Có cách để Mỹ vừa chế ngự TQ, vừa tránh Thế chiến trên Biển Đông

Đức Huy |

Viết trên tạp chí National Interest, học giả Van Jackson đã đề xuất một chiến lược dài hơi có thể giúp Mỹ chế ngự Trung Quốc mà vẫn tránh được giao tranh trên Biển Đông.

Trong trật tự thế giới hiện tại, các cường quốc trên thế giới hiểu rằng, giải pháp chiến tranh chỉ nên được áp dụng trong trường hợp bất khả kháng, khi không còn lựa chọn nào khả thi hơn. Cái được từ chiến tranh gần như chắc chắn sẽ không thể bù đắp nổi cái mất.

Trên Biển Đông, có lẽ Mỹ cũng hiểu điều này.

Do đó, theo ông Jackson, để có thể vừa kiểm soát sự hung hăng của Trung Quốc mà vẫn tránh được kết cục chiến tranh trên Biển Đông, thì tăng cường minh bạch hóa các hoạt động phải là ưu tiên chiến lược hàng đầu hiện nay đối với Washington.

Chuyên gia này chỉ ra rằng, bản chất mơ hồ, thiếu thông tin ở vùng biển này đã và đang tạo ra một môi trường "lý tưởng" cho các viễn cảnh giao tranh bùng phát.

Với sự thiếu minh bạch trong các hoạt động trên Biển Đông, ông Jackson nhấn mạnh một "kẻ cơ hội" như Trung Quốc luôn có cách để lợi dụng điều này, thể hiện qua những hành vi xây dựng và cải tạo bất hợp pháp, đánh bắt cá trái phép, hay thậm chí "bắt nạt" tàu thuyền các nước khác trên biển.


Tàu cá Trung Quốc luôn có cách lợi dụng sự thiếu minh bạch trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Tàu cá Trung Quốc luôn có cách lợi dụng sự thiếu minh bạch trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, ngay cả đối với các nước không có ý định trục lợi, thì việc không nắm bắt được tình hình một cách thấu đáo cũng sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra hiểu nhầm không đáng có, dẫn đến những tính toán sai lầm giữa các nước có khu Đặc quyền Kinh tế (EEZ) chồng lên nhau.

Lầu Năm Góc cũng hiểu được độ nghiêm trọng của vấn đề. Năm ngoái, họ đã cho ra mắt văn bản Chiến lược An ninh Hàng hải châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đề ra những phương án xây dựng hệ thống giám sát hàng hải cho các đối tác Đông Nam Á.

Chưa dừng lại ở đó, bộ Quốc phòng Mỹ còn đề ra Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) - một gói chi ngân sách trị giá hơn 400 triệu USD nhằm cải thiện an ninh cho các nước xung quanh Biển Đông. Có thể nói, an ninh hàng hải đã trở thành một từ khóa "cửa miệng" tại Washington.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây, theo chuyên gia Jackson, là cả chiến lược cũng như gói chi ngân sách nói trên của Mỹ đều chưa đưa ra được một đường hướng cụ thể, sao cho Washington có thể khiến các hoạt động trên Biển Đông trở nên minh bạch hơn.

"Giờ là lúc phải có những hành động minh bạch hóa Biển Đông. Mỹ không thể cứ dựa vào việc cung cấp vũ khí cho đồng minh hay tăng cường tuần tra hàng hải. Đương nhiên những bước đi này là cần thiết, nhưng chúng cần nhiều thời gian và tốn nhiều tiền của" - ông nhận định.

Phương án được ông Jackson và các cộng sự tại Trung tâm An ninh Mỹ trong Thời đại mới (CNAS) đề ra, đó là lấp đầy "lỗ hổng ISR" của các nước Đông Nam Á có lợi ích quốc gia trên Biển Đông.

ISR là viết tắt của các từ Intelligence (tình báo), Surveillance (theo dõi), và Reconnaisance (trinh sát), một dây chuyền hệ thống thu thập, phân tích, và xử lý thông tin về một đối tượng hay khu vực nhất định, nhằm hỗ trợ việc hoạch định chiến lược của người đứng đầu.

Song song với các chương trình cải thiện khả năng ISR của từng nước, ông Jackson cho rằng Mỹ có thể "đốt cháy giai đoạn" bằng 3 cách: tận dụng chất xám của Sillicon Valley, kêu gọi các thế lực Thái Bình Dương hỗ trợ, và tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin.

Tận dụng chất xám của Silicon Valley

Chuyên gia Jackson chỉ ra rằng, một số công ty khởi nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận tại Sillicon Valley đang dẫn đầu trong lĩnh vực mô phỏng hình ảnh cập nhật vị trí tàu thuyền và máy bay trên bản đồ, cũng như phân tích giá trị của các thông tin họ thu thập được.

Một số ví dụ có thể kể đến Spire, Skybox, Vùng biển Quanh ta (SEU), hay Tổ chức Giám sát Đánh bắt cá Toàn cầu (GFW), tất cả đều có thể phân tích dữ liệu để chỉ ra một con đường an toàn trên biển, cũng như phát hiện dấu hiệu của các hành vi đánh bắt cá trái phép.


GFW cung cấp thông tin thời gian thực về các hoạt động đánh bắt cá trên toàn cầu.

GFW cung cấp thông tin thời gian thực về các hoạt động đánh bắt cá trên toàn cầu.

Đây đều là những điều Biển Đông cần. Nhưng cho đến thời điểm này, năng lực của Sillicon Valley vẫn chưa được Mỹ tận dụng trong các vấn đề Biển Đông. Washington có khả năng, và cần phải thay đổi điều đó.

Ông Jackson nhận định, để sở hữu các hệ thống ISR sẽ rất tốn kém, đó là chưa kể thời gian cần để huấn luyện sử dụng.

Do đó, một giải pháp đơn giản hơn, tiết kiệm hơn, và đem lại hiệu quả tức thì, đó là thuê các công ty công nghệ tại Sillicon Valley trực tiếp thu thập, phân tích, và báo cáo lại thông tin cho mỗi nước.

Đương nhiên, phương án lý tưởng nhất vẫn là để mỗi nước tự phát triển khả năng ISR của riêng mình, nhưng trong lúc chờ huấn luyện xong, thì "thuê chất xám" cũng là một lựa chọn tình thế không tồi.

Vận động các thế lực Thái Bình Dương hỗ trợ

Hiện nay, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, và Hàn Quốc đều đang ít nhiều tham gia vào các hoạt động đảm bảo an ninh Đông Nam Á, qua việc bán vũ khí, phối hợp tập trận, và thậm chí cả tuần tra chung với một hoặc nhiều nước ASEAN.


Nhật Bản và Philippines tập trận chung trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Nhật Bản và Philippines tập trận chung trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Nhưng theo ông Jackson, sự phối hợp giữa 4 nước này, cũng như giữa họ với Mỹ, chỉ gói gọn trong các động thái song phương đơn thuần. Trong khi đó, cả 4 đều có nguồn lực và mạng lưới ảnh hưởng có khả năng cải thiện đáng kể năng lực ISR của các nước Đông Nam Á.

Do đó, trách nhiệm của Mỹ là phải làm sao để Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, và Hàn Quốc có thể trở thành một "dàn hợp xướng", tạm gác lại các tranh chấp, để tận dụng điểm mạnh của mỗi nước và cùng nhau đáp ứng các nhu cầu ISR của khu vực.

Hợp tác chia sẻ thông tin

Rõ ràng, dù năng lực ISR của một nước có siêu phàm đến đâu, thì họ cũng không thể đơn phương, ngày qua ngày nắm bắt hết những gì diễn ra trên một vùng biển rộng lớn như Biển Đông.

Đáng mừng là hiện nay, đã có những bước đi tiên phong trong việc chia sẻ thông tin hàng hải tại Đông Nam Á, điển hình là Mạng lưới Tuần tra Eo Biển Malacca (MSPN) và Trung tâm Phối hợp Thông tin (IFC) tại Singapore.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu tương đối nhỏ lẻ, và sự hợp tác vẫn chưa thực sự rõ. Và nhiệm vụ của Washington, một lần nữa, là đóng vai trò đầu tàu thuyết phục các nước Đông Nam Á đẩy mạnh chia sẻ thông tin hàng hải vì lợi ích chung.

---

Ông Jackson kết luận, đã đến lúc biến vùng biển nhiều biến động nhất thế giới hiện nay trở thành một Biển Đông hoàn toàn mới, một Biển Đông của những hoạt động công khai, minh bạch, của sự ổn định.

Vậy nên trước khi lao đầu vào những hành động rõ ràng mang nhiều rủi ro hơn, chi bằng cứ thử phương án "lợi cả đôi đường" này một lần xem sao?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại