Hàng hiệu, đồ nhập khẩu
Từ lâu, cuộc sống của những người dân ở Bình Nhưỡng đã khác rất nhiều so với ở hầu hết những nơi khác trên khắp đất nước. Một năm sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un hứa rằng sẽ chấm dứt "kỉ nguyên thắt lưng buộc bụng" và kinh tế khó khăn ở Triều Tiên, khoảng cách giàu nghèo giữa những người dân nước này dường như đang ngày càng tăng lên.
Tầng lớp trung lưu ở Triều Tiên đang ngày càng nhiều lên. Người ta đã có thể bắt gặp những người mặc đồ hiệu, cặp tóc lấp lánh, móng tay sơn màu sải bước trên phố hay ngồi trong những chiếc ô tô riêng.
Các siêu thị ở Bình Nhưỡng ngập tràn đồ nhập khẩu từ nước ngoài, những nữ nhân viên bán hàng mặc trang phục hàng hiệu của nhà thiết kế Pháp, người dân lịch thiệp bước vào mua rượu Ý, socola Thụy Sĩ kiwi nhập khẩu từ New Zealand và bánh sừng bò mới nướng. Những người tới đây, nếu có tiền, sẽ được chăm sóc da mặt, nhuộm da, chơi trong sân golf mini hoặc nhâm nhi cappuchino.
Kể từ khi chính phủ cho phép sử dụng di động, Triều Tiên đã có khoảng 2 triệu thuê bao. Các cửa hàng máy tính gần như không thể đáp ứng đủ nhu cầu máy tính bảng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cho xây dựng một công viên thế giới thu nhỏ tại thủ đô, bao gồm cả công trình mô phỏng tháp Eiffel, đồng hồ Victoria (tên mới của tháp đồng hồ Big Ben) và dự kiến mở cửa vào cuối năm nay.
Vợ chồng nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăm một trung tâm y tế liên hợp mới ở Bình Nhưỡng. Theo hãng tin chính thức Triều Tiên KCNA, khu liên hợp này được gọi là Haedanghwa, cao 6 tầng, với nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp.
Nhà ở hay khách sạn sang trọng
Nhiều tòa nhà mới đã mọc lên khắp thủ đô Bình Nhưỡng – thành phố lớn nhất Triều Tiên - kể từ khi nước này đề ra chiến dịch xây dựng thành phố mới. Giống như nhiều khu phố khác, tại phố Changjon tại thủ đô Bình Nhưỡng, những căn nhà xập xệ đã nhường chỗ cho các cửa hàng, quán ăn, căn hộ cao cấp.
Bà Mun Kang Sun, công nhân nhà máy dệt kim Kim Jong Suk, một cư dân mới chuyển tới phố Changjon (Bình Nhưỡng) đã dẫn phóng viên AP đi thăm quan căn hộ mà vợ chồng bà mà được phân do bà đã đạt thành tích vượt 200% định mức công việc trong suốt 13 năm.
Trong căn hộ, một bức ảnh cưới treo trên tường, bên trên chiếc giường kiểu Tây, máy giặt trong phòng tắm, một chiếc máy tính IBM và một ti vi màn hình rộng 42 inch.
"Khi chúng tôi nhận chìa khóa căn phòng này, bước vào và nhìn quanh, chúng tôi hoàn toàn bị sốc vì nó quá đẹp", chồng bà, ông Kim Hyok nhớ lại, "cho tới giờ, vẫn khó có thể tin được rằng đây là nhà của tôi. Tôi vẫn cảm thấy như mình đang sống trong khách sạn".
Mặc dù căn hộ có vòi nước, song vợ chồng bà vẫn giữ thói quen cũ khó bỏ từ thời còn nghèo khó. Bồn tắm chứa đầy nước, một chiếc ca nổi lên trên - giống như hàng triệu ngôi nhà ở Triều Tiên, nơi mà nước phải bơm lên từ giếng rồi gánh bằng tay về nhà và dùng hết sức tiết kiệm.
Những con đường đất
Ra khỏi những con đường rải nhựa ở thủ đô là bước vào một cuộc sống hết sức khó khăn, nơi mà khung cảnh nghèo đói vẫn ngập tràn - một bà mẹ bế đứa trẻ ngồi run rẩy bên vệ đường, những đứa bé trai ăn mặc phong phanh đi chân đất quanh ngôi làng bị lũ phá hủy...
Một căn bếp của người dân nông thôn Triều Tiên.
Không khó để bắt gặp những ngôi nhà bị gió lùa, tường cách nhiệt kém, nơi mà người dân phải mặc áo khoác ngay cả ở trong nhà suốt mùa đông, từ tháng 10 đến tháng 4.
Thực phẩm được phân chia theo khẩu phần, điện là một thứ xa xỉ và người dân chủ yếu di chuyển bằng cách đi bộ, đi xe đạp hoặc ngồi đằng sau xe tải. Thiếu đường ống nước, thiếu nước sinh hoạt là điều dễ gặp ở nhiều hộ gia đình.
Xăng dầu khan hiếm, xe ô tô riêng là thứ hiếm thấy. Ở những nơi như thế này, tất cả mọi thứ, từ củi cho tới lợn chết đều được chở đằng sau xe đạp.
Mặc dù dịch vụ chăm sóc sức khỏe là miễn phí, song theo các nhân viên y tế, thuốc không được cấp đủ, chứ chưa nói tới việc được điều trị tận tình trong bệnh viện.