Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 11/5 đưa tin, theo kế hoạch, cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang sẽ được xét xử vào cuối tháng 4, nhưng phải hoãn lại do nhà chức trách chưa hoàn thiện tài liệu cho quá trình tố tụng.
Nguyên nhân cụ thể việc hoãn xét xử không được nêu rõ, nhưng SCMP nhắc tới giả thuyết rằng ông Chu đã bất ngờ lật lại toàn bộ khẩu cung.
"Nếu Chu Vĩnh Khang nhận thấy tòa án có khả năng tuyên tử hình, có thể ông ta sẽ phản cung nhằm kéo những quan chức 'từng chống lưng và tưởng rằng có thể thoát được nhờ vụ phán quyết này' phải 'xuống' cùng mình" - SCMP cho hay.
Cũng theo SCMP, hai con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Tân và Chu Hàm đã bị nhà chức trách bắt giữ.
Chu Vĩnh Khang có cơ phản cung thành công?
Học giả chính trị Trung-Mỹ Ngưu Bạch Vũ đăng tải bài phân tích trên tờ Oriental Daily (Hồng Kông) cho rằng, hiện tại chưa thể nói rằng thông tin của SCMP có đáng tin cậy hay không, nhưng bọn họ đã "bỏ qua 1 tiền đề quan trọng và giả thiết một tiền đề quan trọng khác".
Theo ông Ngưu, tiền đề "được giả thiết" chính là khả năng Chu Vĩnh Khang bị tuyên án tử hình. Học giả này cho biết, khả năng Chu bị tuyên án tử lập tức thi hành thực ra không lớn, mà tới 80% khả năng ông Chu sẽ bị tuyên "tử hình chậm".
Ông Ngưu Bạch Vũ nhấn mạnh, tiền đề đã bị truyền thông quốc tế bỏ qua chính là thực tế tại Trung Quốc, những bản "tự bạch" nhận tội của quan chức trong thời gian bị Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI) điều tra thường được sử dụng làm bằng chứng trên tòa.
Ông Ngưu cho biết, theo thông lệ, các vụ đại án xử "hổ lớn" tại Trung Quốc thường được nhà chức trách chuẩn bị tài liệu hết sức tỉ mỉ theo lộ trình và kế hoạch.
"Đa phần các quan đều đã nhận tội từ... trước khi bước ra vành móng ngựa. Điều quan trọng là, bọn họ đã đạt được thỏa thuận để nhận tội với nhà chức trách, cho nên có phản cung trên tòa cũng vô ích" - chuyên gia Ngưu Bạch Vũ nhận xét.
Trong vụ xét xử cựu Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai, ông Bạc từng "thử" phản cung trước tòa và phhủ nhận toàn bộ nội dung khởi tố, nhưng thực tế quá trình xét xử và định tội ông này không hề bị động thái trên gây ảnh hưởng.
Cuối cùng, Bạc Hy Lai vẫn bị khởi tố với các tội danh như cáo buộc và bị tuyên án tù chung thân.
Bạc Hy Lai từng phủ nhận các cáo buộc trong phiên xét xử hồi năm 2013, nhưng cuối cùng ông này vẫn bị tuyên án chung thân. Ảnh: Reuters.
Học giả Ngưu Bạch Vũ phân tích, bên cạnh nguyên nhân khách quan như trên, bản thân Chu Vĩnh Khang - vốn là cựu lãnh đạo ngành an ninh Trung Quốc - cũng hiểu rõ hình thức xử lý mà Bắc Kinh áp dụng với ông sẽ không giống với Bạc Hy Lai.
Trong vụ ông Bạc, mọi sản nghiệp và hoạt động kinh doanh của gia tộc ông này đều được cơ quan chức năng điều tra, phân chia và xử lý "gộp" trong một vụ.
Tuy nhiên, đối với Chu Vĩnh Khang, hiện tại mọi thành viên trong gia tộc ông này từ vợ, con, cháu, anh em... cho tới cấp dưới, thư ký... đều bị liên đới, cho thấy vụ ông Chu sẽ buộc phải chia thành nhiều vụ án khác nhau để xét xử.
Theo Ngưu Bạch Vũ, việc chia tách thành các vụ án đơn lẻ này khiến mỗi thành viên trong gia tộc Chu Vĩnh Khang đều có nguy cơ bị tuyên án nặng với một tội danh nghiêm trọng.
Vì vậy, ông Chu cần phải tính toán kỹ lưỡng về việc có nên phản cung hay không. Bởi nếu ông này "trở mặt" nghĩa là cánh cửa đạt được thỏa thuận nhận tội với nhà chức trách cũng hẹp đi rất nhiều.
"Chu Vĩnh Khang phải xét tới tình trạng của thân nhân và gia tộc mình, ông ta sẽ không dám liều lĩnh như Bạc Hy Lai - người có con trai đã 'yên vị' tại Mỹ. Do đó, khả năng phản cung của Chu không lớn" - Ngưu Bạch Vũ cho biết.
Bài viết của ông Ngưu nhận định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào Chu Vĩnh Khang cũng không thoát được quá trình xét xử. Không chỉ khả năng phản cung thành công nhỏ, mà cho dù ông này "lật kèo" thành công thì cũng không có tác dụng gì, giống như vụ Bạc Hy Lai.
Theo "Luật tố tụng hình sự" hiện hành của Trung Quốc, tòa án phải đưa ra phán quyết trong vòng 2 tháng sau khi thụ lý hồ sơ khởi tố và chậm nhất không quá 3 tháng.
Đối với vụ án có khả năng tuyên tử hình cần phải có sự phê chuẩn của tòa án cấp 1 để có thể gia hạn 3 tháng. Nếu có tình huống đặc biệt tiếp tục cần gia hạn thì phải được sự phê chuẩn từ Tòa án tối cao.
Ông Ngưu nhận xét khả năng vụ Chu Vĩnh Khang bị trì hoãn xét xử tới sau 2 tháng là điều khó xảy ra và cho biết, khả năng lớn nhất là ông Chu sẽ bị đưa ra xét xử ngay trong tháng 5 này.
Tờ Epochtimes (Mỹ) dẫn lời nhà quan sát thời sự Trang Phong cho hay, vụ án Chu Vĩnh Khang bị hoãn xét xử hoàn toàn không đáng ngạc nhiên.
"Việc ông Chu có phản cung hay không thì không thể xác định, nhưng sau khi chủ tịch Tập Cận Bình trở về Trung Quốc ngày 12/5 và nếu chuyến công du Mỹ của Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn đạt kết quả tốt thì chắc chắn Chu Vĩnh Khang sẽ bị xét xử theo đúng kế hoạch."
>> Trung Quốc đứng đâu trong thế chân vạc Nga-Trung-Mỹ