Hôm 22/1, The Diplomat, một tạp chí có trụ sở tại Nhật Bản đã đăng tải bài viết của một Hoa kiều cho rằng Trung Quốc cần có nhiều bài học đạo đức hơn để tiếp tục duy trì sự phát triển.
Tác giả cho rằng, Trung Quốc đang thay đổi mỗi ngày. Thay đổi diễn ra quá nhanh đến nỗi mọi người cần phải dừng lại một chút và nghĩ về việc đất nước này đang và sẽ phát triển như thế nào.
Những người Trung Quốc sống ở nước ngoài là đối tượng cảm nhận rõ nhất về sự phát triển và thay đổi của Trung Quốc mỗi khi họ trở về nước. Tác giả của bài viết cũng không phải ngoại lệ. Ông cho biết rất ngạc nhiên khi quê hương ông, một thành phố nhỏ ở miền Nam Trung Quốc cũng đang gặp phải vấn đề ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Ông nhận ra rằng phát triển kinh tế quá mức đã mang lại những hậu quả tiêu cực cho thành phố và người dân , đặc biệt là khi giáo dục đạo đức công cộng không bắt kịp với sự phát triển kinh tế.
Trong chuyến về thăm nhà, tác giả tình cờ nói chuyện với một số người hàng xóm về cách giáo dục các thế hệ trẻ của Trung Quốc hiện nay. Một số phàn nàn rằng họ cảm thấy rất thất vọng khi chứng kiến cảnh sinh viên trẻ xô đẩy nhau khi vào các cửa hàng tạp hóa, vất túi nhựa ở khắp mọi nơi, rác ngập trường học sau giờ tan trường. Nhiều người chán nản đến mức còn mỉa mai rằng, vứt rác bừa bãi không gây thiệt hại nghiêm trọng nào cho xã hội, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho những người khác, những người thất nghiệp và không biết kiếm sống bằng cách nào.
Xả rác sau giờ học vẫn còn tồn tại mỗi ngày, và điều đáng buồn là mọi người dường như không lấy gì làm lạ về vấn đề này hoặc không mấy để tâm đến nó.
Những chuyện đang xảy ra tại thành phố nhỏ phía nam Trung Quốc này không hẳn là đại diện cho những gì đang diễn ra trên toàn đất nước Trung Quốc. Nhưng thực tế, việc giáo dục đạo đức công cộng ở Trung Quốc có rất nhiều bất cập.
Một Trung Quốc đang phát triển nên quan tâm đến giáo dục đạo đức quốc gia, điều mà Bắc Kinh chắc chắn đã hiểu được. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn là dù các trường học vẫn giáo dục cho sinh viên rằng không nên vứt rác bừa bãi thì nhiều người vẫn hồn nhiên vứt rác mà không hề cảm thấy có chút gì đó ăn năn hay “cắn rứt”.
Tác giả đề xuất, nếu giáo dục ở nhà trường không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng trên thì cần phải xét đến yếu tố giáo dục trong gia đình. Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ và trẻ em đôi khi chỉ đơn giản là lặp lại những gì cha mẹ chúng làm, ngay cả khi họ chỉ vô tình làm vậy.
Tác giả khẳng định rằng, nếu không có sự thay đổi trong mỗi gia đình và nhà trường để giáo dục đạo đức tốt hơn cho người dân Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ khó có thể duy trì sự phát triển như hiện nay vì nội lực quan trọng nhất cho sự nổi lên của Trung Quốc là yếu tố con người. Bằng việc thay đổi thế hệ trẻ, Trung Quốc có thể tránh được một tương lai không mong muốn.
Không chỉ có trong nước, hình ảnh của Trung Quốc cũng đã bị tổn hại rất nhiều trong mắt của cộng đồng quốc tế. Nhiều hàng hóa gắn mác sản xuất tại Trung Quốc bị xa lánh. Du khách Trung Quốc bị chỉ trích vì thiếu văn minh như nói năng ồn ào nơi công cộng, đi bộ qua đường không đúng luật, khạc nhổ và khắc vẽ bậy lên các vật dụng tại thắng cảnh, coi thường phong tục tập quán địa phương đã gây bức xúc tại nhiều thành phố du lịch nổi tiếng trên thế giới.