Tuy nhiên, trong bản công bố của Hội nghị đảng này đã không hề đả động tới vụ việc của ông Chu.
Trước đó, hãng thông tấn của người Hoa Tân Đường Nhân dẫn nguồn báo chí Trung Quốc, tiết lộ nguyên nhân cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai chưa bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, Chu Vĩnh Khang không có được những điều kiện thoát án tử giống như Bạc Hy Lai, và nhiều khả năng khó tránh bản án tối cao.
Tuần san Kinh tế Trung Quốc đã đưa tin tổng hợp về các quan chức tham nhũng từng bị xét xử tại nước này, bài viết được website Cảnh sát Trung Quốc thuộc Bộ công an nước này đăng tải lại hôm 22/10 vừa qua.
Theo đó, Bạc Hy Lai đã nhận hối lộ với số tiền cực lớn. Bài viết dẫn lời Viện trưởng Học viện Luật thuộc Viện nghiên cứu pháp luật khoa học hình sự của Đại học sư phạm Bắc Kinh Triệu Bỉnh Chí, lý giải nguyên nhân ông Bạc không bị tuyên án tử hình. Theo ông Triệu, nhiều quan chức tham nhũng của Trung Quốc không bị tuyên án tử hình, chủ yếu do thái độ tốt khi nhận tội đã trở thành tình tiết giảm nhẹ khi quyết định khung hình phạt.
Triệu Bỉnh Chí phân tích rằng, tử hình hoặc “tử hình chậm” ở Trung Quốc thường được áp dụng với những phần tử phạm tội tham nhũng “với số tiền cực lớn”, đồng thời “tình tiết đặc biệt nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, án phạt tù chung thân sẽ được dành cho tội phạm tham nhũng số tiền cực lớn, nhưng chưa tới mức có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng.
Bài viết trên chỉ ra số liệu cho thấy, những quan chức tham nhũng với “số tiền cực lớn” là Bạc Hy Lai – nhận hối lộ 20,44 triệu tệ, Lưu Chí Quân – 64 triệu tệ và Trịnh Tiểu Du – 6,49 triệu tệ đã bị tuyên án lần lượt là tù chung thân, tử hình hoãn thi hành án và tử hình.
Tuần san Kinh tế chỉ ra, Bạc Hy Lai bên cạnh việc nhận hối lộ số tiền cực lớn thì các tình tiết khác là “bình thường”; cựu Bộ trưởng đường sắt Lưu Chí Quân có tình tiết giảm nhẹ như thành thực khai báo tội phạm, phối hợp cơ quan điều tra thu hồi tiền tham ô, thái độ nhận tội tốt. Còn cựu Cục trưởng Cục giám sát thực phẩm dược phẩm quốc gia Trịnh Tiểu Du mặc dù cũng khai nhận một phần hành vi phạm tội và hoàn trả tiền nhận hối lộ, tuy nhiên tình tiết trên không đủ giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của hành vi thiếu trách nhiệm, gây nguy hại đến an toàn sinh mạng của người dân, khiến ông này buộc phải nhận bản án tử hình.
Mặc dù vậy, Tân Đường Nhân cho hay, nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng ông Bạc Hy Lai không bị tuyên án tử hình phần nhiều là do Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn còn nể tình đối với nhân vật “hồng nhị đại” - người cũng là con của một vị lão thành cách mạng này. Thực chất, số tiền tham ô được công khai của Bạc Hy Lai chỉ là “phần nổi của tảng băng”, ông Bạc còn bị cáo buộc bởi các tội danh nặng nề hơn như âm mưu đảo chính và thông đồng phạm pháp với doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Bạc Hy Lai được cho là thoát án tử chỉ vì Chủ tịch Tập Cận Bình còn nể tình đồng liêu.
Tử hình sẽ là cái kết của Chu Vĩnh Khang?
Nhà bình luận thời sự nổi tiếng người Hoa Đường Tịnh Viễn phân tích, mặc dù bài viết của Tuần san Kinh tế Trung Quốc đưa ra nhiều vụ án tham nhũng, nhưng không hề đả động tới vụ Chu Vĩnh Khang.
Theo ông Đường, việc bài báo được đăng tải trong thời gian Bắc Kinh tổ chức Hội nghị toàn đảng có thể coi là một tín hiệu giúp người dân thông qua các vụ án tiền lệ để dự đoán được kết cục dành cho ông Chu Vĩnh Khang.
“Căn cứ vào các thông tin mà báo chí Trung Quốc đăng tải thấy được Chu Vĩnh Khang tham ô với số tiền cực lớn, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, cộng thêm tính chất nguy hại và phạm vi ảnh hưởng sâu rộng. Bên cạnh đó, ông Chu còn vướng vào nghi vấn sát hại vợ cũ, có quan hệ với xã hội đen, trụy lạc và thậm chí là thông đồng với Bạc Hy Lai. Xét trên mọi góc độ thì mức độ nghiêm trọng trong hành vi phạm tội của Chu Vĩnh Khang đều vượt xa so với vụ Bạc Hy Lai” – nhà phân tích Đường Tịnh Viễn nói.
Mọi tình tiết trong hành vi phạm tội của "hổ béo" Chu Vĩnh Khang được cho là vượt xa so với mức độ nghiêm trọng của vụ Bạc Hy Lai. Ảnh: Flickr.
Trang Caixin của Trung Quốc tiết lộ, riêng số người có liên can đến việc tham nhũng của ông Chu đã là hơn 30 người, liên can tới các đơn vị doanh nghiệp tới gần 100 người.
Trong những bài báo gần đây về số tài sản của gia tộc ông Chu Vĩnh Khang, truyền thông Trung Quốc cho biết chính quyền nước này đã tịch thu số tài sản có giá trị ít nhất 90 tỉ NDT (khoảng 31.000 tỉ VNĐ); đóng băng hàng loạt tài khoản ngân hàng của gia đình Chu Vĩnh Khang và các bên liên quan, với số tiền trong các tài khoản lên tới 37 tỉ NDT; điều tra bộ phận bất động sản của ông Chu tại Bắc Kinh, Thượng Hải cùng 5 tỉnh khác còn phát hiện lượng trái phiếu trong và ngoài nước có trị giá 51 tỉ NDT.
Bên cạnh đó, các nhà điều tra còn tịch thu hơn 300 bất động sản có giá trị 1,7 tỉ NDT, một số đồ cổ và tranh có giá 1 tỉ NDT. Các tài sản khác bị tịch thu gồm: hơn 60 xe hơi, rượu quý, vàng bạc và tiền mặt.
Nhà bình luận Đường Tịnh Viễn cho hay, tội ác thực sự của Chu Vĩnh Khang chính là âm mưu đảo chính, đồng thời huy động lực lượng vũ trang quốc gia gây nguy hại tới dân sinh. Tuy nhiên ông Đường cho hay, chỉ tính riêng các các tội danh về kinh tế cũng đã đủ để khép Chu Vĩnh Khang vào án tử.
Hôm 12/9, hãng tin Reuters cũng tiết lộ thông tin, Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã tiến hành điều tra nghi án Chu Vĩnh Khang ngụy tạo tai nạn ô tô nhằm sát hại vợ cũ là bà Vương Thục Hoa. Giới quan sát nhận định, động thái điều tra ông Chu đối với cáo buộc giết người, cũng là một tín hiệu cho thấy điều gì đang chờ đợi ông này ở tòa án.