LTS: Nữ nhiếp ảnh gia Mỹ Catherine Karnow gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên năm 1990. Bốn năm sau đó, cô là phóng viên phương Tây duy nhất tháp tùng Đại tướng trong chuyến đi lịch sử thăm lại Điện Biên Phủ.
Nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của Đại tướng, xin trân trọng giới thiệu với độc giả cuộc trò chuyện của chúng tôi với Catherine Karnow về những hồi ức không thể nào quên gắn với vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Nhớ lại
Với phóng viên ảnh Mỹ Catherine Karnow, ngày 4/10 năm ngoái có một khởi đầu không như mọi ngày khác.
"Tôi đã thực sự sốc, dù tôi biết Đại tướng đã phải nằm viện trong một thời gian dài," cô chia sẻ.
Khi được tin Đại tướng mất qua email từ một người bạn, Catherine đã nghĩ ngay đến bà Đặng Bích Hà, anh Điện Biên, và các cháu của Đại tướng, những người bạn của cô từ những lần sang thăm Đại tướng trước đây. Cô gọi điện hỏi thăm và chia buồn cùng họ.
Cô cũng quyết định sẽ đến Việt Nam ngay lập tức.
Đã một năm trôi qua, nhưng với Catherine, những cảm xúc trong cô khi trở lại Việt Nam dự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp dường như mới chỉ là chuyện hôm qua.
Catherine đặt chân đến Việt Nam vào ngày 10/10, ngày cuối cùng người dân được phép đến viếng Đại tướng tại nhà riêng. Sau khi cất đồ tại khách sạn, cô lập tức đến căn nhà số 30 Hoàng Diệu.
"Trước mắt tôi là một biển người đứng nối nhau từ dãy phố này sang dãy phố khác. Dù đông người như vậy nhưng không khí thật yên bình, tĩnh lặng. Tôi có thể thấy rõ lòng thành kính của người dân Việt Nam dành cho vị Đại tướng của họ," Catherine chia sẻ.
Đoàn người đến viếng Đại tướng Ảnh: Catherine Karnow
"Tôi thật sự rất ấn tượng, tuy nhiên tôi không hề ngạc nhiên trước những gì mình thấy," cô nói thêm.
Trong lễ Quốc tang ngày hôm sau, khi linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa đến sân bay Nội Bài để về an táng tại quê hương Quảng Bình, một khung cảnh tương tự lại hiện lên dưới ống kính của nhiếp ảnh gia người Mỹ.
"Xung quanh tôi lại là một dòng người đến từ khắp mọi nơi. Nhìn những giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt nhiều người trong số họ, thật khó có từ gì có thể diễn tả," cô chia sẻ.
Hình mẫu dân tộc
Trong số những người đến thăm viếng và tham gia lễ truy điệu Đại tướng, có một bộ phận không nhỏ là học sinh sinh viên. Những bạn trẻ không thể trực tiếp đến dự cũng thể hiện sự tiếc thương của mình với Đại tướng trên mạng xã hội. Có thể thấy, khoảng cách về thế hệ cũng không ngăn cách giới trẻ Việt Nam bày tỏ lòng thành kính của mình với vị tướng của dân tộc.
Tại lễ tang Đại tướng Ảnh: Catherine Karnow
Với một người đã nhiều lần đến Việt Nam, Catherine không tỏ ra bất ngờ với điều này. Trong mắt Catherine, cô luôn ấn tượng với tình yêu Tổ quốc, sự kính cẩn, hiếu lễ đối với người trên và lòng tôn trọng lịch sử của người dân Việt Nam. Theo cô, những ưu điểm này đã được thể hiện rõ trong suốt lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Đại tướng là một vị anh hùng, đó là điều không thể phủ nhận. Chỉ riêng chiến thắng Điện Biên Phủ không thôi cũng đủ để phong ông làm anh hùng rồi. Công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đất nước các bạn không gì có thể đo đếm được. Ông thực sự là một nhân vật lịch sử. Tầm hiểu biết của tôi về đất nước của các bạn không đủ sâu rộng để giải thích tại sao, nhưng tôi không hề ngạc nhiên trước sự thành kính mà các bạn trẻ Việt Nam dành cho Đại tướng khi ông qua đời," cô nói.
Những bức ảnh
Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với gần 30 năm trong nghề, cái tên Catherine Karnow đã xuất hiện trên hàng trăm nghìn bức ảnh trên khắp thế giới. Vài nghìn trong số đó đến từ những chuyến thăm Việt Nam và tháp tùng Đại tướng. Nhưng đối với cô, số lượng không hề quan trọng.
"Nói đến nhiếp ảnh thì không nên đề cập đến số lượng. Hỏi nhiếp ảnh gia đã chụp được bao nhiêu bức ảnh chẳng khác nào hỏi nhà văn đã viết được bao nhiêu từ," cô thẳng thắn chia sẻ.
Sự đa dạng về nhiều mặt trong bộ ảnh chụp Đại tướng của Catherine có đóng góp không nhỏ từ chính Đại tướng, người luôn sẵn lòng chiều theo những nguyện vọng chụp ảnh của cô. Khi được hỏi liệu có lúc nào cô cảm thấy tiếc nuối vì không kịp ghi lại một khoảnh khắc nào đó của Đại tướng, cô chia sẻ: "Một trong những điều quan trọng nhất đối với tôi trên tư cách một nhiếp ảnh gia đó là phải biết cách giữ ý. Khi cần, tôi sẽ cất máy ảnh vào túi và tạm thời đặt nghiệp vụ sang một bên. Những lúc như vậy, không thể nói là tôi đã 'tiếc' được."
Trong số những bức ảnh về Đại tướng mà cô đã chụp, Catherine tâm đắc nhất với hai bức. Một trong số đó là bức ảnh chân dung nổi tiếng có tựa đề "Snow-covered Volcano" (tạm dịch: Ngọn núi lửa phủ tuyết).
Bức chân dung "Ngọn núi lửa phủ tuyết" nổi tiếng Ảnh: Catherine Karnow
"Nhiếp ảnh gia chúng tôi luôn ưu ái những bức ảnh đòi hỏi nhiều công sức thực hiện. Bây giờ có nói với người xem rằng để chụp được bức ảnh này khó thế nào thì cũng không làm bức ảnh đó đẹp hơn. Nhưng đối với tôi, bức ảnh đó thật sự là một thành tựu," cô nói.
Bức ảnh này được Catherine chụp tại nhà riêng của Đại tướng vào năm 1994. Với công nghệ máy ảnh còn tương đối lạc hậu thời bấy giờ, cô đã phải rất mất công để tìm được một góc chụp có ánh sáng tự nhiên ưng ý. Sau một hồi đi lại quan sát trong nhà Đại tướng, cô đã chọn bậc cầu thang trong bếp, nơi có ánh sáng từ cửa sổ rọi vào.
Bức ảnh còn lại được cô chụp khi tháp tùng Đại tướng lên Điện Biên Phủ năm 1994.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại Điện Biên Phủ năm 1994 Ảnh: Catherine Karnow
"Tôi chụp bức ảnh này khi Đại tướng đang gặp mặt người dân địa phương và cùng lúc đó ông quay về hướng camera. Trên khuôn mặt Đại tướng khi đó là một niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc thực sự. Đó là một nụ cười rất thật," cô nhớ lại.
Tương lai
Catherine cho biết cô sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 12 tới để tổ chức một cuộc hội thảo về nhiếp ảnh. Cô cũng có kế hoạch đến thăm và chụp ảnh tại những khu vực bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Vào tháng 4 năm sau, Catherine dự định sẽ tổ chức triển lãm tại Hà Nội và TPHCM, với chủ đề là những bức ảnh chụp tại Việt Nam của cô.
Kết thúc cuộc trao đổi, Catherine gửi lời cảm ơn đến Đại tướng và gia đình, những người đã để lại trong cô những ấn tượng khó phai.
"Với tư cách một nhiếp ảnh gia, tôi luôn mong muốn được kết nối và gần gũi với người khác qua những tấm ảnh tôi chụp họ. Xin cảm ơn Đại tướng và gia đình ông đã cho tôi có được niềm vinh dự ấy. Được ở bên Đại tướng và đón nhận sự tiếp đãi nồng hậu của gia đình ông những dịp tôi đến đây trong suốt hơn 20 năm qua là những kỉ niệm tôi sẽ không bao giờ quên."