Hơn một nửa nước Nga rộng lớn thuộc châu Á, là nhà của 22% dân số nước này.
Theo nhà lịch sử người Pháp Max Gallo, 200 năm trước, khi Napoleon lên cơn thịnh nộ, đã đánh đuổi Đại đế Alexander I và người dân Liên Xô ra khỏi châu Âu, buộc họ phải nối dài mảnh đất sang châu Á.
Và đó cũng chính là nơi Napoleon mất đi đế chế của mình. Người Nga không chỉ giành chiến thắng trong cuộc chiến năm 1812 mà họ còn bắt đầu định cư và phát triển cuộc sống.
Đến cuối thế kỷ 19, bến cảng ở phía Đông được hình thành dưới tên gọi Vladivostok, với ý nghĩa đầy tham vọng là “Kẻ thống trị phía Đông”.
Điều này cho thấy rằng, đối lập với truyền thống chính trị từ xa xưa, người Nga không bị đẩy lùi về châu Á bởi những lệnh cấm vận của phương Tây về cuộc nội chiến ở Ukraine.
Việc Nga thắt chặt quan hệ với châu Á chỉ đơn giản là tăng cường chính sách chiến lược và địa lý cân bằng hơn đã được đề ra từ đầu thế kỷ 21.
Đồng thời đó cũng là một bước đi quan trọng trước khi Trung Quốc và phần còn lại của châu Á trở thành khu vực then chốt về quân sự, kinh tế và chính trị trong thời đại mới.
Mối quan hệ tương trợ
Khi các cuộc đàm phán kéo dài 40 năm về vấn đề lãnh thổ xung quanh đường biên giới dài hơn 4.000 km giữa hai nước gần đạt được kết quả, Moscow và Bắc Kinh quyết định thiết lập một bộ khung an ninh và kinh tế để thắt chặt mối quan hệ bằng cách hình thành nên SCO năm 2001, cùng với các thành viên Trung Á khác.
Các thành viên SCO (Trung Quốc, Nga Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) vừa mới hoàn thành cuộc gặp thượng đỉnh thường niên ở thành phố Trịnh Châu với các thảo luận về trao đổi văn hóa, giao thông, tài chính, đầu tư và thương mại.
Và không thể thiếu trong chương trình nghị sự của SCO là vấn đề khủng bố.
Các thành viên cũng thảo luận về tiến trình đối thoại với Ấn Độ và Pakistan cũng như xem xét đơn xin gia nhập của Iran từ năm 2008.
Diễn đàn SCO đã đem đến một nền tảng đa phương cho Nga và Trung Quốc tăng cường mối quan hệ chiến lược trong thời điểm này khi nền kinh tế hai nước đang trải qua những thay đổi về cấu trúc cơ bản.
Những thay đổi này phần nào được phản ánh trong dòng chảy thương mại song phương giữa hai nước.
Cho đến nay, giao dịch đầu tư và thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã giảm 30% và 20% so với cùng kỳ năm 2014.
Phía Nga cũng “đóng góp” vào sự giảm sút này do giá năng lượng giảm mạnh, tuy nhiên một số sản phẩm nông nghiệp, kim loại, hóa chất và dệt may của Nga xuất sang Trung Quốc lại có chiều hướng gia tăng.
Moscow cũng đang quảng bá các sản phẩm giá trị gia tăng của mình tới Trung Quốc.
Thống đốc thành phố Khabarovsk mới đây đã cho biết rằng “có quá nhiều hợp đồng với Trung Quốc đủ để các nhà máy sản xuất máy bay Sukhoi làm việc cả ngoài giờ trong vòng 10 năm tới”.
“Trung Quốc vẫn là nhất”
Tất nhiên năng lượng vẫn là sản phẩm xuất khẩu chính của Nga tới Trung Quốc. Ông Medvedev tỏ ra hài lòng khi hàng chục tỷ USD được rót vào Nga nhờ ngành công nghiệp này.
Với gần một tỷ thùng dầu mỗi ngày chảy về Trung Quốc, Nga đã đánh bật Ả Rập Saudi và trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Bắc Kinh.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với truyền thông Nga, ông Medvedev cũng đề cập đến sự mở rộng của ngành công nghiệp năng lượng và các ngành khác nhờ một loạt hợp đồng ký kết với Trung Quốc.
Ông cũng ám chỉ đến 58 dự án đầu tư được thông qua hồi tháng 6 năm ngoái tại Saint Petersburg trong cuộc gặp giữa Ủy ban đầu tư chính phủ Nga-Trung.
Hai nước đều thể hiện quyết tâm đưa hợp tác chính trị và kinh tế lên một tầm cao mới bằng cách kết hợp sáng kiến Một vành đai một con đường của Trung Quốc với các dự án phát triển đang thực hiện trong Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU) gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.
Các dự án cơ sở hạ tầng và giao thông khổng lồ là trọng tâm của hiệp định được ký kết giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc trong Hội nghị BRICS-SCO ở Ufa, Nga hồi tháng 7 năm ngoái.
Nga cũng muốn tăng cường quan hệ thương mại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Moscow đã thiết lập các mối quan hệ kinh tế và chính trị lâu dài với một số nước ASEAN như Việt Nam và giờ đây nước này đang trong tiến trình mở rộng cũng như nâng tầm mối quan hệ với Cambodia.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đề nghị tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại với Nga. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa. Các kế hoạch tham vọng đã bị trì hoãn bởi lệnh cấm vận của Tokyo với Moscow.
Nhật Bản đang cố gắng quay trở lại cuộc chơi, phần lớn là bởi vì muốn lấy lại bốn hòn đảo mà Liên Xô đã đóng chiếm từ sau Thế chiến II, nhưng đến giờ vẫn chưa chắc Moscow có muốn tiếp tục cuộc chơi hay không.
Hàn Quốc đang ở một vị trí thuận lợi hơn trong mối quan hệ kinh tế với Nga bởi Seoul đã từ chối tham gia vào trò chơi cấm vận của phương Tây và Nhật Bản có lẽ cần phải cảnh giác bởi người Hàn Quốc có đầy đủ mọi sản phẩm cũng như công nghệ mà Tokyo có.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là trọng tâm trong chính sách toàn cầu và châu Á của Nga.
Ông Medvedev lặp lại thông điệp truyền thông tới khán giả Nga và Trung Quốc rằng cả hai nước sẽ quan sát kỹ những vấn đề chính trong lợi ích quốc gia đồng thời khẳng định “mối quan hệ đối tác chiến lược và tin cậy lẫn nhau sẽ được đẩy lên mức cao nhất”.
Thủ tướng Nga cũng cho biết “mọi lĩnh vực của mối quan hệ song phương sẽ được đề cập đến bằng các cuộc đối thoại và hợp tác sâu rộng”.