Dấu hiệu chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình sẽ trở thành "thảm họa"

Hải Võ |

Hậu Đối thoại Kinh tế & Chiến lược Mỹ-Trung, báo chí Trung Quốc tung hô "bội thu thành quả", trong khi phía Mỹ "ngập tràn" những tín hiệu tiêu cực.

Trang Đa Chiều cho hay, kết thúc Đối thoại Kinh tế & Chiến lược Mỹ-Trung (S&ED) lần thứ 7 ngày 23-24/6 vừa qua, truyền thông chính thống 2 nước đã có những báo cáo hết sức khác nhau về kết quả Đối thoại này.

Trong khi báo chí Trung Quốc tán dương S&ED "bội thu thành quả", thì chính phủ cũng như truyền thông Mỹ đều tập trung khai thác cục diện đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh-Washington.

Viện Brookings của Mỹ cho rằng, "sự không đồng điệu" trong các tuyên bố về Đối thoại đã tạo thành những rủi ro nhất định đối với kế hoạch thăm Mỹ vào tháng 9 tới của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo đó, việc truyền thông Trung Quốc chỉ nhấn mạnh "thành quả" đã khiến những vấn đề đang làm nguội lạnh quan hệ song phương như Biển Đông, an ninh mạng "trở nên mơ hồ".

Dư luận sau khi xem các báo cáo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh đều hoài nghi rằng Mỹ và Trung Quốc "có phải đang chuyển tải thông tin từ cùng 1 sự kiện?"

Đối thoại Mỹ-Trung: "Ông nói gà, bà nói vịt"?

Ngày 25/6, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng tải bài viết ở vị trí nổi bật trên trang nhất với tiêu đề "Đối thoại kinh tế & chiến lược Mỹ-Trung đạt được nhiều thành quả quan trọng".

Trong đó, Tân Hoa Xã viết: "Song phương tiến hành đối thoại về các vấn đề toàn diện liên quan đến kinh tế song phương và quốc tế mang tính dài hạn cũng như chiến lược.

Song phương đạt được hơn 120 thành quả về thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, làm sâu sắc quan hệ hợp tác, đẩy mạnh hợp tác ở châu Á, đối phó với thách thức ở các 'điểm nóng' trong khu vực và toàn cầu, thảo luận sâu về kiểm soát mâu thuẫn..."

Tương tự, báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo cũng dùng những lời "có cánh" để mô tả cuộc Đối thoại "thành công tốt đẹp với hàng loạt thỏa thuận và nhận thức chung".

Trong khi đó, Đa Chiều đánh giá phản ứng của truyền thông Mỹ "lạnh nhạt" hơn rất nhiều.

Thứ nhất, mức độ quan tâm của báo chí Mỹ đối với S&ED khác hơn so với Trung Quốc. Các tờ báo lớn của nước này không hề đặt thông tin về Đối thoại Mỹ-Trung ở các vị trí nổi bật, mà độc giả nếu muốn theo dõi phải bỏ công tìm kiếm.

Ví dụ, bài báo của New York Times về S&ED được đặt khá "kín" trong mục kinh tế.

Với tình trạng báo chí song phương đấu nhau chan chát, ông Tập Cận Bình (phải) khó có chuyến thăm Mỹ thành công? (Ảnh: AFP)

Với tình trạng báo chí song phương "đấu nhau chan chát", ông Tập Cận Bình khó có chuyến thăm Mỹ thành công? (Ảnh: AFP)

Thứ hai, Đa Chiều nhận xét xu hướng chung mà truyền thông Mỹ nói về Đối thoại lần này mang nhiều màu sắc bi quan.

Wall Street Journal, Bloomberg hay CNN đều sử dụng từ "căng thẳng" (tension) trong tiêu đề các bài viết của mình. Điều này trái ngược hoàn toàn với "không khí phấn khởi" trên các mặt báo Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thông Mỹ cũng chỉ ra rất cụ thể vấn đề tồn tại giữa Mỹ-Trung, đó là việc Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông và Washington cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công các công ty Mỹ.

Còn về thành quả của Đối thoại, Đa Chiều đánh giá đại bộ phận truyền thông Mỹ đồng tình với quan điểm của WSJ: Mỹ-Trung đã tỏ ra thẳng thắn, nhưng không đạt được bất kỳ tiến triển nào trong các vấn đề nhạy cảm.

Trong đối thoại kinh tế - lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đều kỳ vọng, báo chí Mỹ cũng duy trì thái độ phủ định.

Báo cáo của Bloomberg cho hay, song phương chỉ đạt được "thành quả nhỏ nhoi" trong các nghị trình về tài chính, đó là Trung Quốc hứa hẹn không can thiệp vào thị trường giao dịch ngoại hối, trừ khi thị trường bất ổn.

Phó Tổng thống Mỹ
Joe Biden
Chúng tôi là một quốc gia Thái Bình Dương và bất kỳ điều gì xảy ra ở Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng đến Mỹ tương đương hoặc nhiều hơn bất kỳ phần nào khác của thế giới. Chúng tôi hiện là cường quốc ở Thái Bình Dương, và sẽ tiếp tục duy trì vị thế đó.

Chuyến sang Mỹ của ông Tập sẽ là "nỗi thất vọng"?

Giải thích sự khác biệt "đáng kinh ngạc" giữa truyền thông 2 nước, Đa Chiều nhận định nguyên nhân chủ yếu là nhà chức trách Trung Quốc đã cảm thấy thỏa mãn với tình hình hiện tại, trong khi chính phủ Mỹ thì ngược lại.

Washington không hài lòng bởi các vấn đề được họ quan tâm nhất là Biển Đông, an ninh mạng và tiêu chuẩn gia nhập thị trường Trung Quốc... đều không có tiến triển khả quan.

Trở lại kế hoạch thăm Mỹ của ông Tập, Trung Quốc nhận định Đối thoại Mỹ-Trung vừa qua là bước "dọn đường" cho chủ tịch nước này.

Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng song phương buộc phải đạt được đột phá trong các vấn đề nêu trên, thì chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình "mới tích cực theo đúng nghĩa đen".

Không may là, sự đối lập 180 độ về quan điểm của đôi bên sau S&ED rất có thể sẽ biến chuyến công du Mỹ của ông Tập thành "thảm họa", Đa Chiều kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại