Bối cảnh phức tạp đằng sau cuộc nội chiến Syria
Tiến sĩ Omar Ashour thuộc Viện nghiên cứu Ả-Rập và Hồi giáo thuộc Đại học Exeter, Anh gần đây đã có bài phân tích trên trang Project Syndicate, đánh giá các rủi ro mà Nga đối diện khi đầu tư vào "canh bạc Syria".
Theo đó, về mặt lý thuyết, hai vụ khủng bố gần đây diễn ra tại bán đảo Sinai, Ai Cập và Paris, Pháp tưởng chừng như đã đưa Nga cùng Phương Tây đến với một mục tiêu chung, đó là nhiệm vụ cùng nhau tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thế nhưng, trong trường hợp phải phân tích kỹ lưỡng những hoạt động quân sự của Nga, cộng thêm vụ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hôm 24/11, người ta sẽ nhận thấy rằng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.
Theo ông Ashour, trước thời điểm tiến hành đưa quân đội vào khu vực Trung Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sứ mệnh của Nga chính là đánh bại IS cũng như các nhóm khủng bố khác tại Syria.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ báo cáo rằng hơn 90% các cuộc không kích của Nga nhằm vào các nhóm vũ trang đối lập chống lại IS, với mục đích giành lại ưu thế cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn được Nga ủng hộ.
Omar Ashour cho rằng IS cũng không tổn thất quá nghiêm trọng bởi các chiến dịch quân sự của Nga. Thậm chí, chúng vẫn đang kiểm soát khá hiệu quả các cơ sở và thành trì của mình tại Aleppo, kể từ trước thời điểm các cuộc không kích của Nga diễn ra.
"Điều này cũng cho thấy một sự thật hiển nhiên rằng, ngoài mục đích tấn công IS ra thì Putin vẫn còn những kế hoạch trọng tâm khác như việc bảo vệ chế độ Assad hay tăng cường sự hiện diện quân sự và tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại Trung Đông…" ông Ashour viết.
Chiến dịch quân sự của Nga đang "đụng chạm" đến lợi ích của nhiều bên trong và ngoài Syria.
Cũng theo bài viết, hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 mà Nga triển khai ở Syria không liên quan tới IS bởi thực tế tổ chức này chưa sở hữu không quân hay tạo thành mối đe dọa trên không.
Đằng sau hành động này, đơn giản chỉ là một bước đi nhằm tạo tiền đề cho việc thiết lập vùng cấm bay tại Syria và xây dựng đối trọng với sự hiện diện của người Mỹ tại căn cứ Incirlik, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh đó, sự kiện Ankara bắn rơi máy bay ném bom của Nga, ở một mức độ nào đó, vô tình đã trở thành cơ hội để Moscow củng cố vững chắc căn cứ không quân của mình tại tỉnh Latakia, Syria.
Mặc dù vậy, Omar Ashour đánh giá Nga đang phải đối mặt với những vấn đề tương đối nan giải, ít nhất là trong tương lai gần. Tạm thời chưa cần xét đến khía cạnh kinh tế thì quân đội Nga cũng bộc lộ nhiều nhược điểm đáng kể.
Ông lý giải: "Thứ nhất, so sánh với phương Tây, không quân Nga hiện giờ đang thực sự thiếu đi các loại vũ khí đạt đến độ chính xác cần thiết.
Điều này cũng giải thích vì sao Moscow thường xuyên phải chấp nhận 'thương vong ngoài ý muốn' nhiều hơn Mỹ, đặc biệt là trong những cuộc xung đột tại Gruzia (2008) và Chechnya (1994-1996 và 1999-2009) trước đây.
Thứ hai, sau khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố Nga can thiệp vào chiến trường Syria là để 'bảo vệ các nhóm dân thiểu số', đồng nghĩa rằng Kremlin đã trở thành 'chất xúc tác' của cuộc xung đột sắc tộc.
Việc ủng hộ chính quyền Assad đại diện cho những người Hồi giáo dòng Shia sẽ khiến Nga phải đón nhận thái độ không mấy tích cực từ phía các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia, những quốc gia Hồi giáo dòng Sunni, vốn chiếm đa số trong cộng đồng tôn giáo này."
Được biết, Tổ chức Anh em Hồi giáo của Syria đã lên tiếng khẳng định sẵn sàng cho một cuộc thánh chiến chống lại “cuộc xâm lăng” từ phía Nga.
Theo Omar Ashour, các kịch bản cho khủng hoảng Syria với sự tham gia của Nga đều không đáp ứng những lợi ích mà Phương Tây theo đuổi ở Trung Đông.
Những kịch bản đón chờ Nga
Omar Ashour phân tích, trong kịch bản tồi tệ nhất là Nga không thành công và bị "sa lầy" trong cuộc khủng hoảng Syria, nước này sẽ đồng thời phải đối mặt với những hệ lụy về mặt kinh tế.
Còn nếu Nga giành thắng lợi như từng đạt được tại Gruzia và Ukraine thì điều này đồng nghĩa với lãnh thổ phía Tây Syria sẽ được đặt dưới sự bảo trợ của Nga-Iran.
Trong khi đó, trường hợp có khả năng diễn ra nhất chính là Moscow đứng ra dẫn đầu một lộ trình đàm phán, điều mà nước này đang kêu gọi, có thể đem lại hòa bình ổn định lâu dài cho Syria.
Trong quá khứ, Nga đã thành công với giải pháp tương tự tại Tajikistan và chấm dứt cuộc nội chiến 1992-1997 ở quốc gia này khi cho phe đối lập lựa chọn giải giáp vũ khí hoặc sáp nhập vào quân đội chính quy được Nga bảo đảm.
Học giả Ashour chỉ ra, không kịch bản nào trong số các trường hợp nêu trên tương ứng với lợi ích mà Phương Tây theo đuổi trong việc ổn định tình hình Syria.
Mặc dù vậy, Phương Tây phải chấp nhận một thực tế "không đáng ngạc nhiên", đó là tình trạng này đã diễn ra quá nhiều lần trong quá khứ.
Ngay cả hiện tại, Mỹ và đồng minh cũng không có được một chiến lược đáng tin cậy để đối đầu với Putin, dù là trong tình huống Nga chưa có "lối thoát" rõ ràng cho tình hình ở Syria hay một biện pháp cụ thể "kết thúc cuộc chơi".
"Có một điều hết sức rõ ràng là, bất cứ diễn biến nào xảy ra ở Syria sẽ không diễn ra nếu thiếu Nga," Omar Ashour kết luận.