Chống tham nhũng kiểu Ukraine

Không phải tự nhiên mà chống tham nhũng trở thành một điều kiện để các đồng minh phương Tây hỗ trợ phục hồi kinh tế ở Ukraine.

Ngày 25-3 vừa qua, khán giả xem chương trình truyền hình trực tiếp cuộc họp hội đồng bộ trưởng Ukraine tại Kiev không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh sát mặc áo chống đạn dày cộm còng tay thủ trưởng Cục Tình huống khẩn cấp Sergiy Bochkovsky và cấp phó Vasyl Stoyetsky.

Hai ông này mặc quân phục, trên ngực gắn nhiều huân chương, tỏ ra ngoan ngoãn, không chút kháng cự. Ngồi hàng ghế đầu hội trường, 2 ông được ống kính truyền hình đặc tả trước đó nhiều lần.

Sức ép phương Tây

Theo tờ The New York Times, vụ bắt bớ được truyền hình trực tiếp này là một kịch bản dàn dựng tỉ mỉ nhằm phát động một chiến dịch chống tham nhũng mới. Nói mới là vì những chiến dịch trước... xìu xìu ểnh ểnh, không gây ấn tượng mạnh.

Đang chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk dõng dạc tuyên bố: “Đây là một lời cảnh cáo đối với các viên chức nhà nước lạm dụng quyền lực hoặc tham ô tài sản quốc gia”.

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết 2 quan chức nêu trên sẽ bị truy tố về tội lạm dụng chức quyền và biển thủ công quỹ.

Đại biểu quốc hội Anton Gerashchenko - một thành viên của ủy ban giám sát các bộ, trong đó có Bộ Nội vụ - xác nhận theo kết quả điều tra ròng rã 6 tháng, có đến 20% trên tổng số tiền mà Cục Tình huống khẩn cấp mua nhiên liệu của các công ty tư nhân để cung cấp cho xe cộ chính phủ được chuyển vào tài khoản cá nhân của 2 sếp ở các ngân hàng trên đảo quốc Cyprus và đảo Jersey - Vương quốc Anh.

Đây là tiền hoa hồng và kê giá trên mỗi hóa đơn.

Ông Sergiy Bochkovsky (trái) bị còng tay giữa cuộc họp hội đồng bộ trưởng Ukraine 
Nguồn: Reuters
Ông Sergiy Bochkovsky (trái) bị còng tay giữa cuộc họp hội đồng bộ trưởng Ukraine Nguồn: Reuters

Đáng chú ý là theo bình luận của đài BBC, Thủ tướng Yatsenyuk đang gánh chịu sức ép nặng nề của các nhà lãnh đạo phương Tây.

Họ muốn ông bảo đảm nguồn tài chính chính phủ không bị sứt mẻ một xu bởi từ năm giành độc lập 1991, “dịch” tham nhũng ở cấp cao đã càn quét Ukraine rất nghiêm trọng.

Hiện nó chưa có dấu hiệu chững lại dù chính phủ nào lên nắm quyền - từ Tổng thống Viktor Yanukovych (2010-2014) thân Nga đến chính quyền hiện tại thân phương Tây của Tổng thống Poroshenko - cũng tuyên bố chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu.

Khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hứa cho vay 17,8 tỉ USD và các nước phương Tây đồng ý cho vay 40 tỉ USD kéo dài trong 4 năm hồi tháng 2 vừa qua, IMF và các nhà lãnh đạo phương Tây không ngừng gây sức ép lên Thủ tướng Yatsenyuk và Tổng thống Poroshenko trong việc chống tham nhũng.

Trong cuộc họp chuyên đề tái thiết Ukraine ở Vienna - Áo vào tháng 2, cựu bộ trưởng tài chính Đức Peer Steinbrück nói thẳng:

“Chính quyền Kiev cần phải thúc đẩy nhanh tiến trình minh bạch và điều hành có hiệu quả bởi các nhà tài trợ muốn bảo đảm rằng tiền của họ được sử dụng đúng mục đích”.

Bài học của chính phủ Yanukovych - bị nhân dân biểu tình lật đổ chủ yếu vì quá bất mãn với nạn tham nhũng ở mọi cấp - vẫn còn đó.

Không dễ xóa tham nhũng

xưa nay chậm như rùa và hầu như không có hiệu quả, nhiều cựu quan chức tội lỗi rành rành nhưng chưa được xét xử nghiêm minh, được cho là do nhiều nguyên nhân.

Theo The New York Times, nguyên nhân chủ yếu là do chính phủ mới của ông Poroshenko phải chiến đấu trên nhiều mặt trận: Đối phó với Nga, giành lại Crimea đã được sáp nhập Liên bang Nga, chống lại lực lượng đòi ly khai ở khu vực miền Đông bao gồm Donesk và Luhanks.

Nền kinh tế suy sụp nhanh chóng và đất nước có nguy cơ phá sản nếu không được các nước phương Tây giúp đỡ cũng làm ông Poroshenko mất ăn mất ngủ.

Một nguyên nhân khác cũng được báo chí phương Tây phân tích rất nhiều: Cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa 4 nhà tài phiệt là “vua nông sản” Petro Poroshenko (đương kim tổng thống), “vua dầu lửa” Igor Kolomoiski, “vua thép” Rinat Akhmetov và “vua khí đốt” Dmitro Firtash - người đang bị giam lỏng tại Áo vì tội tham nhũng, theo yêu cầu của FBI (Cảnh sát Liên bang Mỹ).

Nêu ra những nguyên nhân kể trên, thật ra cũng để biện bạch mà thôi. Nạn tham nhũng ở Ukraine nổi tiếng là thâm căn cố đế, không dễ gì xóa được nếu không có một chính quyền mạnh, đoàn kết và có ý chí chính trị - điều mà hiện nay nước này chưa có.

Theo bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2014, Ukraine đứng hạng 142/175 nước được khảo sát trên thế giới theo CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng), tăng 24 hạng so với năm 2007.

Nghĩa là tham nhũng luôn tăng chứ không giảm ở nước này. Ba ngành tham nhũng “bạo nhất” là cảnh sát, y tế và giáo dục.

Còn theo đánh giá năm 2012 của Ernst & Young, 1 trong 4 tổ chức kiểm toán hàng đầu, Ukraine cùng với Colombia và Brazil là 3 nước tham nhũng lớn nhất thế giới.

Ánh sáng cuối đường hầm

Sau 3 tháng tuyển lựa người đứng đầu Cục Chống tham nhũng quốc gia (NACB), ngày 16-4, Tổng thống Peroshenko đã bổ nhiệm ông Artem Sytnyk, 35 tuổi, người chiến thắng trong số 176 ứng cử viên, làm cục trưởng.

Ông này nguyên là kiểm sát viên, từng đưa nhiều quan chức nhà nước vào tù.

Ông Sytnyk có quyền hạn rất lớn, điều tra các quan chức cấp cao mà không sợ bị bất cứ chính khách nào can thiệp. Ông cũng có quyền tịch thu mọi tài sản bất chính theo khung pháp lý được Quốc hội Ukraine thông qua tháng 10-2014.

Ông cũng nhận được lương “khủng” 60.000 hrv/tháng (2.600 USD), cao gấp 8 lần lương của tổng thống. Ngân sách 2015 dành cho NACB là 300 triệu hrv (13 triệu USD). Nhân sự NACB lên đến 700 người. Ông Sytnyk được ví như ánh sáng cuối đường hầm.

Vì trong ban tuyển chọn người nêu trên có ông Giovanni Kessler, Tổng Giám đốc Văn phòng Chống tham nhũng châu Âu, người ta hy vọng ông Sytnyk sẽ làm nên chuyện.

Tuy nhiên, đã có dư luận nghi ngờ vì ông Sytnyk thiếu kinh nghiệm chính trị, vốn rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay của Ukraine.

Đại biểu quốc hội Vitalii Kuprii của Đảng Độc lập quốc gia, cựu thành viên khối Poroshenko, tin rằng tổng thống chọn ông Sytnyk chỉ để “dễ sai khiến”.

 

Ánh sáng cuối đường hầm

Sau 3 tháng tuyển lựa người đứng đầu Cục Chống tham nhũng quốc gia (NACB), ngày 16-4, Tổng thống Peroshenko đã bổ nhiệm ông Artem Sytnyk, 35 tuổi, người chiến thắng trong số 176 ứng cử viên, làm cục trưởng. Ông này nguyên là kiểm sát viên, từng đưa nhiều quan chức nhà nước vào tù.

Ông Sytnyk có quyền hạn rất lớn, điều tra các quan chức cấp cao mà không sợ bị bất cứ chính khách nào can thiệp. Ông cũng có quyền tịch thu mọi tài sản bất chính theo khung pháp lý được Quốc hội Ukraine thông qua tháng 10-2014. Ông cũng nhận được lương “khủng” 60.000 hrv/tháng (2.600 USD), cao gấp 8 lần lương của tổng thống. Ngân sách 2015 dành cho NACB là 300 triệu hrv (13 triệu USD). Nhân sự NACB lên đến 700 người. Ông Sytnyk được ví như ánh sáng cuối đường hầm.

Vì trong ban tuyển chọn người nêu trên có ông Giovanni Kessler, Tổng Giám đốc Văn phòng Chống tham nhũng châu Âu, người ta hy vọng ông Sytnyk sẽ làm nên chuyện. Tuy nhiên, đã có dư luận nghi ngờ vì ông Sytnyk thiếu kinh nghiệm chính trị, vốn rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay của Ukraine. Đại biểu quốc hội Vitalii Kuprii của Đảng Độc lập quốc gia, cựu thành viên khối Poroshenko, tin rằng tổng thống chọn ông Sytnyk chỉ để “dễ sai khiến”.

NGUYỄN CAO

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại