Điều gì khiến Scotland đòi "ly hôn" với Anh sau 307 năm?

Hãng tin CNN đặt ra những câu hỏi xung quanh sự kiện Scotland chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc tách ra khỏi Vương quốc Anh sau “cuộc hôn nhân” kéo dài 307 năm.

Ngày 18/9, người Scotland sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của đất nước. Kết quả của cuộc bỏ phiếu có thể chấm dứt mối lương duyên 307 năm của Scotland với Anh và xứ Wales. Một quốc gia độc lập 5,3 triệu dân sẽ xuất hiện.

Các khảo sát gần đây nhất cho thấy hoàn toàn có khả năng Scotland sẽ tách khỏi Vương quốc Anh và chính phủ Anh đang bày tỏ sự lo ngại đối với nguy cơ này. Dưới đây là những câu hỏi quan trọng nhất CNN đặt ra với sự kiện này.

Người dân Scotland sẽ bỏ phiếu YES nếu ủng hộ việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh.

Người dân Scotland sẽ bỏ phiếu YES nếu ủng hộ việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh.

Người Scotland sẽ bỏ phiếu như thế nào?

Các cử tri sẽ chỉ phải trả lời câu hỏi đơn giản: “Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập hay không?”. Chính phủ Scotland, dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân tộc Scotland (SNP), mô tả đây là cơ hội “ngàn năm có một” để người dân nước này tự quyết định tương lai đất nước.

SNP khẳng định với câu trả lời “có”, tương lai của đất nước sẽ nằm trong tay người dân Scotland và cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, công bằng hơn với tất cả mọi người. Ngược lại, Thủ tướng Anh David Cameron muốn Scotland vẫn là thành viên Vương quốc Anh.

Ông Cameron cho rằng việc ở lại với Vương quốc Anh sẽ đem lại an ninh và sức mạnh cho đất nước Scotland. Vương quốc Anh không có điều luật nào quản lý quá trình này, do đó đối với Scotland và cả Vương quốc Anh, đây là sự kiện lịch sử.

Tác động đối với trong nước và thế giới?

Nhiều doanh nhân Scotland lo ngại việc tách khỏi Vương quốc Anh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai kinh tế nước này. Tháng trước, 130 lãnh đạo doanh nghiệp gửi thư ngỏ nhấn mạnh quan hệ kinh tế trong Vương quốc Anh nuôi sống 1 triệu lao động nước này. Họ cũng lo ngại về tác động đối với tiền tệ, thuế, quy định tài chính…

Năng lực quốc phòng của Anh chắc chắn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính quyền Scotland muốn Anh phải sớm đưa hạm đội tàu ngầm tên lửa hạt nhân Trident ra khỏi Scotland càng sớm càng tốt. Chính quyền Scotland khẳng định muốn một Scotland độc lập không có vũ khí hạt nhân.

Scotland cũng sẽ phải đàm phán lại để gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU). Giới quan sát dự báo nếu Scotland giành độc lập, các vùng lãnh thổ khác trên thế giới cũng có thể tiếp bước.

Hiện các phong trào độc lập ở tỉnh Calalonia tại Tây Ban Nha, Quebec ở Canada và Corsica ở Pháp đều đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến từ Scotland.

Nếu người dân Scotland ủng hộ độc lập, nhiều khả năng Thủ tướng Anh David Cameron sẽ chịu áp lực phải từ chức.

Ai có thể bỏ phiếu?

Tất cả mọi người sống ở Scotland, từ 16 tuổi trở lên, đều có quyền đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý. Điều đó có nghĩa là công dân Anh và xứ Wales sống ở Scotland cũng có thể bỏ phiếu.

Tuy nhiên người Scotland sống ở các nước khác trong Vương quốc Anh hay trên thế giới sẽ không được bỏ phiếu.

Lịch sử đằng sau cuộc trưng cầu dân ý?

Scotland có một lịch sử quan hệ lâu dài và phức tạp với nước Anh. Đạo luật năm 1707 đưa Scotland gia nhập Vương quốc Anh với Anh và xứ Wales, nhưng khi đó rất nhiều người dân Scotland phải đối quyết định này.

Tháng 5-2011, Đảng Dân tộc Scotland (SNP) theo đuổi độc lập bất ngờ thắng cử và giành thế đa số trong Quốc hội Scotland. Tháng 10/2012 chính phủ Vương quốc Anh và Scotland đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý về tương lai Scotland.

CNN dẫn lời giáo sư lịch sử Scotland Dauvit Broun thuộc ĐH Glasgow cho biết nhiều người dân Scotland không đồng ý với các chính sách mà chính phủ Anh của Thủ tướng David Cameron đề ra.

Giáo sư Broun cho biết sự chia rẽ giữa Anh và Scotland bắt đầu sâu sắc hơn kể từ thời cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Scotland giành độc lập?

Nếu người Scotland bỏ phiếu ủng hộ tách khỏi Vương quốc Anh, nước này sẽ chính thức tuyên bố độc lập vào ngày 24/3/2016. Nhiều khả năng Thủ tướng Anh David Cameron sẽ phải từ chức.

Anh và Scotland sẽ phải đàm phán rất nhiều vấn đề chung như nợ công Scotland trong tổng nợ Vương quốc Anh, việc sử dụng đồng tiền chung, di dời lực lượng hạt nhân Trident của Anh, kiểm soát biên giới… Chính phủ Scotland sẽ bắt đầu quá trình viết hiến pháp.

Scotland độc lập cũng sẽ phải đàm phán để gia nhập NATO và EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại