"Đã rơi vào tay cảnh sát, làm sao thoát được tra tấn!"

Trung Phạm |

(Soha.vn) - Viên cảnh sát còn tuyên bố đầy thách thức: “Tao sẽ chẳng mất sợi lông nào đâu. Cấp trên có hỏi thì tao bảo mày cố tình chạy nên tao phải bắn..."

  Loạt bài BỨC CUNG, NHỤC HÌNH VÀ CÁC VỤ ÁN OAN CHẤN ĐỘNG

Những năm gần đây, việc Trung Quốc liên phải tục cải chính những vụ án oan sai đã làm dấy lên một làn sóng tranh luận nóng bỏng bất thường trong công chúng nước này.

Trong một công trình nghiên cứu với tựa đề: “Các vụ án oan ở Trung Quốc: Nguyên nhân và giải pháp”, Huang Shiyuan, Phó giáo sư luật trường Đại học Sơn Đông đã thống kê, trong số 26 vụ án oan nổi bật thì có tới 22 vụ có kết quả hỏi cung sai do nghi phạm buộc phải khai nhận vì không thể chịu đựng được những trận đòn tra tấn dã man của công an Trung Quốc.

Theo Phó giáo sư Huang Shiyuan, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ án oan.

Tại Trung Quốc, cảnh sát điều tra thường áp dụng nhiều dạng thức tra tấn khác nhau như trực tiếp đánh đấm, gí thuốc lá đang cháy vào người, cho điện giật, lấy dây xích cùm chân tay… Nếu vẫn không khai, nghi phạm sẽ phải trải qua những điều kiện ăn ở khắc nghiệt đến mức hầu như không người bình thường nào chịu được quá vài ngày.

“Không nhận tội mà được à”?

Năm 1994, She Xianglin bị bắt với tội danh giết hại chính vợ mình. Anh bị kết án tử hình, sau giảm xuống còn 15 năm. Thế nhưng, năm 2005, Tòa án tỉnh Hồ Bắc buộc phải trả tự do cho She khi nạn nhân mà anh bị cáo buộc sát hại trước đó bỗng nhiên trở về nhà.

Lúc mới bị bắt, trong quá trình hỏi cung, cảnh sát đã chia thành hai nhóm liên tục thẩm vấn She. Suốt 11 ngày đêm anh không hề được chợp mắt. She bị tra tấn tàn bạo tới mức mắt anh bị mắc chứng song thị, bắp chân teo tóp gần như không thể đứng vững hoặc đi được.


	She Xianglin mất một đốt ngón tay vì nhục hình của cảnh sát

She Xianglin mất một đốt ngón tay vì nhục hình của cảnh sát

Sau này khi được tự do, She Xianglin kể lại: “Tôi đã mất một đốt ngón tay vì nhục hình của cảnh sát. Những ngón chân của tôi, thậm chí đến bây giờ vẫn chưa duỗi thẳng ra được. Chỗ nào cũng chi chít sẹo. Có cách nào thoát được tra tấn ư? Không. Chẳng có cách nào. Một khi đã rơi vào tay cảnh sát, làm sao mà thoát được. Hãy nghĩ xem, họ giam tôi suốt 11 ngày đêm, thẩm vấn 24/24 giờ. Cùng với đó là những trận đòn và dọa nạt. Tôi không được ngủ. Ai có thể chịu được cảnh đó? Cuối cùng, khi tôi đã nửa tỉnh nửa mê, không còn nhận thức được, họ đưa ra một đống giấy trước mặt bắt tôi ký và điểm chỉ. Không nhận tội mà được à?”.

“Tao sẽ bắn chết nếu mày không khai!”

Vụ án của người nông dân nghèo Triệu Tác Hải ở tỉnh Hà Nam lại là một câu chuyện khác. Ông Triệu phải ngồi tù oan gần 10 năm với cáo buộc giết hại người hàng xóm Triệu Chấn Thường.

Suốt 33 ngày đêm hỏi cung, Triệu Tác Hải không được ngủ. Ông không thể đứng dậy sau khi bị đấm, đá dã man. Các cảnh sát điều tra đã đánh vào đầu ông bằng súng lục và gậy, đến nỗi đầu Triệu Tác Hải bây giờ vẫn đầy sẹo.

Một sĩ quan cảnh sát còn dọa ông Triệu rằng, nếu không chịu khai, anh ta sẽ đá ông văng vào một chiếc xe hơi đang chạy rồi bắn chết ông. Viên cảnh sát này còn tuyên bố đầy thách thức: “Tao sẽ chẳng mất sợi lông nào đâu. Cấp trên có hỏi thì tao bảo mày cố tình chạy nên tao phải bắn. Thế là xong.”


	Triệu Tác Hải cũng đã từng bị những trận tra tấn thừa sống thiếu chết của cảnh sát nên phải nhận tội bừa

Triệu Tác Hải cũng đã từng bị những trận tra tấn thừa sống thiếu chết của cảnh sát nên phải nhận tội bừa

Yang Mingyin bị bắt ngày 6/11/1996 vì tội cướp của, giết người. Sau 16 năm ngồi tù, tháng 9/2006, anh được trả tự do khi hung thủ thực sự của vụ án bị bắt giữ. Nhưng Yang không bao giờ quên được những ngày tháng ròng rã bị cảnh sát điều tra thẩm vấn.

Anh không được ăn, không được ngủ và phải chịu cảnh rét mướt cực độ suốt quá trình lấy cung. Khi Yang bị đánh tới bất tỉnh, một cảnh sát sử dụng chiếc kìm nung đỏ gí vào người bắt anh phải tỉnh. Yang kêu mình vô tội, viên cảnh sát tát tới tấp vào mặt anh.

Một ngày khác, một cảnh sát chĩa khẩu súng lục đã nạp đạn vào mặt Yang và quát: “Mày mà không khai, tao bắn chết”. Sau đó, viên cảnh sát dùng súng đập vào đầu anh. Vết sẹo hiện vẫn còn trên đầu Yang.

Muốn không bị đánh, phải “biết điều”

Có rất nhiều trường hợp trong các vụ án oan sai ở Trung Quốc, vì không muốn tiếp tục bị đánh, nghi phạm chỉ còn cách phải nhận tội.

Tháng 9/1995, Li Jie quê ở tỉnh Tứ Xuyên bị bắt và bị kết án chung thân vì tội giết người. Nhưng tháng 6/2003 anh được giải oan cũng do một thủ phạm gây án khác bị bắt giữ đã khai ra hành vi tội ác của mình.

Trong quá trình lấy cung, cảnh sát điều tra hỏi anh rằng viên đá mà Li dùng để giết nạn nhân có hình gì. Li không hề giết người nhưng để tránh cảnh bị tra tấn, anh đoán bừa “Nó hình tròn”. Lập tức anh bị cảnh sát đánh tới tấp. Sau đó, khi trả lời “Nó nhọn”, anh tiếp tục bị đánh. Cuối cùng, viên cảnh sát hỏi anh: “Có phải hòn đá đó nửa tròn, nửa nhọn không?”. Hiểu ý nhân viên điều tra này muốn gì, Li đáp “Vâng”. Lần này thì anh không bị đánh.

Một báo cáo của Bộ công an Trung Quốc cho biết, năm 2009, 1.800 cảnh sát nước này bị đình chỉ công tác vì có hành vi tra tấn nghi phạm. Một cuộc khảo sát năm 2006 cũng cho thấy, 70% những tù nhân được hỏi nói rằng họ đã chứng kiến bạn tù phải nhận tội vì bị tra tấn dã man.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại