Kiều Lương, sinh năm 1955, mang hàm Thiếu tướng, hiện là giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc, hội viên Hội tác gia Trung Quốc và Phó Tổng thư kí Hội nghiên cứu chính sách an toàn quốc gia.
Từ một thợ học việc ở cục đường sắt Qiqihar tỉnh Hắc Long Giang, Kiều Lương nhập ngũ năm 1972 và đảm nhiệm vai trò nhân viên máy chiếu phim của đội điện ảnh Cục chính trị Lam Châu.
Về thực chất, Kiều Lương là một lính văn công. Năm 1986, Kiều Lương được nhận vào học tại Khoa Văn, Đại học Bắc Kinh. Trong bối cảnh một số lính văn công ở Trung Quốc thăng tiến rất nhanh, lại thể hiện được năng khiếu “diều hâu” đúng ý cấp trên, Kiều Lương đã leo tới hàm… Thiếu tướng Không quân.
Kiều Lương, lính văn công mang quân hàm Thiếu tướng Không quân Trung Quốc
Là lính văn công, nhưng Kiều Lương lại thích viết sách về chiến lược và chiến tranh. Quyển “Chiến tranh vượt giới hạn” của viên tướng diều hâu này xuất bản năm 1999 được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là tác phẩm “để đời”, đã đưa ra khái niệm chiến tranh mới có tầm nhìn trước hàng chục năm. Tác giả và báo chí Trung Quốc thậm chí còn khoe khoang là Lầu Năm Góc và Nga đã từng theo học những luận điểm trong đó.
Không biết Mỹ đã học được gì trong sách của Kiều Lương, nhưng viên tướng diều hâu này thì học Mỹ rất nhanh, và cũng rất nhanh, biến những cái học được thành “mưu hèn kế bẩn” của mình. Ông ta từng lớn tiếng tuyên bố Trung Quốc nên "học" vụ Mỹ không kích nhầm làm 24 lính Pakistan thiệt mạng hồi cuối năm 2011.
Khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "vô cùng sốc” và bày tỏ “sự lo ngại mạnh mẽ”. Người phát ngôn của cơ quan này còn ra thông cáo bằng giọng điệu hết sức “đạo đức” rằng: “Sự độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan cần phải được tôn trọng và vụ việc cần phải được điều tra kỹ lưỡng cũng như giải quyết hợp lý”.
Thế nhưng, Kiều Lương, với tư cách một quân nhân cao cấp của quân đội Trung Quốc lại lên báo “hiến kế” rằng Trung Quốc cũng nên dùng cách này để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Theo viên tướng văn công này thì ở Biển Đông có thể phải dùng hỏa lực để giành lợi thế, nhưng những vụ kiểu “không kích nhầm” sẽ làm Trung Quốc đỡ tai tiếng và ít bị chỉ trích hơn.
Trước các câu hỏi về việc Trung Quốc tại sao không chịu cùng đàm phán đa phương với các nước ASEAN về Biển Đông, mà khăng khăng chỉ đàm phán song phương, Kiều Lương tự vỗ ngực cho rằng Trung Quốc giờ “như một con hổ đối mặt với đàn sói ASEAN”, mà hổ không bao giờ sợ sói, nên Trung Quốc không đàm phán đa phương không có nghĩa là nước này sợ cộng đồng ASEAN.
Viên tướng này cũng hô hào sử dụng các đòn hiểm về kinh tế để “trừng trị” các nước không theo ý Trung Quốc. Ông ta nói thẳng toẹt ra rằng “trên trường quốc tế thì đừng làm quân tử”. Câu nói này như một lời khẳng định rằng Trung Quốc sẽ có rất nhiều tiểu xảo chơi xấu trong các cuộc tranh chấp liên quan đến biển đảo và lãnh thổ.
Kiều Lương cũng từng huênh hoang ví von Trung Quốc giờ như một vị “thái tử”, ngồi ở vị trí “lão nhị”, “dưới 1 người mà trên cả muôn người” nên “rất khó xử” và luôn bị “lão đại” là Mỹ soi mói tìm cách chèn ép, đồng thời lại bị các nước như Nga Nhật ở phía dưới tìm cách lật đổ. Viên tướng này cũng cho rằng đó mới là lý do khiến hiện nay nhiều nước không ưa Trung Quốc, chứ không phải vì bản chất Trung Quốc khó ưa.