Con đường vào Pháp của những khẩu AK-47

Hạnh Nhân |

Pháp là quốc gia có quy định về việc sở hữu vũ khí rất chặt chẽ. Vậy những kẻ tấn công khủng bố Paris đêm 13/11 vừa qua, cướp đi sinh mạng của ít nhất 129 người, đã lấy vũ khí sát thương ở đâu?

Khi những quả bom phát nổ và nỗi hoảng sợ bao trùm toàn thành phố Paris vào đêm thứ Sáu ngày 13/11, một nhân chứng mô tả rằng những kẻ tấn công dùng những khẩu súng trường thuộc dòng Kalashnikov bắn vào cửa kính của nhà hàng Petit Cambodge ở phía Bắc Paris.

Pháp có quy định rất nghiêm ngặt về việc sở hữu vũ khí và người dân gần như không thể hợp pháp có được một khẩu súng trường có mức sát thương lớn như AK-47, vậy những vũ khí được sử dụng trong đêm 13/11, chưa kể vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng 1 và các cuộc nổ súng ở Toulouse năm 2012, từ đâu ra?

Câu trả lời rất có thể là Đông Âu, nơi buôn bán vũ khí sát thương là ngành kinh doanh lớn, cũng là nơi chính quyền địa phương khó kiểm soát và can thiệp.

Chính phủ Pháp và Liên minh châu Âu (EU) biết họ có vấn đề về súng đạn nước ngoài. Nhưng loạt các vụ tấn công đã xảy ra đến nay cho thấy những nỗ lực để ngăn chặn thị trường buôn bán vũ khí trái phép đã thất bại.

Theo báo cáo, cảnh sát Pháp đã thu giữ hơn 1.500 vũ khí bất hợp pháp năm 2009 và ít nhất 2.700 vũ khí trong năm 2010.

Al Jazeera dẫn số liệu từ Cơ quan giám sát tội phạm quốc gia trụ sở tại Paris cho thấy số lượng súng bất hợp pháp ở Pháp đã tăng với tỷ lệ % hai con số mỗi năm trong vài năm qua. Tuy nhiên, các vụ bắt giữ trên có thể chỉ là một “vết lõm trên hồ” vũ khí.

Theo Europol, Cơ quan thực thi pháp luật của EU, “thực tế là một khẩu súng dòng Kalashnikov hoặc một bệ phóng tên lửa có thể được mua với giá chỉ 300-700 euro ở một số khu vực của EU cho thấy vũ khí luôn sẵn có cho các nhóm tội phạm có tổ chức, các băng nhóm đường phố hoặc các nhóm chủ mưu các vụ tấn công quy mô gây thương vong lớn”.


Cảnh sát điều tra tại hiện trường một vụ tấn công khủng bố ở nhà hàng trung tâm Paris ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát điều tra tại hiện trường một vụ tấn công khủng bố ở nhà hàng trung tâm Paris ngày 13/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều vũ khí tuồn từ Đông Âu qua các nước vùng Balkan tới phần còn lại của châu Âu trong đó có Pháp, cũng như các vùng chiến sự như ở Bosnia, Serbia và Kosovo.

Nhóm Khảo sát vũ khí nhỏ tại Thụy Sĩ (PDF) cho hay khi các cuộc xung đột đó kết thúc từ giữa đến cuối những năm 1990, vẫn còn khoảng 6 triệu vũ khí dư thừa.

Dự đoán một cách chính xác nhu cầu nước ngoài đối với vũ khí quân dụng, những kẻ buôn lậu vũ khí đã bất chấp các nỗ lực - xem chừng khá nửa vời - loại bỏ việc lưu thông súng đạn của các chính phủ.

Theo PDF, “hầu hết các luật ở khu vực vẫn ở giai đoạn đầu và chưa được kiểm tra”.

Súng nhanh chóng trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ yếu ở khu vực Balkan, mà Tây Âu là thị trường mục tiêu.

Báo cáo của Europol cho hay “nhiều vũ khí buôn lậu ở châu Âu xuất phát từ tây Balkan sau khi bị giữ trái phép sau các cuộc xung đột gần đây ở khu vực”.

Trong một trường hợp năm 2014, cảnh sát Slovakia đã chặn một chiếc xe tải cố nhập cảnh với “một số lượng lớn lựu đạn và súng”.

“Chiếc xe này đi từ Bosnia và Herzegovina tới Thụy Điển”.

Có vẻ như thị trường buôn lậu vũ khí sẽ không chấm dứt kể cả khi những đối tượng buôn bán súng ở Balkans hết vũ khí sót lại sau chiến tranh.

Bà Kathie Lynn Austin, một chuyên gia về buôn bán vũ khí thuộc Dự án nhận thức xung đột, nói với Aljazeera: “Một trong những lý do chúng ta thấy rất nhiều súng dòng Kalashnikov và AK-47 trên thị trường chợ đen là bởi vì quân đội một số nước vừa nâng cấp vũ khí và điều đó đã tạo ra kho dự trữ khổng lồ các khẩu súng đời cũ”.

Ngoài ra, bà Austin cho biết hiện có khoảng 1.000 nhà sản xuất súng ở gần 100 quốc gia xuất khẩu súng đạn hợp pháp.

Các chuyên gia cho rằng những kẻ buôn lậu súng đóng vai trò quan trọng trên thị trường chợ đen. Chúng thường làm giả giấy tờ, giấy phép của chính phủ để hoàn thành các hợp đồng bán vũ khí ra nước ngoài.

Đây cũng chính là cách mà những kẻ tấn công khủng bố ở Paris có được những khẩu AK-47.

Ngày 6/3/2012, các nghị sĩ Pháp đã thông qua luật thắt chặt quy định sở hữu súng và tăng hình phạt đối với việc sở hữu vũ khí bất hợp pháp.

Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau đó, Meral, một tay súng thánh chiến Pháp gốc Algeria – đã xả súng sát hại 7 người trong 3 vụ tấn công riêng biệt ở Toulouse trước khi bị cảnh sát tiêu diệt.

Kho vũ khí của Merah bao gồm một khẩu Ak-47, một khẩu súng tiểu liên Uzi, một khẩu súng ngắn, và một số súng lục – tất cả đều bất hợp pháp.

“Hắn chỉ có thể có được số súng này ở chợ đen hoặc từ các tổ chức tội phạm, điều đó là rõ ràng”.

Tháng 10/2014, cảnh sát Pháp đã đột kích vào một số căn nhà, phá vỡ một đường dây buôn lậu vũ khí trên Internet, bắt giữ 48 nghi phạm buôn lậu vũ khí, và thu giữ hàng trăm khẩu súng bất hợp pháp.

Ba tháng sau đó, ngày 7/1/2015, các tay súng thánh chiến dùng những khẩu AK-47, súng phóng lựu sát hại 12 người tại tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris.

Có thể thấy rằng, các tay súng khủng bố hoàn toàn có thể mua vũ khí trên mạng Internet, với phương thức thanh toán bằng tiền ảo như bitcoin để tránh bị theo dõi. Chỉ với vài cú click chuột, khách hàng có thể mua một khẩu AK-47 với giá chưa tới 2.000 USD.

Thật đáng buồn, vũ khí vẫn đang được tuồn vào Pháp, vào tay của những kẻ bạo lực cực đoan. Và vào đêm thứ Sáu vừa qua của tháng 11, những kẻ khủng bố có vũ trang đã nổ súng một lần nữa, ở một đất nước có luật kiểm soát vũ khí vô cùng chặt chẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại