"Mô tả công việc" đã thay đổi về bản chất
Hãng tin Mỹ AP phân tích, việc ông Chuck Hagel nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng, theo một cách nào đó, là một nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đưa một người ít có khả năng sẽ dấn sâu vào cuộc chiến về chính sách với bộ máy của ông Obama, hơn là các cựu Bộ trưởng Gates hay Panetta, lên làm người đứng đầu.
Trong khi đó, hãng tin Anh BBC nhận định, "mô tả công việc" của Hagel đã thay đổi về mặt bản chất.
Cụ thể, truyền thông phương Tây và nhiều chuyên gia đồng quan điểm rằng, ông Hagel được bầu làm Bộ trưởng Quốc phòng với mục đích đưa quân đội đang tham chiến tại nước ngoài trở về quê hương và cắt giảm ngân sách quốc phòng khổng lồ.
Nhưng sau đó, nhà nước Hồi giáo IS trỗi dậy, tất cả các tính toán cũng thay đổi, ông Obama và Bộ trưởng Quốc phòng của mình đều cảm thấy họ không thể hoà hợp.
Đặc biệt là sau khi đảng Dân chủ bị đánh bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ, Tổng thống cần một chiến thắng về mặt quân sự. Vì thế, thay đổi vị trí cấp cao là một biểu tượng quan trọng cho quyết tâm đó.
BBC nhận định, không sai nếu nói ông Hagel từ chức, song cũng đúng khi cho rằng, ông đã bị sa thải.
Một nguồn tin giấu tên của Nhà Trắng tiết lộ trên tờ New York Times: "Hai năm tiếp theo sẽ đòi hỏi sự tập trung vào hướng khác".
Việc Hagel rời nhiệm sở có thể là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng đã sẵn sàng thực hiện chính sách đối ngoại hiếu chiến hơn, còn chính quyền của Tổng thống Obama cũng sẵn sàng tiếp thu chỉ trích về những sai lầm trong cách xử lý các sự việc gần đây.
2 nhiệm kỳ, 4 đời Bộ trưởng: Lỗi tại ai?
Ông Chuck Hagel là nhân vật cấp cao đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Obama sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 4/11.
Một vài chuyên gia về chính sách ngoại giao đã mỉa mai rằng, thật là nực cười khi Nhà Trắng loại bỏ một người Bộ trưởng Quốc phòng đã hoàn thành được phần lớn vai trò mà Tổng thống dường như muốn tìm kiếm.
"Nhà Trắng chọn ông ấy bởi họ muốn một người mà họ có thể kiểm soát và sẽ là một người không có phẩm chất chính trị nào nổi trội, và họ có người như vậy", Rosa Brook, một quan chức làm việc tại Lầu Năm Góc trong nhiệm kì đầu tiên của Tổng thống Obama nói.
"Có vẻ không công bằng khi buộc ông ấy trở thành người phải ra đi vì thất bại trong chính sách của Nhà Trắng".
Nghị sĩ Buck McKeon, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ thì cho rằng, ông Obama cần phải xem xét lại vai trò của mình trong các mâu thuẫn về chính sách đối ngoại của chính quyền, hơn là tìm kiếm một sự thay đổi khác ở Lầu Năm Góc.
Chuck Hagel là Bộ trưởng thứ 3 từ chức kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, sau Robert Gates và Leon Panetta. Sự ra đi này của ông Hagel đã khiến ông Obama trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên, sau cố Tổng thống Harry Truman (nhiệm kỳ từ 1945 - 1953), có 4 đời Bộ trưởng Quốc phòng.
"Khi Tổng thống đã trải qua 3 đời Bộ trưởng Quốc phòng, ông ấy nên hỏi "Tại họ hay tại mình?", ông McKeon bình luận.
Sau khi rời khỏi chính quyền của ông Obama, cả 2 Robert Gates và Leon Panetta đều công khai chê trách Nhà Trắng về vấn đề quản lý vi mô và sự can thiệp về chính trị trong những quyết định về chính sách.
Bản thân ông Hagel không phải không có những sự thất vọng về Nhà Trắng.
Theo AP, ông Hagel đã từng gửi thư cho Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice nói rằng, ông Obama cần phải có một cái nhìn rõ ràng hơn về cách tiếp cận của chính quyền đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Bức thư này sau đó đã khiến nhiều quan chức Nhà Trắng giận dữ.
Ông này cũng từng gay gắt chỉ trích chiến lược của Mỹ đối với IS. Ông từng đề cập tới khả năng quân đội Mỹ sẽ viện trợ bộ binh tới Iraq hoặc Syria nhằm tiêu diệt IS, song Tổng thống Obama vẫn liên tục bác bỏ khả năng này.
Những bất đồng quan điểm của Hagel với các cố vấn quân sự của Tổng thống đã gay gắt tới mức, thậm chí ông gọi điện trực tiếp cho ông Obama để bày tỏ quan điểm của mình, chứ không phát biểu trong một số cuộc họp, vì cho rằng ý kiến của mình không được tôn trọng.