Cốc cổ gần 3.000 năm 'hàn gắn' quan hệ Mỹ - Iran

Chiếc cốc uống rượu bằng bạc có niên đại 2.700 năm tuổi có thể trở thành một biểu tượng mới về tình hữu nghị Mỹ và Iran.

Chiếc cốc cổ uống rượu của Iran.

Tác phẩm nghệ thuật Ba Tư cổ đại này đã bắt đầu lên đường quay trở lại quê hương của nó vào ngày 27/9. Chiếc cốc uống rượu dùng trong các buổi lễ, hay còn gọi là rhyton, đã ở trong kho hàng hải quan nước Mỹ trong nhiều năm nay bởi mối quan hệ ngoại giao trở nên xấu đi giữa Washington và Tehan xung quanh vấn đề hạt nhân.

Chiếc cốc uống rượu có tuổi đời gần 3.000 năm này có hình dáng của một loài thú thần thoại với cơ thể của một con sư tử và đầu của một con chim ăn thịt. Nó được tạo ra trong thời đại Achaemenid, thời kì đầu của đế chế Ba Tư, khoảng quanh năm 700 trước công nguyên. Kể từ năm 2003, chiếc cốc này đã ở thành phố New York, khi một người buôn bán các tác phẩm nghệ thuật đưa chiếc cốc này vào nước Mỹ.

Theo một bài đăng trên tờ New York Post, các quan chức hải quan đã từ lâu chờ đợi sự trở về của món hàng này với đất nước Iran. Nhưng nhiều thập kỉ trôi qua, quan hệ giữa hai nước tiếp tục trải qua những thời kì băng giá khiến chiếc cốc cổ không còn cách nào khác phải chịu cảnh sống trong “lạnh lẽo” tại xứ người.

Tuy nhiên, ngày 27/9, Tổng thống Obama đã có động thái “phá băng” trong quan hệ giữa Washington và Tehran bằng một cuộc điện thoại mang tính lịch sử với Tổng thống Iran ông Hassan Rouhani, khi vị lãnh dạo của quốc gia Cộng hòa Hồi giáo chuẩn bị rời khỏi nước Mỹ. Đây là lần đầu tiên một vị tổng thống của nước Mỹ nói chuyện với người đồng cấp Iran kể từ năm 1979.

“Sự tan băng” này có vẻ như đã đủ mạnh để giải phóng cho chiếc cốc cổ. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố trong một dòng “tweet” trên mạng xã hội Twitter rằng nước Mỹ đã trả lại món hàng này trong tuần qua. Các nhà chức trách Mỹ đã trực tiếp chuyển chiếc cốc cho đoàn đại biểu của ông Mohammad-Ali Najafi, giám đốc di sản văn hóa của Iran.

Đón nhận chiếc cốc cổ, ông Najafi nói: “Chúng tôi nhận lấy chiếc cốc này như là một món quà lưu niệm của Mỹ với nhân dân Iran… Tôi tin rằng chiếc cốc này sẽ có một tác động rất tích cực lên người dân Iran”. Một món quà lưu niệm từ nước ngoài là thứ mà người Iran rất xem trọng. Trong văn hóa Ba Tư, nó có một vị trí quan trọng thể hiện sự ấm áp.

Ông Najafi đã được chỉ định làm một trong 12 phó thủ tướng của Iran và phụ trách những bảo vật và trụ sở văn hóa quan trọng nhất của Iran. Và theo một số nhận định, thứ đã chiếm được trái tim của ông Najafi thì cũng có cơ hội tốt để có thể làm hài lòng vị tân Tổng thống của quốc gia Trung Đông này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại