Bà Akie Abe, 51 tuổi, vợ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong nước, bà được xem là vị đệ nhất phu nhân của niềm tin và hành động. Bà thường hài hước tự mô tả mình như là “một lực lượng đối lập ở nhà” của ông Abe và thường không né tránh những quan điểm chống lại chính sách do chồng ban hành.
Lập trường chính trị mạnh mẽ
Trong tháng 12/2013, bà từng là người phụ nữ đầu tiên tham dự và phát biểu tại Ủy ban Nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do, với hy vọng thuyết phục các nhà lập pháp hủy bỏ kế hoạch xây dựng đê biển khổng lồ dài 370km dọc theo bờ biển khu vực Tohoku, Nhật Bản. Bà đã nghiên cứu về dự án trị giá 800 tỷ yên này và được biết nó bị trì hoãn bởi sự phản đối của người dân địa phương do lo lắng sẽ làm hỏng ngành đánh bắt cá và cảnh quan thiên nhiên. Nhưng chồng bà cho biết dự án đã được thỏa thuận sẽ phải tiến hành.
“Chúng ta đang sử dụng khoảng 800 tỷ yên trong dự án này và chúng ta cần đảm bảo rằng chỉ xây dựng đê biển mà thôi”, bà nói với đồng nghiệp của chồng, “Chúng ta cần phải tạo ra sự đồng thuận với cư dân ở đây. Nếu không, chúng ta sẽ mất lòng tin của dân chúng trong chính trị”.
Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ không phải đối mặt với bất kỳ sự phản đối mạnh mẽ trong chính trường bởi hiện đảng cầm quyền đang kiểm soát cả lưỡng viện. Vì thế, có lẽ “kẻ thù ghê gớm nhất” của ông có thể chính là vợ mình, bởi bà Akie có thể là vị dân biểu tỏ ra phản đối ông nhiều nhất về các vấn đề quan trọng như tăng thuế bán hàng, hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay điện hạt nhân.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai vợ chồng thủ tướng chính là quan điểm về năng lượng hạt nhân. Bà Akie công khai tỏ ra nghi ngờ khả năng tồn tại, trong khi ông Abe đang bận rộn bán các nhà máy điện hạt nhân ra nước ngoài và mong muốn kích hoạt lại các lò phản ứng trong nước sau hơn 3 năm xảy ra thảm họa Fukushima.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Japan Times (Thời báo Nhật Bản), bà Akie cho biết phạm vi của thảm họa Fukushima đã vượt quá sức tưởng tượng của người dân. “Tôi nghĩ tốt hơn là không có nhà máy điện hạt nhân, vì đó sẽ là thảm họa nếu chúng ta có tai nạn tương tự một lần nữa. Tôi muốn các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, thậm chí cả khi chúng được xác nhận an toàn”.
Người phụ nữ cá tính
Akie Abe không phải là đệ nhất phu nhân có cá tính mạnh duy nhất. Tuy nhiên, bà được xem là quý phu nhân có tính cách thẳng thắn và khảng khái nhất. Những ý kiến chính trị đối lập của bà không nhằm tạo bế tắc cho chồng mình. Bà tận dụng vị thế của mình với mục đích đưa ra các ý kiến khác nhau mà thường không được các chính trị gia và các phương tiện truyền thông lớn đề cập đến.
Đó cũng là cách mà bà muốn nhằm thiết lập một tiêu chuẩn mới về người phụ nữ Nhật Bản, những người thường bị buộc phải phục tùng chồng và không có nhiều quyền lợi thể hiện ý kiến của mình cũng như hành động quyết đoán. “Đất nước này đóng khuôn phụ nữ rồi”, bà nói, “Tôi muốn thoát khỏi khuôn mẫu vợ của một chính trị gia phải cư xử theo lối mòn. Và tôi hy vọng những gì tôi làm sẽ khuyến khích mọi người”.
Bà Akie Abe sinh ra trong một gia đình giàu có sở hữu công ty bánh kẹo Morinaga nổi tiếng ở Nhật Bản. Hôn nhân của bà với Thủ tướng Shinzo Abe chính là sản phẩm sắp đặt của tầng lớp quý tộc chính trị lúc bấy giờ.
Bà đã tỏ ra khá giỏi chèo chống khi chồng bà đột ngột từ chức Thủ tướng vào năm 2007. Với kinh nghiệm 1 năm đệ nhất phu nhân ít ỏi, bà bắt đầu con đường sự nghiệp kinh doanh pha chút chính trị của mình bằng việc nghiên cứu sản xuất nông sản hữu cơ ở Yamaguchi và hệ thống giáo dục tại Myanmar.
Trong khi Nhật Bản xảy ra những cuộc tranh luận dữ dội về liệu nước này có nên tham gia các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, vào tháng 3/2011, bà bắt đầu thu hoạch các sản phẩm lúa gạo mang thương hiệu của riêng mình là gạo Akie. Bà đã giúp những người trẻ tuổi ở Yamaguchi xây dựng các trang trại nông nghiệp lớn, khuyến khích họ kinh doanh các sản phẩm hữu cơ.
Trong năm 2013, bà xây dựng hệ thống các quán rượu kiểu Nhật Bản chỉ chuyên phục vụ khách hàng bằng các sản phẩm hữu cơ từ quê hương chồng bà, cũng là nơi theo bà cung cấp một nơi cho mọi người tụ tập và nói chuyện.
Để xây dựng chuỗi quán rượu Uzu này, bà đã bí mật giấu kín chồng cho đến khi bà bắt đầu mua lại các cửa hàng và trang thiết bị. Ông Shinzo Abe đã chấp nhận, với điều kiện bà không được uống rượu trong khi phục vụ khách hàng.
Bà cũng là người nổi tiếng vì uống rượu rất giỏi.
Việc mở cửa hàng kinh doanh cũng khiến bà thể hiện quan điểm không đồng tình với chính sách tăng thu thuế tiêu thụ của chồng. Theo bà, “là một chủ doanh nghiệp, tôi phản đối điều đó”.
Đời sống Facebook
Không giống những chính trị gia nổi tiếng thường giấu cuộc sống riêng của mình, bà Akie Abe tỏ ra khá thoải mái chia sẻ nó trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Bà tự do đăng tải hầu hết các hoạt động của mình mỗi ngày, kể cả hình ảnh người chồng thủ tướng ngủ gật trên máy bay hay đang thưởng thức một chiếc kem.
“Mọi người hiểu tốt hơn về những gì tôi làm thông qua Facebook so với trước đây không có nó”, bà nói, “Nhưng tôi cũng đang bị chỉ trích vì đã đăng tải mọi thứ. Thực ra, một đệ nhất phu nhân thì cũng không khác gì với một công dân bình thường cả”.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về các vấn đề lịch sử, bà Akie thường đưa ra những phản ứng dữ dội khi bà đăng tải hình ảnh mình tham gia vào các hoạt động liên quan đến Hàn Quốc. Thái độ “bênh vực” nước bạn như vậy một phần vì bà được biết đến như là người hâm mộ cuồng nhiệt những bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Bà cũng thường trả lời các bình luận trên trang facebook của mình một cách chân thành, nói rằng bà hy vọng sẽ mở rộng tình bạn của mình tới nhiều quốc gia. "Những lời chỉ trích nhằm vào tôi không làm cho tôi buồn, nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta không thể làm bạn với nước láng giềng và tại sao mọi người chỉ trích bất cứ điều gì chỉ vì việc đó có liên quan tới Hàn Quốc", bà nói.
Miyake, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao hiện đang là Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu toàn cầu Canon, nhận xét rằng bản chất thẳng thắn của bà Akie có thể làm mềm nhận thức của chồng bà, một người có tư tưởng cứng rắn bảo thủ đối với các vấn đề liên quan đến Hàn Quốc và Trung Quốc do quan điểm xét lại lịch sử của ông.
"(Shinzo) Abe là một nhà lãnh đạo bảo thủ và vây xung quanh ông cũng là những người bảo thủ. Bà Akie đóng vai trò đối trọng, cho dù bà có ý định như thế hay không", ông Miyake nói.
Khi Shinzo Abe bước vào năm thứ hai cầm quyền của mình và tiếp tục ổn định cơ sở quyền lực, vợ ông cũng muốn đóng vai trò chủ động hơn trong việc giúp đỡ và trao quyền lực cho những người ít có tiếng nói ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, bà tránh né khi được hỏi liệu bà có muốn trở thành một Hillary Clinton của Nhật Bản hay không. "Nhiều người hỏi liệu tôi có theo đuổi một sự nghiệp chính trị hay không", bà nói, "Câu trả lời của tôi là hoàn toàn không".