"Điều quân tới Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ đang bày ra ván bài mới với Nga"

My Lan |

Động thái đưa thêm quân đến Bashiqa "có thể được coi là câu trả lời" của Ankara cho việc Moscow tích cực tăng cường sức mạnh quân sự dọc biên giới Thổ - Syria.

"Sẽ còn gay gắt hơn nữa"

Trong sự việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tới Iraq mà không báo trước, cũng không được sự cho phép của nước sở tại, Nga là một trong số những quốc gia chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ gay gắt nhất.

Moscow gọi động thái của Ankara là "bất hợp pháp" và đề nghị Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở cả Iraq và Syria.

Quan hệ giữa Ankara và Moscow đã trở nên căng thẳng sau khi chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị bắn hạ hôm 24/11. Tuy nhiên, theo trang tin Mỹ Business Insider, đó chỉ là một lý do khiến Nga có thái độ gay gắt như vậy với động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq.

Nga đã chia sẻ thông tin an ninh và tình báo của mình về IS với Iraq kể từ tháng 9, khi các cố vấn quân sự của Nga, Syria và Iran bắt đầu xây dựng trung tâm phối hợp hoạt động ở Baghdad, hỗ trợ lực lượng dân quân Shitte do Iraq hậu thuẫn chiến đấu chống IS ở bắc Iraq.

Tổng thống Putin cũng giữ vai trò lớn hơn ở Iraq - một vai trò mà đi kèm với nó là cả những kỳ vọng về quân sự và chính trị.

"Sự hiện diện của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ gần Mosul chắc chắn làm phức tạp thêm tình hình giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ", ông Boris Zilberman, chuyên gia về Nga tại Quỹ về Quốc phòng của các nền Dân chủ (Mỹ) nhận định.

"Cách đây không lâu, đã có tin đồn về khả năng Nga triển khai lực lượng đến Iraq. Với những diễn biến hiện nay, khả năng đó có thể lại được bàn tán sôi nổi thêm một lần nữa.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục triển khai quân tới Iraq, thì tôi đoán rằng các lãnh đạo Iraq, Nga và Iran sẽ có những ngôn từ gay gắt hơn. Điều này sẽ chỉ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng và rủi ro trong xung đột ở khu vực".

Và vì vậy, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá, cuối cùng, Thủ tướng Abadi "có thể phải đối mặt với áp lực nhiều hơn nữa trong việc phải chấp nhận sự hỗ trợ từ Nga".

Viện này còn cho rằng, ít nhất một chính trị gia Iraq đã nghĩ đến việc "một lực lượng Nga" có thể can thiệp để đánh đuổi lính Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Iraq.

Business Insider
Trang tin Mỹ
Không thể xem nhẹ sức ảnh hưởng của Iran và lực lượng dân quân mà nước này hậu thuẫn ở Iraq. Việc phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Iraq phù hợp với mục tiêu lớn nhất của Tehran là đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, tăng cường quyền lực của mình trong khu vực. Hơn thế nữa, Nga lại là một đồng minh quan trọng của Iran.

Tuy nhiên, ít có khả năng Nga sẽ mạo hiểm để đối đầu quân sự với NATO để làm điều này.

"Tôi không nghĩ rằng Nga sẽ trực tiếp tham gia vào nỗ lực đánh đuổi binh lính (Thổ Nhĩ Kỳ)", ông Paul Stronski, nhà nghiên cứu cấp cao trong chương trình Nga và Âu - Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định.

Thế nhưng, theo ông "Nga có thể sẽ không phản đối Iran làm việc đó".

Ván bài mới của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga

Theo Business Insider, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ rằng họ có thế mạnh vì là một thành viên của NATO - điều này có thể là lời giải thích cho sự táo bạo của Ankara trong việc đưa quân tới một nơi nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, ngay trong thời điểm đang đối đầu với Moscow.

Chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ Metin Gurcan đánh giá, "động thái đưa thêm quân đến Bashiqa... có thể được coi là câu trả lời" của Ankara cho việc Moscow tích cực tăng cường sức mạnh quân sự dọc biên giới Thổ - Syria.

"Có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ đang bày ra ván bài mới bằng cách thay đổi không gian của cuộc khủng hoảng với Nga".

Theo ông Gurcan, về cơ bản, khao khát trở thành đối trọng với sức mạnh của liên minh Baghdad-Tehran-Damascus do Nga đứng đầu - vốn đang tăng lên, chính là động lực thúc đẩy mong muốn duy trì sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq.

Chuyên gia này đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thiết lập một "trung tâm quyền lực Sunni thông qua 3 thực thể là Chính phủ khu tự trị người Kurd tại Iraq (KRG), lực lượng Ả-Rập Sunni gần Mosul và lực lượng Ả-Rập Sunni tại Syria.

Wladimir van Wilgenburg, một nhà báo tự do và chuyên gia về người Kurd ở Iraq, cũng đồng tình với quan điểm trên.

Nhà báo, chuyên gia về người Kurd
Wladimir van Wilgenburg
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ muốn khiến Sunni và người Kurd ở Iraq trở nên mạnh hơn để đối trọng với Iran và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ từng có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng người Ả-Rập Sunni ở Mosul, nhưng họ đã mất tất cả khi IS chiếm đóng các khu vực này. Đó là lý do tại sao họ đang cố gắng tăng cường sức mạnh cho lực lượng cảnh sát Sunni quanh Mosul.

Trong khi đó, việc kiên quyết từ chối rút quân - và không có dấu hiệu rằng họ sẽ sớm làm việc đó, theo đánh giá của ông Stronki, "ít nhất một phần là để gửi thông điệp tới Nga rằng họ cũng có thể hành động một cách đơn phương hoặc táo bạo trong khu vực".

Tuy nhiên, ông này cho rằng "đôi khi táo bạo không thể giúp ích cho việc xoa dịu vấn đề ngoại giao khó khăn như vậy", và rằng việc đưa quân tới Iraq "làm tăng thêm 1 tầng phức tạp nữa trong toàn bộ cuộc đối đầu Nga - Thổ và càng khiến cuộc chiến chống IS trở nên rối hơn".

Gurcan cũng khá đồng tình với quan điểm trên. "Lần đầu tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, một người khổng lồ chỉ nói rất nhiều mà không động tay chân, đang cố gắng tạo ra tình thế sự đã rồi trên thực địa.

Đây là một điều mới với Nga... Nhưng tựu chung lại thì, kẻ được lợi lại là IS".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại