Chiến lược của Mỹ ở Biển Đông làm TQ "càng đánh càng thua"

Hải Võ |

Các chuyên gia tiết lộ chiến lược "dài hơi" mà Mỹ sử dụng để buộc Trung Quốc phải hứng chịu thiệt hại tăng dần theo thời gian nếu "dám" đối đầu với Washington trên Biển Đông.

Tờ Nihon Keizai Shimbun (Nikkei) của Nhật Bản hôm 2/6 đăng tải bài luận nói về tình hình Biển Đông, trong đó đặt vấn đề "Tổng thống Mỹ Barack Obama thực sự muốn ngăn cản hành động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông tới mức nào?"

Đối với việc Trung Quốc ngoan cố và ngang ngược tiếp tục hành động xây dựng, cải tạo các đảo đá mà nước này xâm chiếm trái phép ở Biển Đông, Lầu Năm Góc nhiều lần khẳng định "sẽ tăng cường giám sát", khiến căng thẳng Trung-Mỹ leo thang.

Hôm 19/5, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã diễn tập tác chiến đổ bộ tại Hawaii. Nikkei bình luận, nếu đây chỉ là cuộc diễn tập đơn thuần thì không có gì đáng nói.

Tuy nhiên, điều khiến truyền thông quốc tế chú ý là, các quan chức quân đội cao cấp từ khoảng 20 quốc gia đã tới quan sát cuộc diễn tập trên.

Cuộc diễn tập ở Hawaii thuộc khuôn khổ Hội nghị Lãnh đạo Đổ bộ Đường biển (PALS) do Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương tổ chức trong các ngày 17-21/5.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã tổ chức hội thảo lần đầu liên quan tới vấn đề phòng vệ đảo. Quân đội Mỹ cho biết mục đích của hội thảo này là để "nâng cao năng lực phòng vệ vùng đảo của các nước", đặc biệt là trước sự bành trướng ngày một ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Máy bay do thám hiện đại P-8A Poseidon mà Mỹ sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát trên Biển Đông.

Máy bay do thám hiện đại P-8A Poseidon mà Mỹ sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, giám sát trên Biển Đông.

Kể từ tháng 5, quân đội Mỹ đã bắt đầu điều máy bay do thám và tàu chiến hiện đại vào thực hiện nhiệm vụ trinh sát, gìn giữ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Mỹ cũng thẳng thừng tuyên bố, nếu Trung Quốc không dừng hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp, Lầu Năm Góc sẽ đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo đá mà nước này chiếm đoạt trái phép.

Các tuyên bố cứng rắn từ Washington đã khiến Bắc Kinh "chột dạ". Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc động thái của Mỹ nhằm gây áp lực để chèn ép nước này, trong bối cảnh ông Obama cảm thấy mối đe dọa và lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở đảo nhân tạo.

Trong cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Nhật hôm 28/4, phía Nhật Bản đã phải kinh ngạc trước chuyển biến rõ rệt trong thái độ của Tổng thống Obama đối với Trung Quốc.

"Các phát biểu của ông Obama liên quan đến Trung Quốc là rất cứng rắn. Những mâu thuẫn trước đó giữa Mỹ-Nhật về Trung Quốc đã được cải thiện."

Mỹ muốn gây áp lực lên Bắc Kinh tới mức độ nào?

Theo Chinanews (Trung Quốc), động thái đẩy mạnh hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông đã gây ra làn sóng tranh luận trên chính trường Mỹ, cũng như nội bộ quân đội nước này kể từ năm 2014.

Một cựu quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ, kể từ năm ngoái lãnh đạo Hải quân Mỹ đã kêu gọi nhanh chóng điều máy bay và tàu chiến vào khu vực các đảo đá bị Bắc Kinh chiếm đoạt phi pháp nhằm áp chế Trung Quốc.

Nhưng vào thời điểm đó, luồng quan điểm lo ngại sự can thiệp của Lầu Năm Góc sẽ khiến nguy cơ xung đột vũ trang Trung-Mỹ leo thang vẫn còn "thâm căn cố đế" ở Washington, khiến ý định của quân đội Mỹ chưa được thực hiện.

Tuy nhiên, khi lưỡng viện quốc hội Mỹ nằm trong sự kiểm soát của đảng Cộng hòa sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014, đến nay chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc đã cứng rắn hơn hẳn.

Bước ngoặt chuyển biến thái độ của Washington được cho là kể từ mùa xuân 2015, khi Trung Quốc "được nước làm tới", trắng trợn đẩy mạnh tốc độ xây dựng đảo nhân tạo trái phép mà không thèm nể nang những lời phản đối của Mỹ và dư luận quốc tế.

Trong khi đó, nhà chức trách Mỹ cũng nhiều lần khẳng định hành động ngang ngược bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế của Bắc Kinh "đã khiến các nước láng giềng lo ngại".

Trước tình hình đó, chính quyền của Tổng thống Obama buộc phải chuyển sang chiến lược can thiệp trực tiếp vào Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng "tự tung tự tác" của Trung Quốc.

Tuy vậy, Nikkei nhận định, cả Trung Quốc và Mỹ đều hy vọng tránh được xung đột trực diện. Với điều kiện tiên quyết này, tờ báo Nhật Bản đánh giá chiến lược trung hạn mang tên "Cost Imposing" nhiều khả năng được Mỹ áp dụng nhất để khắc chế Bắc Kinh.

Chiến lược này do Trung tâm an ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) cùng một số cơ quan có liên hệ mật thiết với chính phủ Mỹ khởi xướng.

Cố vấn cao cấp CNAS
Tiến sĩ Patrick M. Cronin
Chiến lược Cost Imposing thông qua kết hợp các biện pháp ngoại giao, quân sự và tuyên truyền để buộc Trung Quốc phải trả giá đắt tăng dần, kéo dài theo thời gian. Nói cách khác, đây là "cuộc chiến sức bền" mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải từ bỏ các chính sách ngang ngược của mình khi không còn chịu nổi thiệt hại mà cuộc đối đầu với Washington gây ra.

Mỹ đã hành động

Chinanews cho hay, tính đến hiện tại, Mỹ đã bắt đầu thực hiện một số bước nhất định trong chiến lược "tiêu hao Trung Quốc" nói trên.

Ví dụ, Mỹ thường xuyên công bố các hình ảnh vệ tinh về hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông nhằm gia tăng áp lực của dư luận quốc tế lên nước này.

Trên thực tế, các cơ quan của Mỹ vẫn đang không ngừng công bố các hình ảnh về hành vi trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đồng thời, Washington cũng thắt chặt quan hệ với đồng minh ở châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường mối liên kết với các quốc gia Đông Nam Á, gia tăng năng lực phòng vệ biển đảo...

Trong khi đó, gần đây Mỹ cũng lên tiếng kỳ vọng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.

Mặc dù trước mắt những hành động của Mỹ vẫn chưa đem lại kết quả rõ rệt, song quyết định đẩy mạnh chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" của ông Obama cũng đã được nhiều tờ báo của Mỹ đánh giá là một "nước cờ đúng đắn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại