Nguồn ngân sách an ninh nội địa Mỹ đã trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ” trong cuộc chiến giữa hai đảng phái xoay quanh vấn đề luật nhập cư.
Theo hãng tin AFP, những nhà lãnh đạo Thượng viện Mỹ đã đưa ra một thỏa thuận vào ngày 25-2 để tránh một kịch bản buộc Bộ an ninh Nội địa Mỹ “đóng cửa” và duy trì nguồn ngân sách cho các hoạt động an ninh nội địa nước này qua tháng 9.
Hiện vẫn chưa rõ các nhà lập pháp phe Cộng Hòa có đồng ý với kế hoạch này trước hạn chót vào ngày 27-2 hay không.
Đảng Cộng hòa, giận dữ vì hành động đơn phương của Tổng thống Obama vào tháng 11-2014 che chắn cho hàng hiệu người nhập cư trái phé tại Mỹ khỏi cảnh bị trục xuất, đã quyết định mang “yêu sách” hủy bỏ đạo luật di trú vào trong dự thảo ngân sách an ninh nội địa.
Dự thảo này đã được Hạ viện thông qua vào tháng 1-2015.
Tuy nhiên,các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã đấu tranh hành tuần để giữ 2 vấn đề này riêng rẽ, qua đó đã có 4 lần ngăn dự thảo ngân sách cho an ninh nội địa được thông qua.
Nếu như dự thảo này không được Thượng viện thông qua trước ngày 27-2, Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ không có ngân sách hoạt động và buộc phải đóng cửa.
Thượng viện đã bỏ phiếu 98-2 đồng ý mở cuộc tranh luận về số tiền tài trợ 40 tỉ USD dành cho Bộ An ninh Nội địa.
Lãnh đạo Đa số Hạ viện Mitch McConnell cam kết sẽ loại bỏ các sửa đổi trong luật di trú khỏi dự thảo ngân sách. Cuộc bỏ phiếu chung cuộc của Thượng viện có thể sớm nhất là vào 26-2.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner sẽ đứng trước áp lực phải thông qua dự thảo ngân sách hoặc tạm ngừng hoạt động của Bộ An ninh Nội địa.
Trong khi đó, tại Florida vào ngày 25-2, Tổng thống Obama đã lên tiếng kêu gọi đảng Cộng hòa chấm dứt lấy vấn đề an ninh nội địa làm “con tin” để yêu sách vấn đề đạo luật di trú.
Nếu dự thảo ngân sách lần này không được thông qua, sẽ có đến 30.000 nhân viên chính quyền liên bang Mỹ phải nghỉ việc, hoặc chấp nhận làm việc không lương.
Những nhà lập pháp trong cả 2 đảng đã khẳng định, hành động mặc cả bằng vấn đề an ninh quốc gia là quá sức liều lĩnh.
Lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa Jeh Johnson đã cố gắng tìm cách thuyết phục đảng Cộng hòa tài trợ cho bộ của ông.
Johnson đã đã “nổi cáu” ngay tại Quốc hội, khẳng định việc tranh luận xem có nên trả lương cho các nhân viên của các cơ quan “cốt yếu”của chính phủ hay không là hết sức “ngớ ngẩn”.