Gần 1 năm sau khi Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến sự kiện Moscow sáp nhập Crimea, làn sóng tâm lý chống Mỹ ở Nga đang dâng cao hơn cả thời Liên Xô.
Các nhà quan sát nhận định thái độ căm ghét Mỹ xuất hiện trong mọi thành phần người dân Nga, từ người bán hàng rong cho đến quan chức cao cấp.
Theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Levada (Nga), hơn 80% người Nga hiện có cái nhìn tiêu cực đối với nước Mỹ, cao gấp đôi so với năm 2014 và là tỉ lệ cao nhất kể từ khi trung tâm trên bắt đầu tiến hành thăm dò ý kiến này năm 1988.
Washington đã ngày càng “làm mất lòng” người Nga, đặc biệt sau khi Mỹ và NATO ném bom Serbia, đồng minh của Nga, vào năm 1999. Tiếp theo đó là cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003 và cuộc xung đột Nga - Georgia năm 2008.
Khi phong trào chống đối nổ ra ở Moscow vào cuối năm 2011 và 2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Mỹ đứng đằng sau giật dây.
Quan điểm chống Mỹ đã lan rộng khắp nước Nga kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine và lên đến đỉnh điểm sau vụ cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov bị sát hại đêm 27-2.
Đã xuất hiện giả thuyết Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đứng đằng sau án mạng này nhằm làm mất uy tín nước Nga.
“Chủ nghĩa chống Mỹ đã tăng lên đến mức độ chưa từng có. Chúng tôi không thích người Mỹ bởi họ tự đề cao bản thân, chẳng thèm quan tâm đến ai khác” - nhà báo Nga kỳ cựu Vladimir Pozner nhận định.
Theo báo The Washington Post, các hành động bài Mỹ đã nhanh chóng diễn ra khắp nước Nga. Đơn cử, một số quán cà phê ở Crimea ngưng phục vụ người Mỹ.
Thay vì sử dụng trang phục nhãn hiệu của phương Tây, người Nga đã vui vẻ mặc những chiếc áo thun in hình tên lửa Iskander với dòng chữ “Trừng phạt à? Đừng làm cho Iskander cười”.
“Chính phủ Nga biết rằng rất dễ khơi dậy thái độ chống Mỹ và cũng dễ dàng hợp nhất xã hội Nga thông qua chiến dịch tuyên truyền này” - bà Maria Lipman, nhà phân tích chính trị độc lập ở Moscow đang thực hiện công trình nghiên cứu về thái độ chống phương Tây, nhận định.
Tâm lý chống Mỹ ở Nga đã khiến văn hóa và giáo dục của Mỹ khó có thể xâm nhập vào nước này hơn.
Năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Nga đã ngưng chương trình trao đổi học sinh trung học giữa Nga và Mỹ vốn tồn tại nhiều thập niên. Thêm vào đó, hiện có rất ít nghệ sĩ phương Tây biểu diễn trên đất Nga.
Chứng kiến hiện trạng này, một số lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây đã lên tiếng cảnh báo nước Nga có nguy cơ làm lụn bại nền kinh tế của mình bằng cách cô lập mình.
Về phần mình, cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin bày tỏ: “Tôi lo ngại cuộc khủng hoảng hiện nay có thể đẩy nước Nga vào tình trạng đối đầu lịch sử, cản trở sự phát triển đất nước trong mọi lĩnh vực”.
Mỹ không cung cấp vũ khí cho Ukraine
Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sau khi gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 9-3.
Theo hãng tin AP, 2 nhà lãnh đạo này nhất trí rằng cần phải tiếp tục các nỗ lực về ngoại giao và chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.