Cha đẻ tượng 'siêu mật mã' tiết lộ manh mối mới

Tường Linh |

Cụm các phẩm điêu khắc mang tên Kryptos nằm ở trụ sở Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Langley có chứa các thông điệp được mã hóa. Mật mã khó tới mức mới đây, tác giả bức tượng đã phá lệ khi tung ra gợi ý mới sớm hơn dự định, nhằm thúc đẩy hoạt động giải mã.

Kryptos, ra mắt vào năm 1990, chứa 4 phần của một thông điệp được mã hóa, với 3 trong đó đã được hóa giải.

Gợi ý hiếm hoi

Tuy nhiên phần thứ 4 đã trở thành một trong những đoạn mã bí ẩn nhất, khó phá nhất trên thế giới. Phần này thu hút sự tham gia của các chuyên gia phá mã nghiệp dư và chuyên nghiệp trên khắp thế giới, song chưa ai có đáp án chính xác.

Sau thời gian dài chờ đợi, tác giả đứng sau Kryptos là James Sanborn, 69 tuổi, dường như đã hết kiên nhẫn. Hôm 14/11 vừa qua, ông đã tiết lộ thêm một số chữ mới nhằm giúp hoạt động giải mã tiến nhanh hơn, dù trước đó khẳng định sẽ không đưa ra thêm gợi ý mới cho tới năm 2021.

"Có vài lý do để tôi công bố các chữ mới. 14 là ngày sinh nhật tôi và đây cũng là kỷ niệm sự kiện sụp đổ Tường Berlin" - Sanborn nói với hãng tin Yahoo News. Hồi năm 2011, ông từng công bố 6 chữ gợi ý, nằm ở vị trí từ 65 tới 69 trong đoạn mã dài 97 chữ. Khi giải mã ra, các chữ này ghép thành từ "Berlin". Nay các chữ mới nằm ở vị trí số 70 tới vị trí thứ 74, ghép thành từ "clock" (đồng hồ). Như vậy, các chữ từ 64 tới 74 có nghĩa "đồng hồ Berlin". Nhưng tại sao lại là đồng hồ Berlin và nó muốn nhắn nhủ điều gì?

Tác phẩm Kryptos là thách thức với cả những chuyên gia phá mã giỏi nhất

Yếu tố toàn cầu

Trong cuộc trò chuyện với tạp chí Wired, Sanborn nói rằng ông từng rất ngạc nhiên khi Berlin có nhiều loại đồng hồ kỳ quái khác nhau. Nhưng chiếc đồng hồ Mengenlehreuhr (Đồng hồ Berlin) lại khiến ông quan tâm nhất.

Đồng hồ này được nhà thiết kế Dieter Binninger chế tạo vào những năm 1970. Nó thể hiện thời gian thông qua các khối màu, thay vì các con số và nó yêu cầu người ta phải tính toán để biết được giờ.

Cụ thể, một chiếc đèn vàng ở đỉnh đồng hồ sẽ nháy lên sau mỗi 2 giây. Tại hàng đèn đỏ đầu tiên nằm ngay dưới nó, được chia làm 4 ô, mỗi ô tương ứng với 5 giờ đồng hồ. Ở hàng đèn đỏ thứ 2, mỗi ô đại diện cho 1 giờ đồng hồ. Vì thế nếu hàng đèn đỏ đầu tiên có 2 ô phát sáng và ở hàng thứ 2 có 3 ô phát sáng, thời gian sẽ là 5+5+3=13giờ hay 1 giờ chiều.

“Phần lớn người ta chẳng biết Dieter là ai, cũng như các cá nhân đã chế ra những chiếc đồng hồ kỳ lạ ở Berlin. Ngoài ra, đằng sau chiếc đồng hồ Berlin lại có câu chuyện rất thú vị" - ông nói với Wired.

Cũng theo lời Sanborn, ông nhắc tới Berlin, một thành phố quốc tế, vì không muốn tác phẩm nghệ thuật của mình chỉ mang đặc tính bó hẹp trong nước Mỹ. "Tôi quyết định toàn cầu hóa tác phẩm. Những người đã liên hệ với tôi tới từ nhiều nơi xa xôi (trên Trái đất). Phần lớn những người liên hệ với tôi hiện nay cũng ở cách xa Mỹ" - ông giải thích.

Trong cuộc trò chuyện với Yahoo News, Sanborn cho biết rằng lý do để ông tiết lộ các chữ mới là bởi "đã lâu rồi không đưa ra gợi ý nào". "Một lý do không nhỏ để tôi làm việc này còn bởi sự xuất hiện của rất nhiều hoạt động giải mã sai" - ông nói.

Chiếc đồng hồ Berlin mà đoạn mã của Sanborn đã đề cập tới

Thách thức lớn nhất

Gần 3.000 người say mê tác phẩm Kryptos giờ đã tụ họp lại với nhau trong 1 nhóm giải mã hoạt động trên Yahoo. "Mục tiêu của chúng tôi là mang tới một môi trường thoải mái để trao đổi cởi mở các ý tưởng" - thông điệp trên trang của nhóm có viết - "Việc này sẽ khó đạt được, khi một trong những mục tiêu của từng cá nhân luôn là trở thành người đầu tiên phá mã thành công".

Mỗi người muốn gia nhập nhóm phải đồng ý với một loạt các quy định về việc trao đổi tự do thông tin và tôn trọng, bảo vệ thành tựu của nhau. Các quy định gồm việc sẽ đồng ý để cả nhóm nhận công, nếu bất kỳ thành viên nào trong nhóm phá được mật mã của Kryptos và họ làm điều này là nhờ dựa vào thông tin do các thành viên khác cung cấp.

Có thể nói khao khát trở thành người đầu tiên phá được mật mã bí ẩn là một trong những động lực lớn để người ta tìm cách giải mã sau nhiều năm. Trước đây, vào năm 1998, một nhà vật lý của CIA từng tuyên bố ông đã phá 3 đoạn thông điệp trên cụm tượng Kryptos chỉ nhờ một chiếc bút chì và một mẩu giấy. Một nhà khoa học máy tính ở California cũng từng tuyên bố đã giải mã được 3 đoạn thông điệp bằng máy tính cá nhân của anh ta.

Tuy nhiên, báo chí Mỹ sau này đưa tin rằng các nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ mới là những người đầu tiên phá mã thành công và họ đã giữ kín miệng về chiến tích của mình.

Đoạn thông điệp thứ 4 hiện vẫn là thách thức lớn nhất với các chuyên gia phá mã. Nhưng nếu ai đó e ngại Sanborn có thể chết trước khi mật mã được giải thì họ cũng không cần phải quá lo sợ. Ông cho biết đã chuyển lại bí mật giải mã cho một số người gần gũi để đề phòng. "Tôi không nói với họ mật mã là gì" - ông cho biết - "Tôi chỉ bày cho họ cách tìm kiếm mật mã".

Tác phẩm bí ẩn

Để tạo ra tác phẩm Kryptos, có nghĩa "ẩn náu" trong tiếng Hy Lạp, Sanborn đã dùng đá granite đỏ, đồng, đá nam châm gỗ qua xử lý. Ông còn làm làm việc với một chuyên gia mật mã của CIA để viết ra đoạn mã trên Kryptos.

Sau khi Kryptos ra đời, Sanborn nhận được nhiều lời tán dương, nhưng cũng không ít sự phê phán và cả lời đe dọa từ những kẻ muốn “dạy cho ông bài học” vì tội đặt mã khó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại