Trong tuần này, Ukraine sẽ có bước đầu tiên tiến tới việc lập chính phủ mới, vì phương Tây ép Tổng thống Poroshenko, do các đồng minh phương tây ngại sự trì hoãn này sẽ làm chậm cải tổ và gây khó cho sự hỗ trợ của phương Tây.
Mỹ và các chính phủ đồng minh đang chỉ trích Kiev chậm lập chính phủ sau cuộc bầu cử quốc hội tháng 10.2014, với sự nghi ngờ sự chậm trễ do bất đồng giữa tổng thống Poroshenko với Thủ tướng Yatsenyuk trong việc kiểm soát các bộ chủ chốt.
Trong cuộc họp báo với Tổng thống Litva - Dalia Grybauskaite thăm chính thức Ukraine, ông Poroshenko nói: “Chúng tôi hy vọng tiến trình lập chính phủ sẽ bắt đầu trong tuần này, ám chỉ kỳ họp đầu tiên vào ngày 27.11 của quốc hội mới.
Tuần rồi, phó Tổng thống Mỹ Joe Bieden là chính khách phương tây mới nhất tỏ ý quan ngại về việc Ukraine chậm lập chính phủ mới. Vì nếu không có thì Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) không thể cho Ukraine vay tiền, cũng như phương Tây không thể hỗ trợ.
Trong chuyến thăm Kiev, ông Biden nói như ra lệnh: “Lập một chính phủ mới càng nhanh càng tốt. Việc này nên làm xong trong vài ngày chứ không phải vài tuần”. Ông nói rất cần một chính phủ mới để lập các thể chế dân chủ mạnh hơn, tăng cường hội nhập với châu Âu và “đấu tranh với khối u ung thư tham nhũng”.
Ông Poroshenko không giải thích tại sao chậm lập chính phủ mới. Nhưng các nhà bình luận nói ông muốn người của mình nắm chức Bộ trưởng Nội vụ, dù việc điền tên người giữ chức này thuộc về thủ tướng chứ không phải việc của tổng thống.
Do Ukraine đang có nội chiến, ông Petroshenko có quyền kiểm soát một bộ liên quan trực tiếp việc chỉ huy lực lượng vệ binh quốc gia và quân tình nguyện cùng quân chính phủ đánh quân ly khai.
Nhưng Thủ tướng Yatsenyuk nhấn mạnh, rằng ông có quyền chỉ định ai là Bộ trưởng nội vụ. Ông đã giới thiệu người thân cận Arsen Avakov.
"Đại bàng hiếu chiến Ukraine" Yatsenyuk đã có những lời lẽ chỉ trích kịch liệt hướng về Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông ngược với ông Poroshenko mềm mỏng và thực tế hơn, người đã nói không thể có giải pháp quân sự cho cuộc nội chiến Ukraine, nhấn mạnh tính hiệu lực của thỏa thuận ngưng bắn, dù cả quân chính phủ lẫn phe ly khai đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận này.
Ông Poroshenko là đại gia ngành kẹo mứt, trúng cử tổng thống hồi tháng 5, mới đây bị một đám đông phẫn nộ la ó, chỉ trích khi ông đang tưởng niệm khoảng 100 người chết trong vụ phản đối và lật đổ chính quyền tổng thống Viktor Yanukovych hồi tháng 2.
Người phản đối ông là thân nhân của người chết, phàn nàn tổng thống Poroshenko chưa giữ lời hứa phong anh hùng dân tộc cho người chết. Nếu ông giữ lời hừa, số người thân này có thể hưởng chút lộc tài chính.
Nhưng ông Poroshenko giả bộ không nghe thấy tiếng phàn nàn, sau đó quay lại nói ông sẽ thực hiện lời hứa của ông.
Ngoài ra, ông Poroshenko cũng nói Litva sẽ hỗ trợ quân sự để giúp Kiev đánh quân ly khai ở miền đông Ukraine.
Nhưng không rõ Litva có theo gương Mỹ vốn chỉ cung cấp khí tài quân sự không sát thương, hay Litva sẽ cung cấp vũ khí, điều mà các nước NATO miễn cưỡng làm vì ngại cung cấp vũ khí cho Ukraine không phải thành kiến sẽ gây ra xung đột với Nga.
Tổng thống Litva chỉ nói: “Ukraine sẽ nhận tất cả những gì Litva có được”.
Ukraine kêu gọi NATO cung cấp vũ khí để tự vệ trước sức tấn công của phe ly khai. Họ từng thua nặng phe ly khai trước khi Ukraine và phe ly khai đạt được thỏa thuận ngưng bắn ngày 5.9.
Dù có thỏa thuận này, thêm 3 lính Ukraine bị giết rạng sáng 24.11. Kiev nói đã có hơn 150 lính tử trận từ khi thỏa thuận ngưng bắn có hiệu lực.
Khi được hỏi Ukraine có gia nhập NATO hay không, ông Poroshenko nói việc đó có thể xảy ra trong vài năm nữa, còn bây giờ gia nhập thì “chỉ có hại chứ không có lợi”.
Trước khi có căng thẳng với Nga, Ukraine không quan tâm việc gia nhập NATO và hiến pháp Ukraine đã xác lập nước này sẽ không liên kết với một tổ chức nào. Nhưng sau khi Nga sáp nhập Crimea và công khai ủng hộ phe ly khai, đa số dân Ukraine ủng hộ việc gia nhập NATO.