Di sản của Saddam Hussein đã tạo nên Nhà nước Hồi giáo IS?

Theo tờ Daily Telegraph (Australia), di sản của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã sống tiếp trong hàng ngũ điều hành cấp cao của Nhà nước Hồi giáo (IS), do các chỉ huy cao cấp nhất dưới thời ông này đang lãnh đạo IS.

Ảnh hưởng của Saddam đã khiến IS, tên khác là ISIS, trở nên hiệu quả và nguy hiểm hơn.

Các cựu quan chức dưới thời Saddam giờ đã sử dụng kỹ năng và sự hiểu biết rõ của họ về địa hình để đảm bảo IS hoạt động với độ chính xác cao của một đạo quân.

Trong khi những nhân vật bí ẩn này kiểm soát IS, nhiều chiến binh nước ngoài nổi tiếng lại đóng vai trò bộ mặt của IS, tiến hành các hành động tàn ác kinh khủng để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận.

Tờ Washington Post dẫn lời những người từng có quan hệ với IS nói rằng phần lớn các tướng lĩnh, tiểu vương và hoàng tử của lực lượng này là cựu quan chức Iraq.

Một cựu chiến binh IS là Abu Hamza nói với tờ báo rằng anh ta nhận lệnh từ các cựu quân nhân dưới thời Saddam.

Thậm chí ngay cả các chỉ huy của IS ở Syria cũng có các viên phó là người Iraq và họ mới là những cá nhân ra lệnh thực sự.

Hamza đã rời khỏi IS và trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm ngoái. Hamza cho biết các cựu nhân viên tình báo Iraq đã mang kỹ năng của họ vào sử dụng trong lực lượng tình báo IS.

Ngoài ra, các tuyến đường buôn lậu hình thành trong những năm 1990 giờ đang được sử dụng để IS buôn dầu lậu.

“Các sĩ quan Iraq nắm quyền chỉ huy và họ lên kế hoạch chiến thuật, chiến đấu” – anh này nói, cho biết thêm - “Những người Iraq không trực tiếp tham chiến. Thay vì thế, họ đưa các chiến binh ngoại quốc ra tiền tuyến”.

Khi quân đội Saddam tan rã sau cuộc xâm lược của Mỹ hồi năm 2003, hơn 400.000 cựu quân nhân đã bị cấm không được làm việc cho chính quyền.

Họ cũng bị từ chối trả lương hưu, nhưng được phép giữ lại súng đạn. Các chuyên gia nói rằng những điều kiện này đã đẩy họ tới chỗ đóng vai trò lớn trong IS.

Các cựu lãnh đạo dưới thời Saddam bị Thủ tướng Nouri Al-Maliki đối xử đầy định kiến. Ông là người dẫn đầu cuộc thanh lọc các cựu quan chức đảng Baath khỏi quân đội, chính quyền và giảm bớt vai trò của người Hồi giáo Sunni.

Iraq đã từng là một đất nước có người Hồi giáo Shiite chiếm đa số, nằm dưới sự lãnh đạo của cộng đồng người Sunni thiểu số.

Nhiều người đã xem đó là một trật tự mang tính tự nhiên. Nhưng khi Al-Maliki lên nắm quyền, điều này đã thay đổi. IS đã lợi dụng cảm giác tức giận của người Sunni ở miền Bắc đất nước để trỗi dậy.

Từ cách nay 10 năm, phương Tây đã biết rằng các cựu quan chức dưới thời Saddam đang gia nhập và hỗ trợ các tổ chức khủng bố như Al Qaeda. Tuy nhiên phương Tây đã không thể đảo ngược cuộc khủng hoảng.

Giờ đây, nhiều cựu quan chức đó dường như đã hoàn tất cuộc chuyển đổi để trở thành các lãnh đạo IS.

Theo tờ Telegraph, các hành động của Saddam về cuối thời kỳ cầm quyền đã tạo tiền đề cho IS về sau này. Ví dụ hơn 200 người đã bị chặt đầu trong 2 năm cuối ông cầm quyền, vì bị nghi ngờ tham gia bán dâm.

Bất chấp việc có cái gốc vô thần, Saddam dần dần chuyển sang hướng sùng bái tôn giáo. Ông ta thêm dòng chữ “Thượng đế vĩ đại” vào quốc kỳ Iraq và còn tiến hành nhiều biện pháp cực đoan như chặt tay những kẻ ăn trộm.

Nhiều người ủng hộ Saddam đã ngừng uống rượu, bắt đầu cầu nguyện và đón nhận tư tưởng Hồi giáo Salafi rất bảo thủ. Vì thế, họ cũng dễ dàng đến với thức hệ cực đoan.

Tuần trước, chính quyền Iraq đã thắng trong cuộc chiến giành lại thành phố Tikrit, quê hương Saddam, từ tay IS. Tuy nhiên chiến thắng của họ đã bị phủ bóng bởi nhiều hoạt động bạo lực do các tay súng người Shiite thực hiện.

Sự hỗn loạn có nghĩa còn lâu chính quyền mới giành được chiến thắng về ý thức hệ, trong đó tình trạng người Sunni mất niềm tin vào chính quyền đã giúp IS nắm giữ được quyền lực./.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại