Tạp chí Mỹ National Interest nhận định, để có thể thành công trong chiến dịch "xoay trục" và cân bằng cán cân quyền lực châu Á với Trung Quốc, Washington cần chú trọng vào việc xây dựng sức mạnh của bản thân cũng như các đối tác trong khu vực.
Mục tiêu ấy, theo National Interest, không quá phức tạp. Chìa khóa vẫn nằm ở kinh tế; Mỹ cần áp dụng những chính sách cần thiết sao cho họ và các quốc gia châu Á có thể đạt được những lợi thế về mặt kinh tế khi so với Trung Quốc.
Từ đó, các nước trong khu vực có thể giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời chuyển hóa lợi thế này trở thành sức mạnh quốc gia trong nhiều lĩnh vực khác.
Nhìn từ góc độ này, có thể thấy rõ mục đích của Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên TBD (TPP) không chỉ là đem lại lợi ích kinh tế hay địa chính trị cho các bên tham gia, mà đúng hơn là đem lại lợi ích kinh tế và địa chính trị cho các nước này khi so với Trung Quốc.
Nếu đánh giá TPP theo mục đích nói trên, các chuyên gia cho rằng hiệp định này sẽ đem lại hiệu quả rõ rệt.
Kết quả nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy, nếu TPP chính thức đi vào hoạt động với 12 quốc gia thành viên hiện đang tham gia đàm phán, chỉ riêng Mỹ sẽ được hưởng một khoản lợi nhuận lên tới 77,5 tỉ USD trong 10 năm tới.
Bản thân con số này đã tương đối ấn tượng, nhưng khi xét đến lợi ích kinh tế TPP đem lại cho các quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, khoản lợi nhuận sẽ tăng thêm khoảng 259 tỉ USD nữa.
Một điều quan trọng khác mà kết quả nghiên cứu này đã chỉ ra, đó là Trung Quốc sẽ thiệt hại 47,5 tỉ USD trong thập kỉ tới do phải đứng ngoài TPP.
Trong khi Trung Quốc đã và đang thâu tóm kinh tế khu vực châu Á - TBD, viễn cảnh các bên tham gia TPP đạt được lợi thế lên tới hơn 300 tỉ USD so với Bắc Kinh trong một thập kỉ sẽ là một bước tiến đáng kể trong quá trình giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Nói tóm lại, National Interest khẳng định TPP sẽ là một yếu tố "thay đổi cục diện" tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho Mỹ và các bên tham gia, trong đó có Việt Nam.
Các lãnh đạo Mỹ, do đó, gần như chắc chắn sẽ đề cập tới chủ đề đàm phán TPP trong chương trình nghị sự của chuyến công du Mỹ lịch sử hôm 6/7 tới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Về phần mình, phái đoàn Việt Nam cũng đã có chuẩn bị kĩ lưỡng cho chủ đề TPP. Trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ trước khi lên đường sang Washington, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:
"Với sự chuẩn bị nghiêm túc, chúng tôi có đủ tự tin sẽ tham gia thành công vào tiến trình quan trọng này. Và trên thực tế, chúng tôi đang cùng Hoa Kỳ và các thành viên khác nỗ lực để có thể kết thúc đàm phán TPP trong thời gian sớm nhất".
Nội dung đàm phán
Trong chuyến thăm Mỹ tới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cũng cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ là một chủ đề được đôi bên thảo luận kĩ lưỡng.
"Với tình hình hiện tại, tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu điều này [Biển Đông] không được đề cập đến trong cuộc gặp" - ông phát biểu trong khuôn khổ sự kiện bàn tròn với báo chí trong nước hôm 25/6 vừa qua.
Đại sứ Mỹ Ted Osius tại sự kiện bàn tròn báo chí hôm 25/6
Ông Osius cũng nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng: "Chúng tôi muốn hướng đến không chỉ một mối quan hệ song phương với Việt Nam, mà rộng hơn là hợp tác với các bạn ở cả tầm khu vực và toàn cầu".
Theo Đại sứ Mỹ, chuyến thăm Mỹ tới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama - nếu xảy ra, sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược nói trên.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ dẫn theo ông một đoàn đại biểu hùng hậu với hiểu biết về nhiều lĩnh vực khác nhau, do vậy tôi cho rằng tất cả 9 trụ cột trong quan hệ hợp tác Việt - Mỹ đều sẽ được bàn luận trong khuôn khổ chuyến thăm" - ông Osius nhận xét.
Cụ thể, 9 trụ cột hợp tác Việt - Mỹ mà ông Osius muốn nhắc đến đó là: chính trị, ngoại giao, an ninh, kinh tế, thương mại, giáo dục, y tế, môi trường, và quan hệ giữa nhân dân hai nước.
"Đây sẽ là một sự kiện mang tính lịch sử. Và các lãnh đạo phía Mỹ đã sẵn sàng để đón tiếp đoàn Việt Nam một cách tương xứng với tầm quan trọng của chuyến thăm" - ông Osius phát biểu.