“Canh bạc nguy hiểm và đầy rủi ro” của Trung Quốc

Trung Quốc đang “đánh bạc” với ý nghĩ rằng họ có thể vượt qua sự thù địch của các quốc gia tham gia “xoay trục”.

“Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 tại lô 143 ở Biển Đông vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) vì khu vực trên nằm sâu trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam, nơi Việt Nam có quyền chủ quyền”. Đó là khẳng định của ông Ezequiel Ramoneda, Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia La Plata (Argentina).

Ông Ramoneda ủng hộ lập trường của Việt Nam trong xử lý tranh chấp với Trung Quốc, đó là thúc đẩy đàm phán trên cơ sở các văn bản pháp lý quốc tế. Ông nhận xét, là một thành viên của ASEAN, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của khối này, thể hiện qua Tuyên bố của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 mới đây. Theo chuyên gia này, Trung Quốc cũng có vùng đặc quyền kinh tế, nhưng là tại khu vực khác.

Ông Ramoneda cũng cho rằng việc Trung Quốc ấn định thời điểm đặt giàn khoan vào ngày 2/5 là có chủ ý. Lý do thứ nhất và quan trọng nhất là nó diễn ra trước cuộc họp cấp cao ASEAN lần thứ 24 được tổ chức trong các ngày 10 và 11/5 tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar. Trung Quốc đặt giàn khoan đó để phô trương sức mạnh trước 10 thành viên ASEAN. Lý do thứ 2, nhưng không kém phần quan trọng, là việc đặt giàn khoan diễn ra ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ công du một số nước châu Á, trong đó có Philippines và Malaysia. Ông khẳng định hành động của Trung Quốc tạo ra một cách gián tiếp và vô trách nhiệm sự cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ thông qua việc hai nước này tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á.

Theo ông Ramoneda, rõ ràng là Trung Quốc không tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và hòa bình cho các tranh chấp đang tồn tại và điều này dẫn tới căng thẳng leo thang, làm tăng nguy cơ bất ổn tại khu vực. Ông cho rằng xét về mặt chính trị, cách hành xử hiện nay của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và các nước khác, làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang và tạo ra khủng hoảng ngoại giao tại khu vực.

Xét về mặt kinh tế, hành động của Trung Quốc có thể gây phương hại tới các hiệp định thương mại tự do và liên kết đã ký giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như có thể ảnh hưởng tới việc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được Trung Quốc thúc đẩy, nhưng có lợi cho đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Mỹ quan tâm.

Trong bài viết đăng trên Asia Times Online, chuyên gia về các vấn đề Đông Á và Nam Á, Peter Lee lý giải rằng có lẽ phía Trung Quốc nghĩ rằng việc tiến hành một vụ khiêu khích lớn ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế đã được Việt Nam tuyên bố và bắt nạt một nước Việt Nam không có liên minh quốc phòng với một cường quốc khu vực (Nhật Bản) hoặc cường quốc thế giới (Mỹ), có thể giúp Trung Quốc đạt được những điều cần thiết.

Thông qua hành động khiêu khích Việt Nam nói trên, bộ máy quân sự của Trung Quốc có được một cuộc diễn tập. Việc khiêu khích Việt Nam chính là sự chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với quốc gia mà Trung Quốc thực sự muốn uy hiếp, đó là Philippines.

Peter Lee viết: Xem ra Philippines là một “đối thủ khó chơi”, vì nước này vốn có liên minh quân sự với Mỹ và chính sách đối ngoại đặt “tất cả các quả trứng” vào chiếc giỏ “bên miệng hố chiến tranh”, từ chối dàn xếp song phương với Bắc Kinh và tin tưởng Mỹ sẽ ngăn chặn hành động xâm lược của Trung Quốc. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên, nếu giàn khoan Hải Dương 981 một ngày nào đó xuất hiện ở ngoài khơi Philippines trong tương lai gần.

Trung Quốc đợi cho Tổng thống Obama rời châu Á. Sau đó, Trung Quốc mới nối lại “công việc” khiêu khích ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và uy hiếp Việt Nam. Do Trung Quốc có truyền thống “tránh đối đầu”, nên những hành động khiêu khích và sự leo thang công khai này dường như là điều khác thường.

Có lẽ, với việc Mỹ công khai cam kết về chính sách “xoay trục” và khuyến khích Nhật Bản thực hiện phòng vệ tập thể, Trung Quốc đã quyết định thách thức chính sách “xoay trục” sang châu Á của Washington, trước khi chính sách này trở nên “sâu rễ, bền gốc”. Và Trung Quốc đang làm điều đó bằng việc thể hiện - dưới dạng tương đối lỗ mãng - rằng chiến lược “xoay trục” không ngăn chặn được Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ khiến cho các đồng minh của Washington ở châu Á phải trả giá về kinh tế.

Về việc tại sao Bắc Kinh lại quyết định làm dấy lên làn sóng lo ngại và căm ghét trên thế giới vào thời điểm hiện nay, có người cho rằng chỉ đơn giản là vì Trung Quốc muốn thúc đẩy sự ra đời của một trật tự châu Á mới và tước bỏ vai trò thống trị của Mỹ.

Tuy nhiên, có một sự diễn giải khác mang tính thuyết phục hơn nhiều. Trung Quốc coi một thập kỷ sắp tới là quãng thời gian khó khăn và đầy đe dọa, với những chính quyền chống Trung Quốc nắm quyền ở nhiều thủ đô châu Á, cùng với một nhiệm kỳ Tổng thống có thể của bà Hillary Clinton. Cách tốt nhất là sớm chọc thủng cái ung nhọt “xoay trục”, trước khi hoạt động tăng cường quân sự được hoàn tất và trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama “không muốn đối đầu với Trung Quốc” đang nắm quyền.

Thập kỷ “quyền lực mềm” của Trung Quốc xem ra đã kết thúc và các mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng trên biển sẽ ngày càng phụ thuộc vào sự chi phối của “quyền lực cứng”. Trung Quốc đã quyết định “ra đòn mạnh mẽ” và chấp nhận những cái giá phải trả về ngoại giao, kinh tế-xã hội. Trung Quốc đang “đánh bạc” với ý nghĩ rằng họ có thể vượt qua sự thù địch của các quốc gia tham gia “xoay trục”. Đó là một “canh bạc” nguy hiểm và đầy rủi ro.

Trên trang mạng Diễn đàn Đông Á (Eastasia Forum) của Australia mới đây đăng bài của Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng: Cuộc đối đầu trực tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến việc Bắc Kinh ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam có lẽ là phép thử lớn nhất đối với quan hệ song phương giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa năm 1991.

Bài báo viết: Quyết định đơn phương của Trung Quốc trong việc triển khai giàn khoan nước sâu trên đã bất chấp một thực tế là hai nước Việt, Trung đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong mối quan hệ song phương suốt hơn 2 thập kỷ qua cũng như việc Bắc Kinh hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hai bên đang là “đối tác chiến lược toàn diện”.

Trước đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã đạt được một số tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, chẳng hạn như thỏa thuận năm 2011 về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển và thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo cũng như chính quyền địa phương để quản lý khủng hoảng trên biển. Nhưng hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng EEZ của Việt Nam vào đầu tháng 5 này đang đe dọa hủy hoại những phát triển tích cực đó.

Hành động của Trung Quốc khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang cũng đã gây ra những quan ngại sâu sắc trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đã đặc biệt chỉ trích hành động của Trung Quốc. Trong khi đó, Hội nghị cấp cao ASEAN 24 tại Nay Pyi Taw (Myanmar) vào tuần trước cũng đã đưa ra một tuyên bố riêng về tình hình ở Biển Đông - lần đầu tiên trong 20 năm qua.

Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ lùi bước - ngoại trừ một số báo cáo cho rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng đàm phán giải quyết vấn đề sau khi Việt Nam rút tàu của mình, một điều kiện vô lý mà Việt Nam không thể chấp nhận.

Do đó, vụ việc này có khả năng sẽ vẫn là một phép thử nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương cũng như các mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN trong những tháng tới. Trong bối cảnh đó, một số bài học có thể rút ra cho Việt Nam và các nước trong khu vực.

Thứ nhất, tranh chấp Biển Đông sẽ tiếp tục là mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà Việt Nam phải đối mặt. Tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông sẽ cản trở các mối quan hệ cả về chính trị và kinh tế giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc. Theo đó, quan hệ song phương sẽ có những bước thăng trầm cùng với những sự cố mới, làm xói mòn mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ trở nên quyết đoán hơn về vấn đề Biển Đông trong tương lai, đặc biệt là nếu nền kinh tế Trung Quốc phát triển ì ạch và chính phủ tại Bắc Kinh lợi dụng vấn đề tranh chấp lãnh thổ để làm chệch hướng sự bất mãn trong nước. Kết quả là, tranh chấp về ngư trường có thể sẽ bùng phát.

Thứ ba, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục trì hoãn thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Điều này sẽ tạo ra một tình huống khó xử cho các nước ASEAN. Các nước trong khu vực đều muốn Trung Quốc ký kết COC để có những nội dung mang tính pháp lý ràng buộc cao hơn, đồng thời đưa ra các chế tài ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông, không để tranh chấp leo thang và duy trì hoà bình ổn định, bảo đảm an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng do Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động để hiện thực hoá yêu sách “đường 9 đoạn”, thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Bắc Kinh hiểu rằng việc ra đời COC sẽ đồng nghĩa với việc hạn chế các hoạt động gây hấn của họ đối với các nước láng giềng ở Biển Đông. Nếu với cách suy nghĩ này sẽ rất khó để các nước ASEAN và Trung Quốc có thể cùng xây dựng được COC theo đúng nghĩa, như mong mỏi của các nước trong khu vực và của cả cộng đồng quốc tế.

Một số học giả và các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang xem chiến lược tái cân bằng của Washington và TPP như một công cụ chiến lược và kinh tế mà Mỹ đang triển khai nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Nhưng họ nên lưu ý rằng sự phản ứng rất mạnh mẽ với những gì nước này cảm nhận về chiến lược của Mỹ cùng với những hành động khiêu khích trong tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc đang khuyến khích Mỹ theo đuổi chiến lược ngăn chặn nước này. Trong hoàn cảnh đó, căng thẳng ở Biển Đông có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại