Nếu áp dụng đề án này, người về hưu Trung Quốc sẽ chỉ được nhận lương hưu khi họ đủ 65 tuổi.
Dân số già nhanh, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ lương hưu
Theo luật lao động Trung Quốc, thông thường người lao động sẽ về hưu ở tuổi 55 (nữ) và 60 (nam). Riêng những trường hợp lao động nặng sẽ về hưu ở tuổi 50. Rất nhiều câu hỏi đặt ra về việc trong từ 5 - 15 năm đó, người về hưu sẽ sống bằng gì?
Vương Mẫn, một nhân viên nhà xuất bản ở Bắc Kinh tiết lộ, nếu không hoãn ngần đấy năm, thì quỹ tiền lương hưu thời gian tới sẽ không đủ để phát bởi gánh nặng dân số già. Dân số đông cùng các chính sách thắt chặt của Trung Quốc đang gây nên tình trạng 1 người trẻ phải “gánh” 6 người già, gồm 4 ông bà và cha mẹ.
Người phụ trách bản báo cáo của ĐH Thanh Hoa, giáo sư ngành quản lý công cộng Dương Yến Thỏa giải thích rằng không phải bắt người dân làm tới 65 tuổi, mà là tới 65 tuổi mới được nhận lương hưu. Nhưng khi bị đặt câu hỏi rằng người dân sẽ làm gì trong thời gian chờ lương hưu, ông Dương lại “khuyên” đi nấu cơm, giặt giũ, làm vườn hoặc làm công thuê ở các nhà dưỡng lão.
Chính vì bản đề án kỳ quái này mà dân mạng Trung Quốc đã gọi ông Dương là “thằng lưu manh”. Họ cho rằng, nếu đề án được áp dụng thì về hưu còn phải làm cực khổ hơn. Nhiều ý kiến còn cho rằng “chậm” phát lương hưu tới chục năm là có lỗi và bất công với cả một thế hệ người Trung Quốc.
Chưa biết liệu đề án của giáo sư họ Dương có được chính quyền chấp nhận, nhưng sự xuất hiện của nó thể hiện rõ ràng rằng Trung Quốc đang đứng trước áp lực dân số già rất rõ rệt. Liên tục những thay đổi chính sách thời gian gần đây như tăng cường xây nhà dưỡng lão, nới lỏng quy định về dân số và thảo luận các phương án điều chỉnh lương hưu là minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng này.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Trân trọng!