan, thì điều này chỉ dẫn tới thêm các hoạt động bất hợp pháp khác ở quy mô lớn hơn” – Li Fei, một quan chức đại lục nói với các chính trị gia Hồng Kông trước khi các cuộc biểu tình bắt đầu.
Tuy nhiên, trong quá khứ Bắc Kinh từng thể hiện sự linh hoạt với vấn đề ở Hồng Kông. Năm 2003, khi hàng trăm nghìn người phản đối kế hoạch đưa ra bộ luật “chống âm mưu lật đổ” thì cuối cùng, nó đã bị trì hoãn và 18 tháng sau, Trưởng Đặc khu khi đó là Đồng Kiến Hoa đã phải từ chức với “lý do sức khỏe”. Năm 2012, Bắc Kinh cũng nhượng bộ sau những phản ứng với kế hoạch thực hiện chương trình “giáo dục yêu nước” cho sinh viên Hồng Kông.
Người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông
Người biểu tình sẽ lùi bước?
Các cuộc biểu tình đã thành công một cách bất ngờ. Không ai nghĩ rằng cuộc biểu tình sẽ nhận được sự ủng hộ lớn như vậy, hay việc cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông chỉ tăng thêm động lực của họ. Và đây cũng có thể là cuộc biểu tình công khai được tổ chức tốt nhất, sạch sẽ nhất, lịch sự nhất mà thế giới được thấy.
Điều đó đã là sự khích lệ vô cùng lớn với các nhà hoạt động, những người mà thậm chí đang dường như được thúc đẩy bởi các mục tiêu tham vọng hơn. Chiều ngày 1/10, một nhóm sinh viên đã đưa ra tối hậu thư với Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, buộc ông này tới ngày 2/10 phải từ chức, còn không, họ cảnh báo sẽ chiếm các tòa nhà hành chính quan trọng. Điều này một lần nữa liên quan tới cuộc đối đầu với chính quyền.
Sẽ tìm ra một giải pháp trung gian?
Những người biểu tình có hai yêu cầu chính: Lương Chấn Anh từ chức Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông và Trung Quốc thay đổi kế hoạch cho cuộc bầu cử năm 2017 để thay thế ông ta.
Lương Chấn Anh sẽ không từ chức, dù có thể sau này Bắc Kinh sẽ lặng lẽ thay thế ông, Jean Pierre Cabestan, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Baptist (Hồng Kông) nhận định.
Kế hoạch bầu cử năm 2017 vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông. Tới tháng 3, Hội đồng này sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch đó. Từ nay tới khi đó, sẽ có thể có những thay đổi nhỏ nhằm giành được sự ủng hộ từ đa số người dân, nhưng Bắc Kinh thì nhiều khả năng sẽ không cho Hồng Kông dân chủ đầy đủ như những gì người biểu tình đòi hỏi.
Giáo sư Cabestan cho rằng: “Cách duy nhất để đạt được một giải pháp trung gian không phải là trao đổi với ông Lương Chấn Anh hay chính quyền Hồng Kông mà là thương lượng với Bắc Kinh... Họ nên cố gắng tìm kiếm các hòa giải viên có thể tiếp cận với Văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông, hoặc Bắc Kinh, hoặc ông Trương Đức Giang (quan chức chịu trách nhiệm cao nhất về Hồng Kông)”.
Lester Shum, Phó thư ký của Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông cho biết, các thủ lĩnh sinh viên bây giờ muốn bỏ qua Lương Chấn Anh và nói chuyện với một quan chức chính quyền trung ương.
Giải pháp lý tưởng cho Bắc Kinh là gì?
Bắc Kinh có thể hy vọng rằng các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt một cách tự nhiên do một vài ngày nghỉ lễ trong tuần và thời tiết được dự báo sẽ tồi tệ.
Trong khi đó, nhà chức trách Trung Quốc đang lôi kéo các tầng lớp trung lưu của Hồng Kông. Bản tin thời sự lúc 19 giờ của Trung Quốc chỉ ra rằng chi phí của các cuộc biểu tình có thể lên tới 40 tỷ đô-la Hồng Kông (tương đương 3,18 tỷ bảng Anh).
"Việc có những ý kiến khác nhau trong xã hội là điều dễ hiểu. Nhưng nó phải được thể hiện bằng những cách thức hợp pháp, hợp lý và hòa bình”, bản tin này nói.
Joseph Cheng, một giáo sư chính trị tại Đại học City của Hồng Kông và cũng là một nhà hoạt động dân chủ, cho biết, các cuộc biểu tình sẽ chỉ tiếp diễn theo một cách tự nhiên trước khi người Hồng Kông trở nên khó chịu với tình trạng trì trệ. “Nếu họ không thể đưa con đến trường hoặc đi mua sắm, họ sẽ phàn nàn!” ông cười, ngầm ám chỉ rằng các cuộc biểu tình không thể diễn ra vô thời hạn.
“Chúng tôi xin lỗi (người dân)”, Chan Kin-man, một trong những thủ lĩnh phong trào Chiếm Trung tâm phát biểu. “Chúng tôi biết phong trào Chiếm Trung tâm sẽ mang tới sự bất tiện cho cuộc sống của mọi người, nhưng chúng tôi hy vọng mọi người có thể hiểu chúng tôi. Chúng tôi biết sẽ xảy ra trì trệ trong thời gian ngắn nhưng chúng tôi đang chiến đấu vì hòa hợp lâu dài trong xã hội”.