Phát biểu tại Quỹ nước Mỹ Mới, bà Rice nêu rõ: "Chúng ta không thể cho phép những kẻ khủng bố quyết tâm hủy diệt, hoặc một nước CHDCND Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc một nước Iran tham vọng sở hữu hạt nhân được tin rằng chúng ta từ bỏ quyết tâm thực hiện những lời cảnh báo lâu nay".
Trong một diễn biến khác, Mỹ cho biết có thêm 14 nước và vùng lãnh thổ đã ký vào danh sách ủng hộ "phản ứng mạnh mẽ của quốc tế" về cái mà Nhà Trắng gọi là Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Danh sách trên được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Nga hồi tuần trước và ban đầu gồm có 10 nước với Mỹ. Theo Washington, thêm 14 nước và vùng lãnh thổ là Đức, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Maroc, Kosovo, Albania, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Honduras, Hungary, Latvia, Litva và Romania đã đăng ký vào danh sách trên.
Tuyên bố này cho hay: "Chúng tôi kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ của quốc tế với sự vi phạm nghiêm trọng luật lệ và đạo đức quốc tế nhằm gửi một thống điệp rõ ràng rằng sự tàn bạo này sẽ không bao giờ có thể lặp lại".
Tuy nhiên, danh sách trên không đề cập rõ ràng đến việc sử dụng vũ lực, điều mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đe dọa tiến hành nhằm vào chính quyền Syria. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Harry Reid ngày 9/9 cho biết Thượng viện sẽ bỏ phiếu về một đề nghị tiến hành tranh luận liên quan tới nghị quyết chấp thuận "hành động quân sự hạn chế" của Mỹ để phản ứng trước việc Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Nếu có sự phản đối về đề nghị này thì Thượng viện cần ít nhất 60/100 phiếu thuận để đưa nghị quyết này lên trên. Các nghị sĩ Dân chủ kiểm soát Thượng viện, song hiện không rõ Tổng thống Barack Obama có đủ sự ủng hộ tại Thượng viện để đạt ngưỡng 60 phiếu thuận hay không.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cho biết nước này hoan nghênh đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, đồng thời ca ngợi Điện Kremlin đang nỗ lực "ngăn chặn cuộc xâm lược của người Mỹ".
Trả lời báo giới sau các cuộc hội đàm tại Moskva, Ngoại trưởng Moualem không nói rõ liệu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có chấp nhận đề nghị của Nga hay không và cho biết: "Tôi nhấn mạnh rằng Cộng hòa Arập Syria hoan nghênh sáng kiến của Nga, xuất phát từ những quan ngại của giới lãnh đạo Syria về sinh mạng của người dân chúng tôi và an ninh đất nước, cũng như từ lòng tin của chúng tôi vào sự sáng suốt của giới lãnh đạo Nga, vốn đang nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược của Hoa Kỳ nhằm vào người dân chúng tôi".