Có một "đại sứ đặc biệt" của Việt Nam ở Ba Lan tên là Sajgonki

Nhữ Hoa Kim Ngân, PGS - Tiến sĩ Khoa học Vật Lý, Ba Lan |

(Soha.vn) - “Sajgonki”, tên gọi này khơi lại ký ức về những bảng gỗ trên kẻ bằng phấn thực đơn của các nhà khách giao tế Hà Nội thời cuối những năm 1950, đầu 1960...

Một mối quan tâm của chính phủ các nước là làm cho cộng đồng người nước ngoài hòa nhập vào đời sống của quốc gia họ tới định cư, qua học ngôn ngữ, hợp tác, và giao lưu văn hóa. Trong trường hợp của Ba Lan, chính quyền còn tạo “tương tác ngược” về văn hóa giữa cư dân bản địa với cộng đồng người Việt ở đây, trên nền những di sản của thời đại “hữu nghị anh em”.

Các đồng nghiệp Ba Lan nhận xét rằng những người Việt cư trú và làm việc ở đây, dù khá đông, thường chỉ tập trung vào kiếm sống. Và nếu họ có tổ chức những sinh hoạt cộng đồng, thì cũng chỉ đóng kín trong nội bộ, không mấy “tương tác” với cư dân sở tại. Ngược lại, nhiều người Ba Lan đã biết về nền văn hóa mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam, về cách thưởng thức ẩm thực phong phú mà tinh tế của người Việt.

Món ăn hàng đầu hay được người Ba Lan nhắc tới là “sajgonki”. Tên gọi này khơi lại ký ức về những bảng gỗ trên kẻ bằng phấn thực đơn của các nhà khách giao tế Hà Nội thời cuối những năm 1950, đầu 1960. Giữa các món ăn khác, đôi mắt bè bạn quốc tế thường kiếm, và tìm thấy đặc sản “chả Sài Gòn rán”, hay đứng cạnh món nộm từ rau xà lách.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia Đông Âu (hầu hết dùng ngôn ngữ Slavơ) đã chuyển ngữ món được ưa chuộng này thành “sajgonki”. Ngày nay, trên thực đơn các cửa hàng ở Ba Lan, dù chủ là người Việt hay người Ba Lan, món nem đều được gọi là “sajgonki”.

Nem Việt Nam - “sajgonki” ở Ba Lan

Nem Việt Nam - “sajgonki” ở Ba Lan

Vừa “bắc cầu” cho kiều dân hội nhập, vừa để thỏa mãn sở thích “thám hiểm” của người châu Âu vào những không gian văn hóa khác lạ, chính quyền Ba Lan đã khởi xướng những giao thoa văn hóa, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Một kênh truyền hình sở tại từng có sáng kiến làm truyền hình thực tế giới thiệu văn hóa Việt. Trong khuôn khổ chương trình này, tôi được mời dạy trẻ em Ba Lan làm món “sajgonki”, và được gợi ý thêm, là tự thiết kế khung cảnh sao cho buổi học ngoại khóa này đậm “chất Việt”.

“Trường quay” được tổ chức trong khuôn viên vườn nhà, trên cây có treo các đèn xếp do tôi gấp từ giấy màu mua từ các cửa hàng văn phòng phẩm dành cho học sinh. Trên bàn là một lọ hoa cũng do tôi làm từ giấy màu. Tôi bắt đầu bằng hướng dẫn các em làm hoa cẩm chướng từ nhiều băng giấy đủ màu sắc, rồi đến những cánh hoa ban trắng của miền Tây Bắc, Việt Nam… Sau đó, các em học làm món nem rán.

“Trường quay” được tổ chức trong khuôn viên vườn nhà

“Trường quay” được tổ chức trong khuôn viên vườn nhà

Để tạo ấn tượng mạnh, một đĩa to nem rán đã được làm sẵn, thơm lựng. Các em có thể vừa nếm món nem, vừa tập làm nem, có thêm hứng thú nhờ hiệu quả cảm quan mà món nem đem lại. Tiết học cuối là dạy các em gấp thuyền từ những tờ giấy khổ A4 đủ màu sắc, thả vào một bồn nước. Các em chạy nhảy tung tăng, nhặt những quả hạnh đào rải rác trong vườn, ngắt những bông hoa nhỏ, rồi đặt chúng vào lòng thuyền làm nền cho những câu chuyện cổ tích mà từng em sáng tác ra. Các cô bé tưởng tượng đó là những “cánh buồm đỏ thắm” chở chàng hoàng tử đẹp trai tới đón mình về những xứ sở diệu kỳ, các em trai dấn mình vào cảm giác phiêu lưu của những thuyền trưởng “đi tìm châu Mỹ”…

Tưởng như kết quả những buổi phổ biến kiến thức Việt Nam học trên truyền hình ấy chỉ dừng ở làm thỏa mối quan tâm thưởng thức một thực đơn khác với văn hóa ẩm thực truyền thống Ba Lan. Nhưng những “đầu tư” tưởng như đơn giản, lại đem lại những kết quả bất ngờ. Một thời gian dài sau buổi “Việt Nam học” ấy, tôi ngẫu nhiên gặp lại vài em của giờ học làm nem rán. Tôi cảm động nghe kể về chuyến đi khám phá Việt Nam tràn đầy ấn tượng của các em. Và không chỉ có những chiếc nem “sajgonki”, mà cả những mộng mơ khi gấp thuyền giấy cũng vun đắp quyết định của các em đến thăm nước Việt tươi đẹp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại