Rất nhiều chính khách, học giả trên thế giới không chỉ đánh giá cao những cách thức xử lý của Việt Nam cũng như lập trường kiên quyết của Việt Nam đối với các tranh chấp tại Biển Đông mà còn đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạ nhiệt tại Biển Đông.
Chủ tịch Nghị viện bang Zacatecas, Mexico, Nghị sỹ Alfredo Femat Bañuelo, đã bày tỏ ủng hộ và đánh giá cao lập trường hòa bình, cách thức xử lý vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông một cách kiên định và đúng mức của Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm vừa đảm bảo lợi ích chính đáng vừa góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực.
Trong Bản Nghị quyết gồm 4 điểm chính được đại diện của 7 đoàn nghị sỹ ký kết và gửi tới Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico, Nghị viện bang Zacatecas kêu gọi Trung Quốc và Việt Nam hết sức kiềm chế để không dẫn đến xung đột vũ trang và tìm kiếm giải pháp chính trị và đối thoại cho vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Theo văn kiện trên, Nghị viện bang Zacatecas cũng đề nghị Quốc hội liên bang thông qua Bộ Ngoại giao đề xuất với Liên Hợp Quốc (LHQ) can thiệp kịp thời và xem xét vấn đề trên một cách đa phương, đồng thời gửi thông điệp hòa bình tới Đại sứ quán các nước liên quan và mong rằng mọi tranh chấp được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.
“Những hành động của Trung Quốc mà gần đây nhất là hạ đặt giàn khoan lớn ngay trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã khiến Việt Nam và Philippines trở nên gần gũi hơn”. Đó là phát biểu của Tổng thống Philippines với với hãng tin Bloomberg của Mỹ. Theo ông Aquino, Việt Nam đang cân nhắc hành động pháp lý phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và điều này có thể hỗ trợ cho Philippines khi nước này đang thúc đẩy quá trình tố tụng, kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Theo ông, “dùng nó để giải quyết theo cách này hay cách khác còn tốt hơn nhiều tình trạng lấp lửng hiện tại”.
Tổng thống Benigno Aquino III cũng nói với Bloomberg: “Việt Nam là đối tác rất đáng tin cậy. Họ đã rất thẳng thắn về những khó khăn và dự định của họ. Họ (Việt Nam) đã thật sự giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Phía Việt Nam cũng đã giải thích cho chúng tôi quan điểm của họ và cách họ đối phó với Trung Quốc”.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Philippines giãi bày: Điều gì khiến Trung Quốc tăng cường yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, muốn thống trị vùng biển mà một số nước trong đó có Việt Nam và Philippines có chủ quyền, luôn là câu hỏi thường nhật đói với ông.
Cũng trong ngày 23/5, trong Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội, ông Aquino kêu gọi người dân Philippines đoàn kết đằng sau những nỗ lực của Chính phủ để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông Aquino nói rằng, Philippines đã thể hiện sự kiềm chế bằng cách rút tàu hải quân và thay thế bằng một tàu dân sự khi các tàu cá Trung Quốc tiến vào bãi cạn Scarborough. Philippines khẳng định bãi cạn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ theo quy định của luật pháp quốc tế.
Ông Aquino còn thông báo kế hoạch chi 75 tỷ peso (hơn 1,7 tỷ USD) để hiện đại hoá quân đội, mua sắm tàu khu trục, máy bay C-130, trực thăng chiến đấu, thiết bị thông tin liên lạc, súng cối, súng trường. "Đây không phải sự lựa chọn một cuộc chiến, không phải là hăm dọa, đây là sự đảm bảo hoà bình, là khả năng tự bảo vệ của chúng ta”, ông nói.
Cách đây đúng 1 năm, cũng trong Thông điệp liên bang, ông Aquino từng tuyên bố, Philippines sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ bằng cách mua sắm thêm nhiều vũ khí. "Chúng tôi không muốn gia tăng căng thẳng với bất cứ ai, nhưng chúng tôi phải để thế giới biết rằng, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ những gì là của mình”.
Chuyên gia về Biển Đông nổi tiếng của Philippines, Richard Heydarian thuộc trường Đại học Ateneo De Manila, nhận định: Tôi cho rằng nhiều người đã không ngờ Trung Quốc lại đưa ra hành động như vậy đối với Việt Nam bởi so với các nước láng giềng khác cũng có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines hay Nhật Bản, Việt Nam có cách giải quyết thận trọng hơn. Hơn nữa Việt Nam và Trung Quốc đã có hiệp định về phân định biên giới trên Vịnh Bắc Bộ. Thực tế, một số quan chức giấu tên của Trung Quốc đã thừa nhận đây không phải là quyết định kinh tế, thương mại của Trung Quốc mà thực chất hoàn toàn là quyết định mang tính chính trị.
Thời điểm Trung Quốc đưa ra quyết định này cũng rất đúng lúc, chỉ ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama có chuyến công du tới châu Á. Trong chuyến thăm của mình, đầu tiên Tổng thống Obama đã đưa ra đảm bảo về quân sự một cách chắc chắn đối với Nhật, trong đó có cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông (quần đảo Trung Quốc và Nhật đang tranh chấp - PV). Và sau đó Mỹ và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác mới, củng cố hợp tác về quân sự giữa hai nước.
Vì vậy bằng cách triển khai giàn khoan, Trung Quốc, một cách gián tiếp, đang thử xem Mỹ có thể đi xa đến đâu. Mỹ đã ký hiệp ước đồng minh với Nhật và Mỹ cũng mới ký một thỏa thuận mới với Philippines nên Trung Quốc đã đưa ra hành động trên với Việt Nam nhằm gửi tín hiệu tới Mỹ và các đồng minh.
Ngoài ra, hãy nhìn vào chính trị nội bộ của Trung Quốc. Hoạt động khủng bố ở Tân Cương, một loạt các vụ tấn công bằng dao, bom, là những điều khiến chính quyền Trung Quốc bị mất mặt. Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rất mạnh về vấn đề an ninh, rằng tình hình an ninh hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Bằng cách triển khai giàn khoan 1 tỷ USD vào khoảng 120 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi cho rằng Trung Quốc kéo được sự chú ý đáng kể ra khỏi những vấn đề nội bộ Trung Quốc. Vì vậy, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan không hề gây ngạc nhiên nếu nhìn từ góc độ chiến lược.
Nhưng động thái triển khai giàn khoan của Trung Quốc cũng gây bất ngờ khi nó đã hủy hoại những thỏa thuận mất nhiều nỗ lực, nhiều thập kỷ mới đạt được giữa Việt Nam và Trung Quốc. Làm vậy, thực tế Trung Quốc đã nói: Trung Quốc sẽ thực hiện tham vọng trên Biển Đông của mình bằng mọi giá.
Tôi cho rằng với sự hiếu chiến của mình, Trung Quốc giờ đây muốn thiết kế lại kiến trúc về an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như hình ảnh của chính mình. Trung Quốc đã nói: “Tôi không quan tâm, tôi sẽ vẫn bành trướng, bất chấp tất cả”.
Theo AP, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, ngày 23/5 cho hay từ lâu Mỹ đã theo đuổi các quan hệ liên minh ở châu Á và muốn tìm kiếm cơ hội để tăng cường quan hệ với Việt Nam cũng như với các quốc gia châu Á khác.
Bình luận trên được ông Locklear đưa ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á được tổ chức tại thủ đô Manila (Phillipines). Tại đây, ông đã tham gia cuộc thảo luận đánh giá về những hiểm họa an ninh trong khu vực này.
Ông Locklear phát biểu rằng ông quan ngại hơn 3 tuần nay về căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ông nói: "Điều làm nền tảng quan trọng nhất là một cam kết tuân thủ quy định của pháp luật, cam kết giải quyết tranh chấp qua các diễn đàn quốc tế. Bạn không thể có thái độ "kẻ thắng được tất cả" mà đòi hỏi phải có hòa giải, đối thoại. Người duy nhất có thể kiềm chế Trung Quốc là chính Trung Quốc".
Đô đốc Locklear cũng thúc giục các nước nhanh chóng cho ra đời Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC): "Một COC lẽ ra đã phải có cách đây vài năm. Hiện nay vẫn chưa có và hiện trạng thì đang thay đổi".
Trả lời câu hỏi “các quốc gia phải đối mặt với Trung Quốc trong những vùng biển tranh chấp, như Việt Nam, có thể tìm kiếm một liên minh an ninh sâu hơn với Washington?”, Đô đốc Locklear cho biết Washington đã gia cố các mối quan hệ như vậy và sẽ chào đón những quan hệ chiến lược với Việt Nam. "Chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội để mở rộng quan hệ đối tác của chúng tôi với các nước như Việt Nam", Đô đốc Locklear nói.
Ông Locklear cũng bảo vệ các nỗ lực của Mỹ về bảo đảm an ninh cho các đồng minh ở châu Á, bao gồm các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. "Những gì chúng tôi làm ở đây là nhằm giúp cho nền kinh tế của chúng tôi, cho nền kinh tế toàn cầu và tôi muốn nói điều này cũng giúp cho nền kinh tế Trung Quốc và các nước trong khu vực".
Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam thuộc Đuma Quốc gia Nga, Levchenko A. G. đánh giá về hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông như sau:
Hành động của Trung Quốc đã vi phạm một loạt các thỏa thuận quốc tế và song phương mà nước này đã ký. Dĩ nhiên chúng tôi không ủng hộ hành động này và cho rằng mọi xung đột, nhất là những gì liên quan đến lịch sử cần phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán chứ không phải dùng vũ lực. Cá nhân tôi cho rằng việc đảm bảo an ninh năng lượng của từng quốc gia là quan trọng, song không phải vì thế mà gây xung đột với quốc gia khác, làm căng thẳng tình hình và xa hơn nữa là khiến người dân phải chịu thiệt hại.
Hành động của Trung Quốc vi phạm một loạt thỏa thuận quốc tế và song phương, cả những gì được ghi nhận bằng văn bản lẫn thỏa thuận miệng. Chúng tôi ủng hộ và mong muốn tất cả các nước liên quan có thể đi đến một giải pháp chính thức nào đó để phân chia rõ ràng chủ quyền của từng nước ở Biển Đông. Tuy nhiên, đáng tiếc là tình hình hiện nay lại có vẻ đi theo một chiều hướng khác. Tôi muốn lưu ý rằng bất cứ quốc gia nào toan tính sử dụng vũ lực đều phải ý thức được một hành động đáp trả tương xứng, nếu không trực diện thì cũng ở một phương diện khác. Hành động hiện nay của Trung Quốc chỉ làm tình hình căng thẳng hơn chứ không đưa đến một giải pháp nào.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng nếu xuất phát từ thực tiễn và khả năng của tất cả các bên liên quan thì có vài phương án có thể xảy ra. Thứ nhất, nếu căng thẳng bị đẩy lên quá mức thì lãnh đạo tất cả các nước liên quan sẽ phải thể hiện ý chí chính trị để chấm dứt leo thang xung đột. Tuy nhiên đây là vấn đề lý thuyết vì không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể làm được như vậy. Vì vậy, trong khi tình hình còn đang trong tầm kiểm soát thì tất cả các cấp chính quyền của Việt Nam cần phối hợp với người dân tìm ra sáng kiến xử lý vấn đề.
Nhóm nghị sỹ hữu nghị chúng tôi nói riêng và Đuma quốc gia nói chung sẵn sàng đóng vai trò tư vấn cho các bên nếu được yêu cầu. Nga và Việt Nam có truyền thống hữu nghị lâu đời và gắn kết với nhau tương đối chặt chẽ, vì vậy chúng tôi hết sức lo ngại trước tình hình hiện nay. Tóm lại, theo tôi, chúng ta cần sử dụng tất cả các kênh có thể để tác động tích cực lên tình hình.
Về vai trò như thế nào trong cuộc khủng hoảng ở Biển Đông hiện nay, ông Levchenko A. G. nói: Chúng tôi hiểu giữa Nga và Việt Nam có quan hệ hữu nghị lâu đời và truyền thống tương thân tương ái. Song trong bối cảnh hiện nay Nga bị rơi vào tình thế khó khăn, bởi nếu Nga lên tiếng thiên về bất cứ bên nào thì cũng khiến bên kia không hài lòng và chỉ góp phần đẩy xung đột lên cao. Vì vậy, chúng tôi chưa nhìn thấy giải pháp ở đây mà cho rằng lối thoát nằm ở chỗ khác. Lối thoát là các bên ngồi vào bàn đàm phán và Nga tham gia với tư cách quan sát viên hoặc trung gian đối thoại. Tôi nghĩ rằng không chỉ Nga mà tất cả các nước đều không thể khoanh tay đứng nhìn nếu lợi ích hợp pháp của một nước nào đó bị xâm phạm, nếu mạng sống người dân bị đe dọa.
Đánh giá những diễn biến gần đây trong ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam nói: Nhìn vào tuyên bố mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN (ở Myanmar trong tháng này), mặc dù họ không nêu cụ thể tên Trung Quốc trong lên án tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhưng so với những gì diễn ra 2 năm trước, khi Campuchia là chủ tịch ASEAN, thì đã có sự khác biệt vô cùng lớn.
Và nếu cũng nhìn vào tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó, cũng rất đáng chú ý. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, mà chỉ là vấn đề song phương. Theo tôi, Trung Quốc dường như nhận ra rằng họ đang bị cô lập trong khu vực.
Ngày càng nhiều các thành viên nòng cốt của ASEAN, như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan (dĩ nhiên Thái Lan hiện đang gặp khủng hoảng chính trị) nhận thấy tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lợi ích của cả khu vực. Và khi ASEAN hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 thì sự ổn định cơ bản của khu vực không thể thiếu. Bất kỳ đối đầu, xung đột nào trong khu vực cũng ảnh hưởng đến sự hội nhập kinh tế của khu vực.
Tôi cho rằng Trung Quốc ngay bây giờ đã cảm thấy được “sức nóng”. Các thành viên nòng cốt của ASEAN đang có những động thái quyết liệt hơn với Trung Quốc. Theo cách này, tôi cho rằng, Trung Quốc đã bị lùi một bước. Cảnh sát biển Việt Nam đã chụp được ảnh, quay được video cho thấy tàu Trung Quốc đâm vào tàu của họ. Tôi cũng cho rằng đây cũng là một sự mất mặt với Trung Quốc. Rồi Indonesia cũng lên tiếng phủ nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc. Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta đã nhìn thấy sự đoàn kết mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ hơn trong khối ASEAN.
Trước đây, Trung Quốc nghĩ có thể thực hiện chiến lược “chia để trị”. Nhưng giờ đây đã bắt đầu có nhiều nước cùng ngồi với nhau, phối hợp quan điểm của họ để đối phó với Trung Quốc. Đây lại là một bước lùi nữa của Trung Quốc.
Những tháng tới là những tháng vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ chờ đợi xem Việt Nam và Philippines hợp tác như thế nào, phối hợp với các nước khác trong ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia như thế nào. Tất nhiên điều quan trọng là các nước ASEAN phải tập trung vào COC, quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông.
Về cơ sở pháp lý khi kiện Trung Quốc, Nghị sĩ Levchenko A. G. nhận định: Tôi tin là Việt Nam hiện đang suy xét đến việc kiện Trung Quốc giống như Philippines. Nơi Trung Quốc đặt giàn khoan không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại lập luận rằng vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Trung Quốc trước đây đã chiếm của Việt Nam. Nếu nhìn vào vụ kiện của Philippines, thì chiến lược cơ bản là Philippines khẳng định Trung Quốc không thể đưa ra lập luận như vậy được. Trung Quốc chỉ có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế trong 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này, chứ không phải từ hòn đảo giữa biển mà nước này đã chiếm. Vì vậy Việt Nam có thể kiện Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình. |
Tôi cho rằng cách Philippines kiện Trung Quốc rất khôn ngoan. Philippines không kiện “ai sở hữu cái gì” mà kiện Trung Quốc đã vi phạm Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam nên kiện Trung Quốc theo hướng này, kiện cơ sở Trung Quốc đưa ra “đường lưỡi bò” của mình có hợp pháp hay không. Tất nhiên Trung Quốc sẽ tìm cách phá hoại vụ kiện. Khi đối mặt với một mình Philippines, Trung Quốc có thể xem thường. Nhưng nếu Việt Nam, hay Nhật Bản hoặc nước nào khác cũng có động thái tương tự thì Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự hợp lực của các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
Năm 2006, Trung Quốc đã nói rõ là nước này không chấp nhận vụ kiện nào lên các cơ quan LHQ trong các vấn đề lãnh thổ. Trung Quốc đã dùng cách không công nhận vụ kiện và có thể sẽ không tuân thủ theo phán quyết. Nhưng đây là “cuộc tập trận” ngoại giao. Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc sẽ bị đặt trong tình thế bất lợi hơn. Như thế là đã có một cơ quan có tiếng nói trung lập, với những chuyên gia giỏi nhất thế giới, công khai khẳng định học thuyết đường 9 đoạn của Trung Quốc chỉ là tuyên truyền của Trung Quốc, là vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc nói rằng chúng tôi phát triển hòa bình, nhưng thực tế họ đã đi ngược lại những tuyên bố của mình. Khởi kiện Trung Quốc là nhằm hỗ trợ, tăng cường thêm áp lực với Trung Quốc. Và tôi cho rằng cần phải dùng mọi biện pháp pháp lý để tăng cường áp lực này.
Về diễn biến tiếp theo trong vụ giàn khoan Hải Dương 981, chính khách Nga nhận định: Trong tuyên bố đặt giàn khoan của mình, Trung Quốc cấm tàu thuyền quanh khu vực giàn khoan tới ngày 15/8 tới. Nhưng nếu tới ngày đó, Trung Quốc vẫn không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, có thể nghĩ tới lựa chọn biện pháp mạnh. Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc không muốn điều đó.
Trong thời gian từ nay đến đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải tính toán họ bị thiệt hại những gì trong vụ này. Vì vậy, trong thời gian đó, Việt Nam cần phải liên tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có thể lùi bước nếu họ cảm thấy “sức nóng”. Với một mình Việt Nam có thể Trung Quốc cảm thấy dễ dàng đối phó, nhưng khi Việt Nam, ASEAN, trong đó có Philippines và có thể là Nhật Bản hiệp lực, thì mọi chuyện sẽ khác.
Xem thêm: [Video] Các bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nguồn: VOV/Bộ Ngoại giao.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA