Chiến lược 3R của Mỹ đang tạo ra "hình mẫu chuẩn chống IS"

My Lan |

Cuộc chiến chống IS ở Ramadi - thành phố có tầm quan trọng về cả chiến lược và tâm lý, nếu thắng lợi, sẽ có tác động lớn đối với Các Lực Lượng An ninh cũng như người Sunni ở Iraq.

Bước khởi đầu của chiến lược 3R và hơn thế nữa

Chiến dịch quân sự giành lại Ramadi của quân đội Iraq, với sự giúp sức của các đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố do Mỹ đào tạo cùng sự yểm trợ trên không của các máy bay của nước này, đang diễn ra rất khả quan.

Một thủ lĩnh của IS tại khu vực này đã bị bắt giữ, nhiều tay súng khác đã bị tiêu diệt hoặc buộc phải bỏ chạy.

Hôm 23/12, các chỉ huy Quân đội Iraq đã khẳng định, họ có thể giành lại thành phố này trong vòng vài ngày.

Ramadi là thủ phủ của tỉnh al-Anbar, nơi có đa số người Sunni sinh sống, nằm cách Baghdad khoảng 100km.

Phóng viên người Mỹ Howard LaFranchi nhận định, đối với Mỹ, chiến thắng tại Ramadi sẽ chứng minh chiến lược 3R (Raqqa, Ramadi và raid - đột kích) nhằm đánh bại IS ở Iraq và Syria của chính quyền Tổng thống Obama đang bắt đầu phát huy tác dụng.

Đối với Iraq, nó sẽ đánh dấu chiến thắng lớn đầu tiên của quân đội Iraq và các lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ do Mỹ huấn luyện, mà không cần tới sự trợ giúp của lực lượng người Kurd Peshmerga hay các phiến quân Shitte được Iran hậu thuẫn.

Nó còn trở thành nguồn khích lệ tinh thần lớn lao cho các lực lượng quân đội nước này, dù rằng nó còn tùy vào cách mà họ giành lại và bảo vệ quyền kiểm soát của mình ở đó.

Thêm vào đó, trong thời điểm Iraq đang nỗ lực xoa dịu căng thẳng về giáo phái, thì thắng lợi này sẽ mang tính bước ngoặt, là một sự đảm bảo chắc chắn cho cộng đồng người Sunni ở Iraq về mục tiêu thực sự mà người Shitte theo đuổi.

Thậm chí, giới chuyên gia Iraq nhận định, nó thậm chí có thể trở thành hình mẫu cho các chiến dịch khác đánh bật IS ra khỏi nhiều khu vực ở Iraq, và kể cả tại Syria.

Nhà nghiên cứu Trung Đông
Nicholas Heras
Nếu lực lượng trung lập, theo không bè phái nào có thể đánh bại IS và chứng minh mình là nơi người dân có thể đặt niềm tin thì chiến dịch ở Ramadi sẽ trở thành hình mẫu cho việc giành lại các khu vực khác ở Iraq... và cuối cùng là Mosul.

"Lực lượng hữu dụng nhất"

Lực lượng quân đội Iraq đã viện tới sự hỗ trợ từ các chiến binh bộ lạc người Sunni để giúp bảo vệ những nơi đã được giải phóng tại Ramadi và để lực lượng dân quân người Shiite đứng ngoài cuộc - một phần là nhằm tránh nguy cơ xung đột với dân thường Sunni.

Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Trung Đông (Mỹ), cựu chuyên gia phân tích tại Bộ Ngoại giao Iraq, ông Wayne White đánh giá, đây là một cách làm thông minh.

Theo ông White, "những người hữu dụng nhất trong bất cứ chiến dịch lớn chống lại IS nào lại là các bộ tộc người Sunni sống rải rác, vẫn luôn trung thành" và không chấp nhận những lời mời gia nhập cộng đồng Hồi giáo Sunni của IS.

"Đưa các bộ tộc tới đó và trao quyền cho họ là việc nhất thiết phải làm nếu bạn thực sự muốn xây dựng lòng tin trong cộng đồng người Sunni".

Điều cốt lõi cần phải giải quyết

Chuyên gia White lưu ý việc giành lại Ramadi là rất quan trọng, song việc nhân rộng sự thành công đó trên khắp Iraq sẽ là điều khó khăn.

Một nguyên nhân là việc Các Lực lượng An ninh Iraq phần lớn đang trở thành quân đội của người Shitte, và IS sẽ lợi dụng điều này để tuyển mộ chiến binh trong những khu vực do chúng kiểm soát và có phần đông người Sunni sinh sống.

"85% binh sĩ là người Shitte, và đó chỉ là một trong những yếu tố cản trở chính phủ xây dựng một lực lượng quân đội cân bằng".

Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Haider al-Abadi hiện chưa thực hiện lời hứa cung cấp vũ khí cho các chiến binh bộ tộc Sunni, dù rằng họ đã chứng minh được khả năng chống IS.

Chuyên gia White chỉ ra, ngay cả khi dân quân người Shiite đa phần đứng ngoài chiến dịch lần này, song cuối cùng thì điều cốt yếu là phải ngăn chặn họ khỏi các cuộc đối đầu với người Sunni.

Nói rộng hơn thì chính quyền trung ương người Shitte vẫn đang tiếp tục tránh né việc cải cách, chia sẻ quyền lực chính trị - điều cần phải làm để xóa tan những căng thẳng giáo phái.

Chuyên gia chính trị
Wayne White
Giới lãnh đạo người Shiite vẫn tin rằng họ có thể đuổi IS khỏi lãnh thổ Iraq mà không cần đến sự trợ giúp của bất cứ cộng đồng người Sunni nào... Nếu vẫn giữ suy nghĩ ấy thì một bước tiến thực sự sẽ khó có thể đạt được.

Chuyên gia Heras cũng cùng chung quan điểm này khi dự đoán rằng, cuộc chiến chống IS ở Iraq "sẽ còn một chặng đường dài và gian nan trước mặt", ngay cả khi có chiến thắng ở Ramadi, bởi cần phải thuyết phục được người Sunni "thuận theo".

"Thành công ở Ramadi sẽ nhanh chóng hướng suy nghĩ tới việc việc giành lại Mosul, nhưng mọi thứ sẽ khó khăn hơn nhiều bởi vấn đề của Mosul không phải là về quân đội mà là về chính trị".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại