Hãng tin Tân Đường Nhân (Mỹ) tiết lộ, trong nhiều năm trở lại đây, cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã "gài cắm" tay chân trong nhiều hệ thống, ban ngành ở nước này. Ông Chu đã "hao tâm tốn sức" để gây dựng nên một "băng đảng" vững chắc.
Cũng nhờ xây dựng được một hệ thống "vệ tinh" quanh mình như vậy, Chu Vĩnh Khang mới dám có nhiều hành động "to gan", bao gồm việc "tổ chức hoạt động chính trị phi pháp" với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
"Điều cấm kỵ" của Đặng Tiểu Bình
Theo Tân Đường Nhân, lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố bản thân "chưa từng lập hội nhóm".
Theo đó, trong bản tóm tắt nội dung thảo luận giữa ông Đặng và hai lãnh đạo Trung Quốc tháng 5/1989 có tiêu đề "Xây dựng tập thể lãnh đạo có hy vọng thực hiện cải cách", Đặng Tiểu Bình thừa nhận - "Tôi không phải là người hoàn hảo. Tôi cũng từng phạm nhiều sai lầm.
Tuy nhiên, tôi chưa từng dính líu vào việc lập hội nhóm. Khi được điều chuyển công tác trong quá khứ, tôi chỉ đi một mình, cho dù là nhân viên hậu cần cũng không đưa theo.
'Hội kín' là vấn đề rất nguy hại! Nhiều sai lầm đều xuất phát chính từ đây". Đặng Tiểu Bình cũng gọi những phát biểu này là "bản báo cáo chính trị" của mình.
"Điều đại kỵ" của Đặng Tiểu Bình không ngăn được Chu Vĩnh Khang bành trướng "thế lực nhóm" của mình.
Chu Vĩnh Khang "coi trời bằng vung"
Trong khi đó, Chu Vĩnh Khang không chỉ cho phép thư ký riêng của mình điều chuyển qua nhiều chức vụ, mà còn lạm dụng quyền lực để đưa "nhân sự riêng" vào các cơ quan nhà nước của Trung Quốc.
Tân Đường Nhân bình luận, quy củ trong đảng Cộng sản Trung Quốc mà ông Đặng Tiểu Bình "không dám động vào" đã bị ông Chu phá vỡ không ngần ngại.
Tân Kinh báo (Trung Quốc) tiết lộ, khi Chu Vĩnh Khang thăng chức từ Bộ trưởng Bộ tài nguyên lên làm Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, 2 thân tín của ông này từ Bộ tài nguyên là Quách Vĩnh Tường và Ký Văn Lâm cũng tham gia nghi thức bàn giao.
Rất nhiều người có mặt tại tòa nhà Tỉnh ủy đều tưởng rằng Quách và Ký "chỉ đi theo bàn giao công tác rồi trở về", nhưng không ngờ 2 ông này... cũng ở lại Tứ Xuyên cùng ông Chu.
Tân Kinh cho hay, căn cứ theo quy định của Trung ương đảng Trung Quốc khi đó, quan chức điều chuyển công tác không được phép đưa theo thư ký riêng.
Sau khi Chu "ngã ngựa" hôm 29/7/2014, Quách và Ký cũng được báo chí Trung Quốc vạch trần là "thành viên cốt cán" trong băng đảng Chu Vĩnh Khang thâu tóm quyền lực tại các doanh nghiệp.
Tân Đường Nhân cũng cho hay, trong ngành dầu khí, Chu Vĩnh Khang có tới gần chục thư ký, cấp dưới cũ được đề bạt vào các chức vụ cao ở tỉnh, trở thành tay chân đắc lực trong bộ máy tham nhũng của ông Chu.
Những cái tên có thể kể đến là Chủ nhiệm Ủy ban tài nguyên quốc gia Tưởng Khiết Mẫn, Tổng giám đốc mỏ dầu Đại Khánh Vương Vĩnh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty năng lượng Côn Luân Lý Hoa Lâm... đều là thành viên "bang dầu khí" của Chu Vĩnh Khang.
Sau khi Đại hội đảng Trung Quốc khóa XVIII (2012) kết thúc không lâu, chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của chủ tịch Tập Cận Bình đã "nổ súng" vào "hổ béo" Lý Xuân Thành - cựu phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên.
Sau Lý, lần lượt nhiều "hổ lớn" bị Bắc Kinh xử lý. Đến nay, nhân vật "cộm cán" nhất bị "ngã ngựa" chính là ông Chu Vĩnh Khang.