Điều khủng khiếp phía sau bức ảnh nổi tiếng về thảm sát Mỹ Lai

Hùng Anh |

(Soha.vn) - Trong nhiều năm, bức ảnh Cô gái mặc áo cánh đen đã xuất hiện trên rất nhiều tài liệu về Thảm sát Mỹ Lai. Nhưng điều khủng khiếp đằng sau nó lại rất ít được nhắc đến.

Xem thêm: [Infographic] Buổi sáng kinh hoàng ở Mỹ Lai

Ngày 16/03 / 1968 tại khu vực thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ , huyện Sơn Tịnh , tỉnh Quảng Ngãi , các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát 504 dân thường tay không tấc sắt, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Vụ việc bị che giấu cho tới cuối năm 1969 và ngoại trừ một chỉ huy cấp trung đội thì không có bất cứ sĩ quan hay binh lính Mỹ nào bị kết tội sau vụ thảm sát này.

Bài viết của Valerie Wieskamp, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Truyền thông và Văn hóa, Đại học Indiana Bloomington cho thấy một khía cạnh khủng khiếp đằng sau vụ thảm sát Mỹ Lai.

Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam và những bức ảnh mang tính biểu tượng đánh dấu thời kỳ lịch sử đó, người ta không thể không đặt câu hỏi tại sao đa phần người Mỹ nói nhiều đến bức ảnh “Em bé Napalm” mà lại không bàn luận về một bức ảnh khác được Ronald L.Haeberle chụp trong vụ thảm sát Mỹ Lai và được gọi bằng tiếng Anh là “Black Blouse Girl” (Tạm dịch “Cô gái mặc áo cánh đen”)?

Bức ảnh Cô gái mặc áo cánh đen của Ronald L.Haeberle

Bức ảnh Cô gái mặc áo cánh đen của Ronald L.Haeberle

Và điều đó có ý nghĩa gì khi hơn 45 năm sau, những điều cô phải trải qua mặc dù đã được công bố trong các báo cáo điều tra và thừa nhận của Quốc hội Mỹ, nhưng vẫn chưa một lần được đưa ra ánh sáng công luận?

Trong khi vụ thảm sát Mỹ Lai được thừa nhận rộng rãi như một tội ác và là hành động giết người hàng loạt nhằm vào dân thường, thì còn một sự thật khác ẩn giấu phía sau: Cưỡng hiếp tập thể và lạm dụng tình dục.

Những tội ác này chưa bao giờ chạm được tới tâm thức của người Mỹ, mặc dù các dữ liệu và lời khai đã được công bố ngay sau khi xảy ra vụ thảm sát. Cái cách mà giới truyền thông nói về bức ảnh Cô gái mặc áo cánh đen cũng đã thể hiện sự lãng quên ấy.

Nếu nhìn kỹ bức ảnh, ta có thể nhận ra cô gái trẻ bên phải tấm hình đang cài lại cúc áo của mình. Đó là hành động khiến người khác không khỏi tò mò. Tại sao cô ấy lại bận tâm tới chiếc cúc áo trong khi những người khác thì hoảng loạn lo bị giết hại? Tại sao chiếc cúc áo đó lại bung ra?

Những lời khai trong cuộc điều tra Peers Inquiry (hay “Cuộc điều tra của tướng Peers”) từ năm 1969-1979 đã giúp hóa giải bí ẩn chiếc cúc áo: Thực ra bức ảnh là khoảnh khắc những người phụ nữ và trẻ em sau khi xảy ra một cuộc hiếp dâm và trước khi xảy ra một vụ giết người hàng loạt.

Trong lời làm chứng của mình, Haeberle cho biết một toán lính muốn xem “bên trong cô ta có gì” rồi chúng “bắt đầu lột đồ của cô gái”. Những lời khai bổ sung trong cuộc điều tra cũng xác nhận điều này.

Theo lời khai của Jay Roberts, phóng viên quân đội đã đi cùng với Haeberle ngày hôm đó, thì người phụ nữ lớn tuổi trong ảnh trông rất đau khổ vì bà đã cố gắng để bảo vệ cô gái khỏi cơn cuồng dâm của đám lính Mỹ. Roberts nói rằng người phụ nữ này, người mà anh nghĩ là mẹ cô gái, đã cố gắng "cắn, đá, cào cấu và chống lại " đám lính đó. Cảm xúc trên khuôn mặt của người phụ nữ lớn tuổi không phải sự sợ hãi thụ động.

Chỉ đến khi nhận ra sự có mặt của phóng viên, đám lính mới chịu dừng hành vi thú tính. Haeberle nhớ lại, sau khi rời khỏi đó "tôi nghe thấy tiếng súng máy M-60, và khi chúng tôi quay trở lại, tất cả phụ nữ và trẻ em đều đã chết."

Bài viết trên tạp chí Life năm 1969 đã xác nhận lời kể của Haberle và Roberts, nhưng lại che đậy yếu tố bạo lực tình dục ẩn sâu trong tấm hình và chỉ nhắc đến hành động thảm sát trên trang nhất. Chi tiết về hành vi tấn công tình dục và hiếp dâm chỉ xuất hiện trên trang áp chót của bài viết, cách bức ảnh 6 trang giấy.

Bài viết về Thảm sát Mỹ Lai và bức ảnh trên tạp chí LIFE

Bài viết về Thảm sát Mỹ Lai và bức ảnh trên tạp chí LIFE

Bài báo nói rằng Haeberle và Roberts "đã chứng kiến đám lính gạ gẫm một nhóm phụ nữ, trong đó có cả một cô bé” . Bài báo cũng thuật lại rằng khi một lính Mỹ bắt đầu lột đồ cô gái thì một tên khác lên tiếng "Tao thấy thèm rồi đấy”. Nội dung bài báo cũng mô tả bối cảnh hành động của người phụ nữ lớn tuổi ở phía trước bức hình, về việc bà đã cố gắng giúp cô gái bằng cách “cào cấu đám lính Mỹ”.

Để hiểu lý do tại sao bức ảnh này ngày càng được chú ý, người xem cần hiểu rằng suốt những năm qua, vụ hiếp dâm và bạo lực tình dục ở Mỹ Lai đã bị né tránh và chỉ được nhắc đến một cách chung chung.

Những gì đã xảy ra với Cô gái mặc áo cánh đen không phải là vụ xâm hại tình dục duy nhất xảy ra tại Mỹ Lai. Khi mô tả lại vụ thảm sát, James Olson và Randy Roberts đã thu thập thông tin liên quan tới bạo lực tình dục từ cuộc điều tra Peers Inquiry để lập ra một danh sách gồm 20 cuộc hiếp dâm trên cơ sở lời khai của nhân chứng.

Nạn nhân trong danh sách này có độ tuổi từ 10 đến 45. Chín người trong số đó còn chưa tới 18 tuổi. Nhiều vụ tấn công là hiếp dâm tập thể và tra tấn tình dục. Danh sách này thậm chí còn chưa bao gồm những vụ cưỡng hiếp như trường hợp Cô gái mặc áo cánh đen, và bởi hầu hết nhân chứng đã bị giết trong vụ thảm sát, chúng ta chỉ có thể ước chừng số lượng phụ nữ và thiếu nữ khác bị bạo lực tình dục trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống.

Một trang khác của bài báo

Một trang khác của bài báo trên LIFE

Mặc dù có rất nhiều tài liệu minh chứng về hành vi bạo lực tình dục nhưng không một vụ cưỡng hiếp nào bị truy tố. Có lẽ việc không thể truy tố tội ác này là một lý do khiến giới truyền thông truyền thống ngày càng thờ ơ hoặc bỏ qua vụ tấn công tình dục ở Mỹ Lai, nhắc đến nó một cách thoáng qua hoặc không có gì cả.

Hai bộ phim tài liệu nổi bật về vụ thảm sát, của Frontline năm 1989 "Ký ức Mỹ Lai ", và của American Experience năm 2010 "Mỹ Lai" cũng không đề cập tới (cho dù một phụ nữ Việt Nam trong phim của Frontline có nhắc tới việc hiếp dâm).

Cả hai bộ phim đều đưa vào các cuộc phỏng vấn với Haeberle về bức ảnh. Tuy nhiên ông cũng không hề đề cập đến sự kiện tấn công tình dục. Ông chỉ mô tả cảnh lính Mỹ dồn phụ nữ và trẻ em lại với nhau rồi xả súng giết chết họ.

Bức ảnh xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng không đâu chú thích nêu lên vụ xâm hại tình dục. Và ngoài bài viết ban đầu trên tạp chí LIFE, vẫn chưa có trường hợp nào mà bức ảnh này được mô tả và giải thích về khía cạnh xâm hại tình dục. Chú thích của Wikipedia về bức ảnh không thấy nói đến. Và ngay cả bức ảnh tại Bảo tàng Mỹ Lai ở Việt Nam cũng không chú thích về chuyện đó mà chỉ viết: "Khoảnh khắc cuối cùng của phụ nữ và trẻ em trong làng dưới một cây hoa gạo trước khi bị lính Mỹ giết hại”

Truyền thông Mỹ đã tiếp tục đưa tin về bức ảnh một cách chung chung nhân dịp tưởng niệm 45 năm thảm sát tại Mỹ Lai hồi tháng Ba năm ngoái. Trước đó, đầu năm 2013, trang web LIFE.com đã cho đăng lại trên trang chủ với lời chú thích: “Nông dân Việt Nam, kể cả trẻ nhỏ, hỗn loạn trong khoảnh khắc kinh hoàng trước khi bị lính Mỹ giết hại ở Mỹ Lai, Việt Nam, ngày 16/03/1968.”

Với một chuỗi sự kiện nối tiếp nhau xung quanh bức ảnh này, những gì mà nó thể hiện (có lẽ ngoại trừ Cô gái mặc áo đen) là những dân làng bị thương nhưng dường như đã bình tĩnh hơn một chút sau vụ xâm hại tình dục và cuộc vật lộn giữa người phụ nữ lớn tuổi và đám lính Mỹ trước đó.

Một người phụ nữ đang ôm lấy người phụ nữ lớn tuổi từ phía sau, nhưng có vẻ không phải kìm giữ mà là ôm, là bảo vệ và có thể là can ngăn người phụ nữ lớn tuổi. Có thể thấy thấy bàn tay cô đang ôm lỏng chứ không chặt. Đằng sau đó, một người (có vẻ như một người đàn ông hói đầu) đang chạm vào, có thể vuốt ve và cố gắng để an ủi cô bé đang bám chặt lấy ông. Việc ông nhìn xuống cô bé lúc đó cũng cho thấy tình huống đã bớt căng thẳng trong chốc lát.

Còn với người phụ nữ lớn tuổi, ánh mắt bà dường như vẫn còn nguyên sự căm phẫn, nhưng nét mặt có vẻ mang nhiều nỗi thống khổ hơn là tức giận, đôi tay đã thu về phía thân người và sự chú ý của bà, cũng như của một số người khác, hướng sang phía bên trái chúng ta, như thể đang cố gắng nhìn đi chỗ khác. Và tất nhiên, Cô gái mặc áo cánh đen đang cài lại cúc áo đứng phía sau và được bảo vệ bởi những người khác khỏi điều gì đó mà chúng ta không nhìn thấy ở phía trái bức ảnh.

Và một lần nữa chúng ta lại đặt câu hỏi: Nên hiểu thế nào về sự lấp liếm thông tin đối với một bức ảnh đã đi vào lịch sử nước Mỹ, bức ảnh cho thấy vết nhơ về vụ tấn công tình dục ngay giữa ban ngày? Tại sao người Mỹ sẵn sàng thừa nhận “Em bé Napalm” mà lại lảng tránh “Cô gái mặc áo cánh đen”?

Ronald L. Haeberle là một cựu nhiếp ảnh gia quân đội Mỹ tham dự vào chiến dịch với tư cách phóng viên chiến trường. Ngày 16/3/1968, Ronald Haeberle theo chân lính Mỹ vào làng Mỹ Lai ở Sơn Mỹ, Quảng Ngãi. Đi theo Đại đội Charlie, Haeberle chờ đợi sẽ ghi lại hình ảnh về một cuộc giao tranh giữa lính Mỹ và Việt Cộng.

Ronald L.Haeberle trong Chiến tranh Việt Nam

Nhưng thay vào đó, ông đã phải ghi lại cảnh tàn sát không thể diễn đạt bằng lời. Cuộc bắn giết, đốt nhà diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ đã day dứt ông cả đời. Hơn một năm sau, khi quay trở về quê nhà ở thành phố Cleveland, bang Ohio, ông đã gửi một vài bức ảnh tới tờ báo của thành phố, tờ Plain-Dealer để đăng tải. Lúc đó là cuối tháng 11/1969. Vài tuần sau đó, ngày 5/12/1969, tạp chí Life đã cho đăng toàn bộ seri ảnh của ông cùng câu chuyện đằng sau đó.

 

Ronald L.Haeberle trước mộ những nạn nhân thảm sát Mỹ Lai

Ronald L. Haeberle đã trở lại Việt Nam nhiều lần, gặp gỡ các nhân chứng, những người còn sống sót sau vụ thảm sát.

Xem thêm: Tác giả bức ảnh Cô gái mặc áo cánh đen trở lại Mỹ Lai.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại