Cuộc sống 16 tháng không rời khỏi phòng của ông chủ WikiLeaks

Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, nói về cuộc sống của mình tại Đại sứ quán Ecuador và các nhân viên ở đây đã đối xử với anh “như người thân trong gia đình” như thế nào.

Chia sẻ với tờ Telegraph (Anh) qua Skype, Assange cho biết: “Chúng tôi trải qua nhiều chuyện cùng nhau. Một số nhân viên đã làm việc ở đây gần 20 năm. Chúng tôi ăn trưa cùng nhau, chúc mừng sinh nhật mọi người và các việc nhỏ nhặt khác nữa. Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết vì vấn đề an ninh. Tất nhiên, môi trường làm việc ở đã thay đổi rất nhiều bởi vẫn có rất nhiều cảnh sát bao vây Đại sứ quán và điều đó khiến các nhân viên ở đây không còn có thể làm việc thoải mái như trước nữa”.

Cuộc sống 16 tháng không rời khỏi phòng của ông chủ WikiLeaks
Assange diễn thuyết từ ban công Đại sứ quán Ecuador ở Anh.

Assange sống trong một căn phòng làm việc nhỏ được sắp xếp lại thành phòng ở với một chiếc giường, một chiếc điện thoại, một chiếc đèn ngủ, một máy tính kết nối internet, phòng tắm, một chiếc máy chạy bộ và một chiếc bếp nhỏ.

Anh không nói về việc có phải học tiếng Tây Ban Nha khi ở lại đây không mà chỉ nói: “Tôi thấy nghề báo điều tra lúc nào cũng là công việc thú vị nhất, nếu bạn có các kĩ năng về ngôn ngữ”.

Assange kể rằng anh thường được nhiều nhân vật nổi tiếng tới thăm như nhạc sĩ Graham Nash, người mà anh mô tả là “một người ủng hộ đáng ngạc nhiên nhưng rất tốt”. Nash cũng chính là tác giả một bài hát về Bradley Manning. Trong số những nhân vật nổi tiếng tới thăm Assange còn có Yoko Ono, Sean Lennon, các diễn viên như Peters Sarsgaard, Maggie Gyllenhaal và John Cusack, cùng với rapper MI.

Có rất nhiều người từ các công việc khác nhau và đối với tôi đây là trải nghiệm rất thú vị”, Assange tâm sự.

Hoạt động giải trí chính của Assange là xem truyền hình, đặc biệt là các chương trình truyền hình của Australia.

Trông hơi gầy và nhợt nhạt trong chiếc áo màu xanh da trời, ông chủ WikiLeaks cũng chia sẻ: “Tất nhiên không dễ chịu chút nào khi bạn tỉnh dậy cả 500 ngày và nhìn thấy cùng một bức tường đó nhưng tôi đang có một công việc tốt và tôi không có thời gian cho việc gì khác. Nên đối với tôi, bị mắc kẹt ở đây cũng là một điều tốt vì tôi có thể làm được gì ngoài công việc?

Tôi dành toàn bộ tâm hồn mình cho công việc. Tôi có một nhân viên rất giỏi và trung thành đồng thời chúng tôi có rất nhiều người ủng hộ ở khắp nơi trên thế giới và nhiều người tin tưởng và muốn dõi theo những việc làm của chúng tôi. Vì thế mặc dù tôi đang mắc kẹt trong các bức tường này thì tinh thần tôi vẫn ở ngoài kia với mọi người và đối với tôi đó mới là điều quan trọng. Trong khi tôi đang bị cầm tù ở đây thì ở bên ngoài một nhà tù cũng đang được xây dựng để giam cầm các bạn. Sẽ rất tệ nếu tôi thoát ra khỏi đây và cuối cùng phát hiện ra nơi này còn tốt hơn ngoài kia. Ít nhất ở đây tôi không phải chịu cảnh bị cảnh sát bất ngờ bắt giữ nữa. Ở đây tôi được luật pháp bảo vệ chứ không bị bắt bớ vô cớ như nhiều quốc gia trên thế giới”, Assange nói.

Cuộc sống 16 tháng không rời khỏi phòng của ông chủ WikiLeaks
Những người ủng hộ Assange kêu gọi trả tự do cho anh.

Anh cũng thừa nhận có cảm thấy lo ngại về sự an toàn của gia đình. “Tôi có gia đình và điều đó thật khó xử. Gia đình tôi đã phải di chuyển, đổi tên và là mục tiêu của những lời đe dọa. Ví dụ trang blog của những phần tử cực đoan vẫn kêu gọi sát hại con trai tôi để trả đũa tôi. Chúng tôi đã có các biện pháp để đối phó với những đe dọa như vậy và đã thành công. Tôi không sợ hãi trước những điều như thế”.

Julian Assange đã sống ở Đại sứ quán Ecuador kể từ tháng 6/2012 khi anh được nước này trao qui chế tị nạn ngoại giao. Chính phủ Anh muốn dẫn độ anh sang Thụy Điển theo Lệnh bắt giữ của châu Âu vì cáo buộc xâm hại tình dục. Kể từ khi Assange bước vào Đại sứ quán Ecuador, các quan chức cảnh sát Luân Đôn được ra lệnh bao vây tòa nhà và bắt giữ anh bất kì khi nào anh đi ra ngoài.

Lệnh bắt giữ của châu Âu về cáo buộc xâm hại tình dục sẽ hết hạn vào tháng 8/2020 nhưng Assange cho hay điều anh lo ngại hơn cả là những rắc rối với nước Mỹ.

Anh nói thêm rằng: “Tâm điểm chú ý của tôi là nước Mỹ nơi quá trình điều tra vẫn đang tiếp tục. Đó là lí do tại sao tôi phải nhận qui chế tị nạn chính trị đầy đủ. Tôi mặc định rằng lệnh bắt giữ ở Thụy Điển cuối cùng cũng sẽ hết hiệu lực”.

Vụ việc của Assange bắt đầu được công chúng biết tới vào năm 2010 khi WikiLeaks công bố đoạn băng thu ngày 12/7/2007 cho thấy quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công bằng trực thăng Apache sát hại dân thường và các nhà báo Iraq.

Kể từ đó, WikiLeaks đã công bố các tài liệu mật về những vụ sát hại ở Kenya, những cuốn nhật kí về chiến tranh ở Afghanistan và một báo cáo về việc xả chất thải độc ở Bờ biển Ngà, quá trình bắt giữ ở nhà tù Vịnh Guantanamo và những tài liệu liên quan tới các ngân hàng lớn như Kaupthing và Julius Baer.

Hollywood đã lấy cảm hứng từ câu chuyện của Assange để xây dựng ít nhất 5 bộ phim lớn.

Assange khẳng định anh không hề nuối tiếc về những hành động của mình và tình cảnh của anh bây giờ.

Những quyết định nhỏ dẫn tới con đường này hay con đường khác nhưng nếu phải thay đổi, tôi sẽ không thay đổi những quyết định quan trọng. Tôi tin mọi quyết định quan trọng của mình đều đúng đắn và nếu được làm lại tôi cũng sẽ không làm khác đi”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại