“Ông K.” tự nhận biết rõ hai vụ ám sát hụt Chủ tịch Kim Jong Il, vị lãnh đạo Triều Tiên từ năm 1994 cho đến khi ông qua đời vì bệnh tim hồi tháng 11.2011.
Ở vụ ám sát thứ nhất, một tay súng cô độc dùng súng tự động toan bắn Chủ tịch Kim, nhưng hắn bị bắt trước khi có thể bóp cò.
Ở vụ thứ hai, tên ám sát lái chiếc xe tải 20 tấn lao vào đoàn xe của Chủ tịch Kim nhưng không giết được ông, do hắn húc không đúng xe của vị lãnh tụ trong đoàn xe rất giống nhau.
Hai vụ ám sát hụt - trước khi Chủ tịch Kim lên làm lãnh đạo thay cha là nhà lập quốc Kim Nhật Thành - giúp giải thích vì sao ông thường di chuyển bằng đoàn xe lửa bọc thép, không bao giờ đi máy bay. Lần nọ, khi ông đang nói chuyện với các cán bộ cấp cao ở trụ sở đảng Công nhân, đột ngột điện bị cúp, lập tức vệ sĩ bao quanh ông và buộc mọi cán bộ phải nằm úp mặt xuống đất.
“Ông K.” còn kể chi tiết hai vụ đảo chính, tiếp sau cuộc nổi dậy của một nhóm sĩ quan Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) từng được đào tạo tại Liên Xô. Nhóm sĩ quan này học tại Học viện quân sự Frunze ở Moscow, được các sĩ quan Nga thuyết phục cung cấp tin tình báo cho Điện Kremlin.
Ở vụ lật đổ thứ nhất, nhóm sĩ quan này kích động một cuộc can thiệp của Nga chống chế độ Chủ tịch Kim, bằng cách tổ chức một vụ đánh bom vào lãnh sự quán Nga ở thành phố Chongjin, với hy vọng Nga sẽ trả đũa.
Ở vụ thứ hai, một đơn vị quân ở vùng đông bắc Triều Tiên toan bắn tên lửa vào các vị trí chiến lược ở thủ đô Bình Nhưỡng.
“Ông K.” nói cả hai kế hoạch lật đổ này đều bị phát giác trước khi có thể thực hiện.
Những lời kể của “Ông K.” không thể xác minh, nhưng đa phần những gì nhân vật này nói được các nguồn tin khác xác nhận. Các nhà quan sát Triều Tiên lưu ý vào năm 1994, một nhóm sĩ quan từng học ở Nga đã bị bắt nhốt tù trong vụ lật đổ được gọi là “Vụ Frunze”.
Và vào năm 1997, vì những lý do không thể giải thích, Bình Nhưỡng đưa quân đến trụ sở của Tập đoàn quân thứ 6, xảy ra cuộc đấu súng và những cuộc bắt giữ. Đơn vị quân này bị giải thể.
Không thể biết có thật những âm mưu ấy hay không.
“Ông K.” còn nói các cán bộ cấp cao và tướng quân đội đều bị theo dõi. Người theo dõi họ là điệp viên đội lốt tài xế, và các hoạt động của người bị theo dõi đều được báo cáo hàng tuần với Chủ tịch Kim. Sự nghi kỵ phủ dày lên các cán bộ Bình Nhưỡng, đến độ khi trụ sở một đoàn xiếc bị cháy một ngày trước ngày sinh nhật của Chủ tịch Kim, cũng bị xem là một cuộc phản đối chống chế độ.
“Ông K”. không có nhiều thông tin về Chủ tịch Kim Jong Un, con trai cố Chủ tịch Kim. Nhưng ông ta bảo rằng rất khó ám sát vị Đại tướng trẻ này: “Ai gặp lãnh tụ tối cao đều phải khom người xuống, ngay cả người trong gia đình”.
Khi xuất hiện trước công chúng, Chủ tịch Kim Jong Un luôn có 3 lớp bảo vệ là vệ sĩ, nhân viên an ninh rồi cảnh sát. Những nơi ông đến thăm dều được kiểm tra rất kỹ.
“Ông K.” nói dù điệp viên Triều Tiên được cài vào số 25.000 người vượt biên đang sống ở Hàn Quốc, ông ta không sợ bị ám sát. Nhưng ông ta đề nghị giữ bí mật cho cơ quan ông ta từng làm việc và những hoạt động hiện tại của ông ta ở Hàn Quốc. Không như các kẻ vượt biên nhẹ cân vì suy dinh dưỡng, “Ông K” to cao lực lưỡng và gần 50 tuổi. Ông ta trốn khỏi Triều Tiên năm 2005.