Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng, ông Tập Cận Bình đã thành lập một đơn vị đặc biệt do Phó Chánh Hoa, Giám đốc Công an Bắc Kinh đứng đầu để điều tra vụ bê bối xung quanh cựu Ủy viên thường vụ Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Chính - Pháp Trung ương, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang mà bỏ qua vai trò của Ủy Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI).
Ở Trung Quốc, các quan chức tham nhũng cấp cao thường do CCDI xử lý và biệt giam theo hệ thống pháp lý nội bộ trước khi bàn giao cho cảnh sát và các công tố viên. Vì vậy, cách thức điều tra bất thường này không chỉ phản ánh tính nhạy cảm trong vụ việc của ông Chu mà còn cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cá nhân ông Tập.
Nguyên ủy viên thường vụ Bộ chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang
Phó Chánh Hoa là quan chức cảnh sát cấp cao đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc vừa giữ chức Giám đốc Công an, vừa là ủy viên thường vụ Đảng ủy Bắc Kinh kiêm Thứ trưởng Bộ công an. Ông Phó sẽ trực tiếp báo cáo kết quả điều tra cho ông Tập Cận Bình.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho biết, ít nhất ba nguồn tin tường tận về những vụ thẩm vấn liên quan tới ông Chu thời gian gần đây đều khẳng định cảnh sát đang giữ vai trò cơ bản trong trường hợp này.
Họ cho rằng, ông Tập và lãnh đạo CCDI Vương Kỳ Sơn muốn những quan chức cảnh sát có nhiều kinh nghiệm điều tra tội phạm thực hiện nhiệm vụ thay vì giao cho CCDI, cơ quan mà khả năng cũng như những biện pháp họ áp dụng gần đây đang bị nghi ngờ có vấn đề.
Một trong những nguồn tin cho biết, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc không hài lòng với phong cách làm việc của CCDI và đã nhận thấy những hành động lạm dụng của cơ quan này trong tiến trình điều tra.
“Nhiều quan chức ở CCDI được chuyển đến từ các đơn vị khác nhau và có rất ít kinh nghiệm điều tra, xử lý tội phạm”, nguồn tin trên cho biết. “Ông Tập và ông Vương muốn cảnh sát đứng đầu thực thi nhiệm vụ này vì họ tin rằng cảnh sát có nhiều chuyên môn hơn”.
Một nguồn tin khác dẫn lời cảnh sát và các quan chức CCDI thì nói rằng “ông Phó được giao nhiệm vụ vì đang lãnh đạo một nhóm nhỏ cảnh sát, chủ yếu đến từ Sở Cảnh sát Bắc Kinh để điều tra các vụ việc của Wu Bing và Quách Vĩnh Tường”.
Ông Wu, một tỷ phú ở Tứ Xuyên, bị cho là có quan hệ gần gũi với nhiều họ hàng trong gia đình nhà ông Chu đã bị bắt giữ tại Bắc Kinh đầu tháng 8/2013. Còn ông Quách, nguyên phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên cũng đã bị giam giữ vào tháng 6/2013 do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Nguồn tin thứ 3 của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cũng xác nhận, trong vụ việc của ông Chu, Trung Quốc dựa nhiều vào cảnh sát hơn là CCDI và vì “Quách Vĩnh Tường bị bắt ở Thành Đô bởi cảnh sát Bắc Kinh”.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã thông qua quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang tại một hội nghị bí mật thường niên tổ chức ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà vào tháng 8/2013. Kể từ khi Cách mạng Văn hóa chấm dứt năm 1976, chưa có một Ủy viên thường vụ Bộ chính trị nào của Trung Quốc, tại chức hay nghỉ hưu, bị điều tra vì tội phạm kinh tế.