Nhà sư “lướt” iPhone, uống Starbucks
Hồi giữa tháng 6, đoạn video quay cảnh nhà sư Thra Wirapol (hay còn có tên khác là Luang Pu Nenkham Chattigo) đeo kính thời trang, dùng túi hàng hiệu LV và ngồi máy bay riêng với hai nhà tu hành khác được đăng tải trên Youtube đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong phật tử Thái Lan. Nhà sư này sau đó đã bị điều tra vì hàng loạt các cáo buộc như uống rượu, biển thủ vàng công đức, quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên…
Không lâu sau đó, những bức ảnh chụp một nhóm người mặc áo tu hành vừa lướt iPhone vừa cười nói vui vẻ và nhấm nháp café Starburks được một số trang mạng của Thái Lan tung ra lại làm nóng dư luận. Thông tin được đăng tải kèm hình ảnh cho biết chúng được chụp trong chuyến tham quan Mỹ của một nhóm các nhà sư Thái.
Trong khi những bức xúc này còn chưa kịp lắng dịu thì hành vi sử dụng ma túy của một số nhà sư tại nhiều ngôi chùa ở tỉnh Saraburi tiếp tục bị phanh phui. Một quan chức địa phương cho biết: "Người dân thường xuyên phàn nàn về những cuộc tụ tập khả nghi trong các ngôi chùa". 31 nhà sư trong số đó đã bị buộc phải hoàn tục.
Hình ảnh một số người mặc áo tu hành uống cà phê Starbucks và dùng điện thoại iPhone được công bố trên một số trang mạng Thái Lan
Năm 2012, khoảng 300 trong số 61.416 nhà sư và chú tiểu Thái Lan đã bị khiển trách. Trong số này có những người thậm chí bị buộc phải hoàn tục vì vi phạm các giới luật của đạo Phật như phá vỡ lời thề độc thân, uống rượu. Năm 2011, con số bị khiển trách cũng vào khoảng 300 người.
Gọi đồ ăn sẵn thay cho khất thực
Theo tờ New York Times, các nhà sư tại ngôi chùa ở làng Baan Pa Chi, ngoại ô Chiang Mai giờ đã không còn đi khất thực vào buổi sáng, dù cho đó là một trong những phong tục quan trọng của Phật giáo Thái Lan. Thay vào đó, họ được phép gọi đồ ăn sẵn từ một nhà hàng mang tới.
Ông Nopparat Benjawatananun, chủ nhiệm Ủy ban Phật giáo Quốc gia Thái Lan cho hay, một số nhà sư giờ đây cũng được người dân tặng nhiều của cải vật chất: “Vài người mua tặng họ cả ô tô thể thao… Đây là điều không cần thiết”.
Tuy nhiên, sự việc không chỉ dừng lại ở những chiếc xe. “Có một số nhà sư đang cố gắng thương mại hóa các hoạt động tôn giáo”, ông Benjawatananun cho biết.
Một ví dụ khá điển hình là “trào lưu” sở hữu bùa hộ mệnh Jatukham-Rammathep năm 2007. Lá bùa này vốn được phát ra ở Thái Lan từ năm 1987 nhưng với số lượng khá hạn chế. Song trước nhu cầu quá lớn của người dân, chỉ tính riêng ở Nakhon Si Thammarat - một thành phố cổ tại Thái Lan, đã có hơn 200 trong số 560 ngôi chùa đồng loạt bán bùa Jatukam. Với giá hơn 1 triệu baht (tương đương khoảng 30.000 USD/chiếc), năm 2007, số tiền các chùa thu về từ việc bán bùa lên tới 40 tỉ baht - một con số lớn tới mức Cục thuế Quốc gia từng tính tới chuyện đánh thuế những lá bùa này.
Bộ tem về những lá bùa hộ mệnh Jatukham-Rammathep.
Trong một cuộc khảo sát mới đây về “nhà sư và vật chất” của Viện quản lý phát triển Thái Lan, 30% trong số phật tử được hỏi cho rằng các ngôi chùa ở nước này đang bị thương mại hóa quá mức, và có tới 47% người tham gia khảo sát nhận định rằng chính lối sống xa hoa của một số ít nhà sư Thái Lan đã làm cho số người tới chùa giảm đi.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!