Cựu Bộ trưởng QP Mỹ kể chuyện là nạn nhân của trò bôi nhọ, đấu đá

My Lan |

Lần đầu tiên, Chuck Hagel kể lại những trăn trở, mệt mỏi, các chiêu trò đấu đá, nói xấu mà ông phải trải qua khi còn trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

“Sững sờ” bởi những lời cay độc

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền tạp chí Mỹ Foreign Policy (FP) ngày 10/12, Chuck Hagel thừa nhận, rào cản lớn nhất của ông Hagel chính là việc ông không bao giờ có thể được những thân tín nhất của Tổng thống Mỹ Obama hoàn toàn ủng hộ.

Ông Hagel đã nhiều lần "bầm dập" trong các phiên chất vấn tại Thượng Viện trước khi được phê chuẩn tư cách ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng, bởi chính các đồng nghiệp cũ của mình tại Đảng Cộng hòa.

Họ chỉ trích ông không phù hợp với vị trí mới, tô vẽ ông trở thành người mang tư tưởng thù địch với Israel và yếu đuối trước Iran.

Một vài thành viên đảng Cộng hòa còn cảnh cáo trước rằng, họ sẽ "thẳng tay vùi dập" ông trong phiên chất vấn chỉ bởi họ không hài lòng với Tổng thống. Ngay trước phiên chất vấn, các trang web mang tư tưởng bảo thủ đã dựng lên hình ảnh ông là một người bài Do Thái.

Thế nhưng, cho tới buổi chất vấn, ông mới thực sự bị sốc bởi những lời đả kích cay độc từ những nghị sĩ mà ông từng cộng tác lâu năm, thậm chí là quyên tiền giúp.

Ít nhất một nghị sĩ đã cố tình dẫn lại bình luận của ông Hagel mà không nói rõ văn cảnh, hoặc đơn giản hơn là trích dẫn sai nó.

Ví dụ, trong cuộc chiến ở Lebanon năm 2006, ông Hagel đã kêu gọi chấm dứt "cuộc tàn sát kinh khủng" mà cả 2 bên đang tiến hành, tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa đã vu cho ông là ngả theo Israel.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz thì cáo buộc ông Hagel nhận tiền lên tiếng “nói đỡ” cho các nhóm cực đoan.

Những lúc như vậy, ông Hagel “sững sờ bởi tất cả", nhưng chọn cách không đáp trả.

Sức ép tới từ các đồng nghiệp khiến ông Hagel thậm chí đã từng nói với Nhà Trắng về việc rút lui, bởi không muốn lên nắm quyền theo cách như thế này. "Tôi biết không phải tất cả mọi người trong Nhà Trắng đều ủng hộ mình".

Tuy nhiên, cuối cùng, ông cũng vượt qua những chỉ trích cay độc, lời lẽ "ì xèo" bằng một chiến thắng sít sao 58 - 41 và chính thức đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Chỉ có 4 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu cho ông.

Sau đó, một vài nghị sĩ Cộng hòa khác đã tìm tới gặp riêng ông để nói lời xin lỗi vì những lời lẽ công kích của họ.

Tạp chí Mỹ
Foreign Policy
Dù sao, ít nhất thì chiến thắng nhọc nhằn và có phần cay đắng này cũng cho ông hiểu được rằng, kiểu làm chính trị đảng phái, quyết không thỏa hiệp đã xâm chiếm Washington.

“Bới lông tìm vết”

Ông Hagel chia sẻ, Bộ trưởng Quốc phòng là vị trí ông chưa từng bao giờ nghĩ tới. Ông không đề nghị, và cũng không vận động hành lang để có được nó. Đề nghị duy nhất của ông là được gặp Tổng thống.

Nhìn chung, điều đó đã trở thành hiển nhiên khi ông trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc. Nhưng rồi, Hagel lại phát hiện ra rằng, nó không nhất thiết phải là cuộc gặp chỉ có 2 người tại Phòng Bầu Dục.

"Có nhiều lúc tôi gọi tới và yêu cầu có một cuộc gặp riêng và Tổng thống, và khi tôi xuất hiện, có cả những người khác trong phòng".

Ông Hagel chia sẻ, ông thì thích các cuộc họp nhỏ hoặc nói chuyện điện thoại 2 người, nhưng Nhà Trắng lại thường xuyên triệu tập ông tới phòng họp lớn và chương trình họp chỉ được gửi tới lúc nửa đêm, hoặc thậm chí là sáng hôm diễn ra cuộc họp đó.

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các cuộc bàn thảo về chính sách ở Syria hoặc các vấn đề khác do bà Rice và các cấp phó chủ trì dường như chẳng đi tới đâu.

"Có quá nhiều cuộc họp... Tôi không nghĩ rằng chúng tôi có nhiều lần thực sự đạt tới thứ mình cần. Chúng tôi cứ trì hoãn những quyết định khó khăn. Và luôn có quá nhiều người trong phòng".

Trong các cuộc họp đông hơn ở Nhà Trắng - có những người ông thậm chí còn không biết, Hagel đều không muốn phải nói dài, bởi ông sợ rằng truyền thông sẽ đăng tải lập trường của mình.

"Càng có nhiều người trong phòng, càng có nhiều khả năng thông tin bị rò rỉ với truyền thông, gây ảnh hưởng hoặc định hình các quyết sách.

"Chúng tôi cứ đi ra rồi lại đi vào phòng họp. Cuối cùng, có thời điểm tôi đã nói với bà Susan Rice rằng tôi sẽ không phí thời gian của mình vào những cuộc họp kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Một vài cuộc họp diễn ra tới 4 tiếng".

Ông Hagel nói rằng, các cuộc họp kéo dài không phải vì những thách thức an ninh mà đất nước đang phải đối mặt rất phức tạp, mà bởi người ta đã dành quá nhiều thời gian cho "những thứ nhỏ nhặt, bới lông tìm vết", còn câu hỏi lớn hơn thì bị bỏ ngỏ


Ông Chuck Hagel trong một cuộc họp với Tổng thống Mỹ.

Ông Chuck Hagel trong một cuộc họp với Tổng thống Mỹ.

Những bất đồng không thể hóa giải với Nhà Trắng đã đưa ông Hagel tới suy nghĩ rằng, từ chức có thể là điều không tránh khỏi.

Dù vậy, ông không thể ngờ rằng mình lại buộc phải ra đi một cách “nhục nhã”, "có những người thực sự đã vu khống tôi theo một cách hèn nhát, không dám ra mặt như vậy".

Ngay sau khi Hagel chấp nhận từ chức, một số quan chức Nhà Trắng giấu tên đã "ném" vào ông hàng loạt các bình luận nặc danh trên báo chí, rằng ông gần như không nói lời nào trong các cuộc họp lớn và chỉ răm rắp làm theo Tướng Dempsey.

"Tôi đã từ chức, thế mà vì sao họ lại vẫn tiếp tục cố gắng hủy hoại tôi?".

Tạp chí Mỹ
Foreign Policy
Mặc dù không chỉ đích danh, nhưng những chỉ trích của ông Hagel rõ ràng là nhằm vào cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, bà Susan Rice, cùng một vài cấp dưới của bà ta. Các cựu cố vấn của ông Hagel cho hay, ông và bà Rice thường xuyên ở trong thế đối đầu về chính sách ở Syria và nhà tù quân sự của Mỹ ở Guantanamo.

Hagel chia sẻ, cho tới giờ, ông vẫn không thôi đau đớn, day dứt về cái cách mà những kẻ đâm sau lưng ông tại Nhà Trắng đã làm đối với thời gian tại nhiệm của mình ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

"Tôi không biết mục tiêu của họ là gì. Tới hôm nay, tôi vẫn rối bời bởi điều đó. Nhưng tôi vẫn tiến về phía trước. Tôi tự hào vì những gì mình đã làm để phục vụ cho đất nước.

Nhưng tôi vẫn thích hơn nếu những ngày tháng làm Bộ trưởng Quốc phòng của tôi không kết thúc như vậy”.

Duy nhất có một điều mà từ trước tới nay, ông Hagel không bao giờ thay đổi và cũng không cảm thấy hối tiếc, đó là sự " kính trọng" dành cho Tổng thống Obama. "Tôi luôn giữ mối quan hệ tốt, tích cực với Tổng thống".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại