Có nhà quan sát chính trị Trung Quốc ở Hong Kong cho rằng việc chọn Thiên Tân làm nơi xét xử Chu Vĩnh Khang đã cho thấy khả năng nhân vật này phải đối mặt với cục diện "hung nhiều hơn cát".
Đồng thời, người ta có thể thấy được khả năng Chu Vĩnh Khang "đoái công chuộc tội", tung ra thông tin cáo giác có sức công phá mạnh hay không từ mức án mà tòa tuyên phạt.
Trong một bài viết đăng trên tờ "Minh báo" của Hong Kong ngày 14/4, nhà quan sát chính trị Trung Quốc Lương Quốc Lương cho biết trong ba tội danh mà Chu Vĩnh Khang bị khởi tố, chỉ có tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất là tử hình, còn tội lạm dụng quyền lực và cố ý tiết lộ bí mật quốc gia cao nhất cũng chỉ bị phạt tù từ 7-10 năm.
Luật Hình sự của Trung Quốc quy định tham ô hoặc nhận hối lộ từ 100.000 nhân dân tệ trở lên có thể bị tuyên án tử hình.
Tuy nhiên, xem xét tình hình hiện nay, phần lớn quan chức tham ô trên 100.000 nhân dân tệ không bị xử tử hình. Vậy Chu Vĩnh Khang sẽ phải chịu khung hình phạt như thế nào?
Nếu lấy vụ án Bạc Hi Lai (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh) làm tham chiếu, trong số ba tội danh, gồm nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực mà Bạc Hi Lai bị cáo buộc, hai tội đầu là đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Tuy nhiên, cuối cùng, Bạc Hi Lai chỉ chịu án chung thân vì nhận hối lộ hơn 20 triệu nhân dân tệ và tham ô hơn 5 triệu nhân dân tệ.
Dư luận ban đầu dự đoán Bạc Hi Lai chỉ bị tuyên án 15 năm tù giam và việc này đã dẫn đến hệ quả bất ngờ là Bạc Hi Lai đã phản cung trong quá trình xét xử, từ chối nhận tội, cho nên mới bị xử nặng.
Theo tác giả, Chu Vĩnh Khang nguyên là Bí thư Chính pháp Trung ương, thuộc thành phần "biết pháp luật mà vẫn phạm tội". Vì thế, dù Chu Vĩnh Khang nhận tội, cùng lắm cũng chỉ làm "nhạt" đi tình tiết tăng nặng này.
Nhưng nếu không chịu khai báo thêm, Chu Vĩnh Khang sẽ bị coi là không có thái độ tích cực nhận tội, nhất là nếu số tiền nhận hối lộ của Chu Vĩnh Khang lớn hơn Bạc Hi Lai, nhân vật này có thể sẽ bị tuyên án nặng hơn Bạc Hi Lai, bao gồm việc bị tuyên án tử hình.
Khả năng nêu trên càng rõ hơn khi Bắc Kinh chọn Thiên Tân làm địa điểm xét xử Chu Vĩnh Khang.
Thiên Tân là thành phố trực thuộc Trung ương và ở đây có tòa án các cấp. Như vậy, việc đưa ra phán quyết tử hình một kẻ tội phạm nào đó hoàn toàn nằm trong phạm vi của Thiên Tân, không phải chuyển tới nơi khác.
Ở điểm này, Thiên Tân khác với Tế Nam, nơi được chọn để xét xử Bạc Hi Lai. Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông và việc ra phán quyết tử hình thuộc thẩm quyền của tòa án cấp cao tỉnh Sơn Đông.
Nói tóm lại, việc giao vụ án Chu Vĩnh Khang cho Thiên Tân xét xử đã ngầm cho thấy Chu Vĩnh Khang sẽ phải đối mặt với cục diện "hung nhiều hơn cát".
Từ đó, tác giả mạnh dạn dự đoán cơ quan kiểm sát Trung Quốc đã áp khung tử hình đối với Chu Vĩnh Khang. Đây chính là một trong những nguyên nhân Thiên Tân được chọn làm nơi xét xử Chu Vĩnh Khang.
Nhưng cuối cùng Chu Vĩnh Khang có bị tuyên án tử hình hay không, then chốt nằm ở thái độ nhận tội của Chu Vĩnh Khang cũng như việc nhân vật này có biểu hiện "đoái công chuộc tội" hay không?
Vì Chu Vĩnh Khang phạm tội cố ý làm lộ bí mật quốc gia, cho nên, tác giả cho rằng vụ án Chu Vĩnh Khang sẽ được xử kín.
Trong quá trình xét xử đó, người ta không biết Chu Vĩnh Khang có tung ra thông tin tố giác có sức công phá mạnh hay không, song từ sự phát triển của vụ án và mức án cuối cùng mà Chu Vĩnh Khang phải nhận, người ta có thể dự đoán được phần nào.