Sau cách mạng Cam năm 2004 của Kiev, Nga luôn chắc chắn rằng mục tiêu của Mỹ chính là tận dụng cảnh chia rẽ của Ukraine để phục vụ những mục đích địa chính trị nhằm đưa quân đội Mỹ tới gần biên giới Nga trên danh nghĩa "chính sách ngăn chặn".
Tuy nhiên, theo nhà báo Bryan MacDonald của RT, có hai điều đã cản trở kế hoạch trên.
Đầu tiên là xung đột nội bộ của Ukraine. Người biểu tình tại thủ đô, với sự giúp đỡ của Galicia, tới giờ đã lật đổ thành công hai chính phủ, dù một trong số đó lên nắm quyền sau một cuộc bầu cử công bằng.
Do ý kiến của người dân Kiev và Lviv không phản ánh thái độ của toàn bộ người dân, chính phủ được thành lập sau đợt biểu tình đã không thể hợp nhất sự ủng hộ cũng như chấp thuận trên toàn quốc.
Điển hình là chỉ số tán thành của Tổng thống hiện tại, Petro Poroshenko, thấp hơn hẳn so với người tiền nhiệm Viktor Yanukovich.
Rào cản còn lại chính là thái độ lưỡng lự của các thành viên NATO và EU trong việc chấp thuận Ukraine tham gia vào tổ chức.
Vì lí do đó, Ukraine vẫn tiếp tục nhận được viện trợ và không ít lời khen có cánh, trong khi không tiến thêm được bước nào tới gần cánh cổng của hai tổ chức trên.
Chi phí cơ hội và những đánh đổi của Ukraine
Ông MacDonald nhận định, Yanukovich có thể là một Tổng thống yếu kém, nhưng từ năm 2013, ông đã nhận ra sự thật rằng thỏa thuận liên kết với EU, mà ông từ chối ký kết, chắc chắn đem tới bất lợi cho Ukraine.
Thỏa thuận này sẽ phá vỡ quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của đất nước là Nga, và thay thế bằng một lựa chọn khác kém chắc chắn hơn rất nhiều.
Thương mại tự do với EU, theo nhà báo MacDonald, gần như vô nghĩa đối với Ukraine, nơi tầng lớp thống trị đã vơ vét mọi thứ và chuyển toàn bộ tiền ra nước ngoài.
Người biểu tình thuộc phe thân EU tại quảng trường Độc lập tại Kiev. Ảnh: Reuters.
Hậu quả là đất nước nhận được rất ít, hoặc hầu như không có khoản đầu tư nào để hiện đại hóa công nghiệp, khiến sản phẩm của Ukraine không có khả năng cạnh tranh trong thị trường châu Âu khắc nghiệt.
Nhiều nhà hoạt động ở Maidan có vẻ tin rằng việc gia nhập EU đã hoàn toàn trong tầm tay của Ukraine.
Tuy nhiên sự thật không phải vậy. Tất cả những gì Ukraine có chỉ là một hiệp định thương mại tự do hoàn toàn phục vụ lợi ích của EU.
Trong khi đó, Moscow từng đề nghị cung cấp cho Kiev 15 tỉ USD và giảm giá dầu tới 30% sau khi IMF đề nghị Ukraine tăng giá dịch vụ công cộng và giảm chi tiêu công để đổi lấy việc được giải cứu.
Sau đảo chính, GDP danh nghĩa của nước này giảm từ 183 tỉ USD xuống còn 90 tỉ. Trong khi đó, nợ công lên tới 94% GDP 2015 và tiền lương hàng năm giảm xuống mức thấp nhất châu Âu.
Khi lãnh đạo lên tiếng
"Ukraine chắc chắn không có thể trở thành thành viên của EU và cả NATO trong vòng 20 đến 25 năm tới" - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu tại Hà Lan, nơi sẽ sớm tổ chức trưng cầu dân ý về hiệp định thương mại tự do EU-Ukraine vào tháng 4.
Trong khi cố gắng làm dịu bớt nỗi lo của cử tri Hà Lan về vấn đề mở rộng EU, ông Juncker vô tình đã để lộ vị thế thực sự của Ukraine trong lòng giới lãnh đạo EU.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters
Câu nói này là đòn đả kích nặng nề đối với bộ phận tán thành hợp nhất với EU tại Kiev.
Dù chỉ đơn giản chứng thực những điều các nhà phân tích vốn đã biết từ lâu, việc một người ở địa vị của ông công khai dập tắt tham vọng của Ukraine, theo nhà báo Bryan MacDonald, quả là đáng chú ý.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu thừa nhận rằng EU đã mở rộng quá nhanh trong quá khứ, đồng thời khẳng định Brussels "sẽ không mắc sai lầm đó một lần nữa".
Có thể nói, chính việc hấp tấp tiếp nhận Romania và Bulgaria vào năm 2007 đã dẫn tới tình cảnh nước Anh phải tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra khỏi EU.
Động thái của lãnh đạo Anh, vì thế, cũng tương đối khó hiểu. Bộ trưởng Ngoại giao Phillip Hammond đã đứng ra thúc đẩy Ukraine tham gia EU, trong khi lại thừa nhận đã bỏ phiếu ủng hộ nước mình rời khỏi quỹ đạo của Brussels.
Người dân Ukraine đang sống với ảo vọng đất nước trở thành thành viên của EU, cũng như được chấp nhận tham gia hệ thống chính trị và kinh tế phương Tây. Để đạt được khát khao này, họ phải chịu đựng và hi sinh rất nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc giới chức EU không hề muốn chứa chấp Ukraine. Đất nước này quá lớn, quá mục nát, quá nghèo và cũng quá gần với Nga.
Có lẽ đã đến lúc các nhà lập pháp và các chính trị gia nói cho người dân biết sự thật, rằng tất cả đều chỉ là một trò lừa gạt được xây dựng trên những lời hứa giả dối, tay bút MacDonald viết.