Số xấu
Ở Mỹ, sau sự kiện 11/9, nhiều hãng hàng không đã rút số 11, 77, 175 và 93 ra khỏi hệ thống số hiệu chuyến bay vì đó là số của những chuyến bay lâm nạn trong thảm hoạ này. Các số 11 và 9 cũng trở thành nỗi ám ảnh của những người thường xuyên đi máy bay, không phải chỉ vì nó có liên quan đến vụ khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ mà còn bởi vì đã có hai chuyến bay cùng mang số hiệu 191 của American Airlines và Delta Airlines bị rơi ở những thời điểm trước đó.
Khoảnh khắc ngay trước khi chiếc máy bay mang số hiệu 175 của United Airlines đâm vào tòa tháp đôi WTC (Mỹ) trong vụ khủng bố 11/9
Theo thông lệ của ngành hàng không Mỹ, số hiệu của những chuyến bay đã gặp nạn sẽ không được sử dụng nữa. Nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của sự mê tín trong ngành hàng không. Nhưng các quan chức ngành này thì tuyên bố đó là cách biểu hiện sự tôn trọng đối với thân nhân của các hành khách đã tử nạn.
Quan niệm về số xấu được rất nhiều hãng hàng không coi trọng. Trên tất cả 600 chiếc máy bay của Hãng hàng không Continental Airlines (Mỹ) không có hàng ghế đánh số 13. Chẳng ai biết chuyện kiêng kỵ này bắt đầu từ bao giờ nhưng trên thực tế hầu hết các hãng hàng không lớn ở phương Tây đều tránh không dùng con số 13. Bởi nếu có dùng thì hành khách cũng tránh mọi thứ mang con số này như tránh hủi. Ngay cả số hiệu các chuyến bay cũng rất ít khi dùng số 13.
Nhiều hãng hàng không lớn không sử dụng số 13 cho các hàng ghế, mà từ 12 nhảy luôn sang 14
Quan niệm này đã lan sang cả châu Á. Nếu bay cùng Singapore Airlines và một số hãng hàng không lớn khác ở châu Á thì bạn cũng sẽ không thể tìm được hàng ghế 13 vì sau số 12 là đến ngay 14.
Chuyện số xấu thường bắt nguồn từ yếu tố văn hoá. Đối với người Nhật, hai con số đen đủi nhất là 4 và 9 vì 4 phát âm theo tiếng Nhật gần giống với từ “chết” còn 9 thì na ná như “tra tấn”. Lẽ dĩ nhiên là chẳng ai muốn đi máy bay để phải chết hoặc bị tra tấn nên nhiều hãng hàng không Nhật Bản không có số ghế 4 và 9.
Láng giềng gần gũi của Nhật là Hàn Quốc cũng có quan niệm tương tự nên khách đến sân bay Inchon ở Seoul dù tìm mỏi mắt cũng không thấy cửa ra số 4 hay 44.
Trong khi đó, ở Italy, con số bị hắt hủi lại là 17. Cách viết số 17 theo kiểu La Mã là XVII, nếu làm một phép đảo chữ đơn giản thì sẽ thành VIXI. Từ này đọc theo tiếng ý nghĩa là “tôi đã từng sống”. Mà “tôi đã từng sống” với động từ ở thì quá khứ thì chẳng phải hàm nghĩa “bây giờ tôi đã chết” hay sao. Thế nên, nhiều hãng hàng không Italy không có ghế 17 hay chuyến bay số 17.
Cũng có đôi khi, quan niệm số xấu nảy sinh từ những sự kiện bi thảm của ngành hàng không. Năm 1983, chuyến bay mang số hiệu 007 của Korean Airlines bị bắn rơi khi bay lạc vào không phận Nga. Từ sau đó, số 7 bị coi là con số không may mắn đối với các hãng hàng không Hàn Quốc.
Chuyện ma ám
Không chỉ sợ các con số xấu, các hãng hàng không còn rất sợ.. ma. Sân bay Heathrow ở London (Anh) không được ưa chuộng chỉ vì nhiều người tin rằng ở đây có ma. Người ta kể rằng hồn ma của Dick Turpin, một kẻ cướp bị treo cổ từ thế kỷ 18 ở mảnh đất ngày nay là sân bay Heathrow vẫn thường xuyên lượn qua đây trên con ngựa đen quen thuộc của y.
Chưa hết, rất nhiều người khẳng định đã nhìn thấy bóng ma của một hành khách tử nạn trong chuyến bay của hàng không Bỉ năm 1948 lượn qua lượn lại trên đường băng để tìm hành lý. Du khách đi và đến sân bay này rỉ tai nhau rằng nếu gặp một người đàn ông ăn mặc đồ xám lịch sự theo kiểu doanh nhân đi lại vẩn vơ ở các hành lang vào đêm khuya hay sáng sớm với vẻ mặt lo lắng, bồn chồn thì hãy tránh xa vì đó đích thực là oan hồn vị hành khách xấu số nọ.
Nổi tiếng nhất trong số những câu chuyện ma ám của ngành hàng không là chuyến bay 401 của hãng Eastern Airlines (Mỹ). Tháng 12/1972, chuyến bay này đã gặp nạn trên một vùng đầm lầy ở bang Miami, giết chết 101 người. Một số bộ phận còn nguyên vẹn của chiếc máy bay đã được mang dùng lại trên các máy bay khác của hãng.
Kể từ đó trở đi, ít nhất 20 lần, hành khách và phi hành đoàn trên những chiếc máy bay được lắp các bộ phận này phàn nàn rằng họ nhìn thấy cơ trưởng Bob Loft và phụ lái Don Repo (đều đã chết) của chuyến bay 401 xuất hiện, lúc thì ở cabin, lúc trong khoang hành khách.
Thậm chí, vị phó chủ tịch của Eastern Airlines còn khẳng định đã từng nói chuyện với một viên phi công mà ông tưởng là sẽ điều khiển một chuyến bay sắp cất cánh. Nhưng sau khi anh ta vội vã đi khỏi thì ông mới nhận ra đó chính là Bob Loft. Những chuyện kỳ lạ xung quanh chuyến bay 401 nổi tiếng đến mức đã trở thành đề tài cho một cuốn sách ăn khách.